Nếu không có mẹ giới thiệu ta trên cuộc đời thì ta sẽ
chẳng thể nào có mặt. Cái ơn ấy gọi là ơn sinh thành với chín tháng cưu
mang nặng nhọc, đẻ đau trong huyết sản tràn trề...
Văn chương và
bao nhiêu bài học đạo lý đều ưu ái dành để ca ngợi tình mẹ với mong muốn
sẻ chia với con người về “ơn nghĩa sinh thành” vốn cao vòi vọi, để Ai
còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không. Câu thơ
cũ, như lời dặn dò ân cần dành cho những ai còn mẹ, để không làm mẹ đau
lòng bởi đủ thứ lý do, như những lúc ta ham vui, ta bực bội, không kiềm
chế mà nói nặng nhẹ với người đã sinh mình ra trên cuộc đời.
Hiếu
hạnh là một đức tính cao đẹp, quy chuẩn làm người được xưng tôn là bậc
nhất. Ta có thể sống chưa đẹp với ai đó, nhưng nếu sống không đẹp với mẹ
có nghĩa là hết đường cứu vãn, có nghĩa chẳng còn gì có thể tha thứ.
Ngày
của mẹ được nhiều người trên thế giới khắc ghi bằng ngày chủ nhật thứ
hai của tháng 5, để nhắc nhớ về ơn đức sinh thành, về việc báo ơn, sám
hối lỗi lầm chắc chắn ta từng phạm ít nhiều.
Ngày của mẹ dành
cho những đứa con hướng về mẹ nhiều hơn thường ngày bằng những hình thức
hoa, quà, tri ân, báo ân tùy sức, tùy cách. Đó là một ngày hình thức
nhưng kỳ thực rất cần thiết trong ngồn ngộn những nhớ quên nơi những đứa
con cứ bị vòng xoáy cuộc sống, với những lao chen thời hiện đại cuốn
đi, quên mất mẹ mình đã nhọc nhằn sinh nở, nuôi nấng, thương yêu...
Có
thể bà mẹ quê của mình không biết có một ngày dành riêng mang tên “Ngày
của mẹ”, vì nó xuất phát từ phương Tây, song ta thì biết nên ta sẽ khéo
léo bày biện những ý tưởng làm mẹ vui. Do vậy, ở mặt nào đó Ngày của mẹ
cũng là ngày của những đứa con quay về làm mới tâm hồn mình bằng chất
liệu của tình thương, thương mẹ, yêu mẹ, xin lỗi mẹ...
L.Đ.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét