Võ Tòng Xuân sinh
năm 1940 tại làng Ba Chúc, huyện Thất Sơn, tỉnh An Giang trong một gia đình nông
dân nghèo.
Thời ấy, ông luôn cố tìm thấy trong mỗi khó khăn một điều kiện trui rèn mình, xuyên qua mỗi nhọc nhằn để bắt gặp một niềm vui trong học tập, trong làm việc và tiến bộ không ngừng. Cuối cùng ông đã thành công. Ông là Võ Tòng Xuân, GS - TS, Nhà giáo, Chuyên gia nông nghiệp...
Cơ hội trong mọi hoàn cảnh
Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại làng Ba Chúc, huyện Thất Sơn, tỉnh An Giang trong một gia đình nông dân nghèo. Thời tiểu học, ông học ở quê nhà, nhưng lên đến trung học đệ nhất cấp (THCS bây giờ), do ở quê trường ốc thiếu thốn, ông đã phải một mình khăn gói lên Sài Gòn ở nhờ nhà dì dượng để đến trường. Nhà dì dượng ông có một chiếc xe hơi Citroen làm phương tiện kiếm sống. Mỗi tối, ông phải ra đó ngủ và cũng để trông xe giúp.
Võ Tòng Xuân nhớ lại: “Chỉ mới là một cậu bé, tương đương học sinh cấp 2 bây giờ, mang tiếng là được ở với bà con, nhưng “cái chuyện” phải ngủ ở ngoài xe trơ trọi một mình dễ làm tôi tủi thân lắm. Leo lên xe ngồi một mình ngắm lui ngắm tới thấy buồn lạ. Nhưng rồi chính cái sự “trơ trọi” im ắng ấy đã khiến tôi nghĩ: Chà, trong không gian này mà tập trung học thì rất tốt, khỏi bị ai làm phiền. Và thế là, tôi thấy chiếc xe trở nên là một “góc học tập” tuyệt vời.
Lại có thời gian, ông phải đi bán báo. Ngày nào cũng vậy, ông dậy lúc 4 giờ sáng để đi nhận báo và sau đó đem báo đến từng nhà. Công việc cực nhọc, nhưng Võ Tòng Xuân lại tìm thấy một niềm “an ủi lớn” (chữ của ông) trong đó. Ấy là nhờ sẵn có hàng chục đầu báo trong tay mỗi ngày, ông thấy mình “vua” hơn nhiều độc giả, ở chỗ có thể thu nhận nhiều thông tin cùng một lúc hơn họ. Hóa ra, bán báo có lợi về thu nhập lại cả về kiến thức! Qua đó, mỗi ngày ông kiếm được khoảng 20 đồng tiền lời - tương đương 20 tô phở, “gởi về cho mẹ, phụ giúp nuôi em, vui không tả được”.
Sau khi đậu tú tài toàn phần (tốt nghiệp THPT ngày nay), Võ Tòng Xuân được học bổng du học tại ĐH Nông nghiệp Los Banos - Philippines. Khi đáp máy bay qua mới hay tin ông được tài trợ cả tiền vé máy bay, mừng quá, Võ Tòng Xuân dùng số tiền “bù” đó để mua ngay một chiếc máy ảnh và một cái radio với dự định hai món này sẽ giúp ông “kiếm cơm” nuôi chuyện học bằng nghề chụp ảnh và nghề phiên dịch, dịch thuật. (Radio giúp ông tự trau luyện tiếng Anh qua nghe - nói). Và cả đến khi làm một anh phóng viên nghiệp dư (không có nhuận bút) cho tờ báo của nhà trường, ông lại cũng “cơ hội hóa”, “biến” phòng thí nghiệm thành buồng tối để tráng rọi phim ảnh, hỗ trợ cho nghề chụp ảnh kiếm tiền của mình. Một thời gian, nhận thấy Đài Philipines phát sóng chương trình văn hóa nhiều nước mà không có chương trình dành cho Việt Nam, ông tìm hiểu và được cho biết đó là do không có ai chuyên trách phần tiếng Việt (tất nhiên đã phải biết tiếng Anh). Thế là ông xin “nhảy vào giúp” không lương. Được một thời gian, thấy ông làm tốt, người ta đã trả lương cho ông hậu hĩ! Đặc biệt, trong một lần chụp ảnh đám cưới cho một đôi uyên ương mà cô dâu là người Việt, chàng rể là người Phi, ông tranh thủ làm quen cô dâu và sau đó được đến chơi trang trại của họ thường xuyên. Tại đó, Võ Tòng Xuân học hỏi được nhiều về thực tế chuyện làm nông, là vốn liếng phong phú cho ông mãi về sau.
Những khó khăn luôn là những thách thức để con người có ý chí tìm thấy cơ hội khẳng định mình, giúp mình tiến bộ.
Kể về những sự việc trên,Võ Tòng Xuân nói nhẹ nhàng mà cụ thể hơn: Đó là những cú hích cho ông luôn cảm thấy hứng thú và dần tự tin dấn bước vào đời. Và ông luôn sẵn sàng chờ... những cú hích khác, bất ngờ và mạnh mẽ hơn!
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét