Tôi
bứt tóc kêu trời và quyết định nhường luôn cái “danh hiệu” phái mạnh
cho chị em phụ nữ, trong đó có vợ mình. Bởi tôi đã thấm thía một điều
là, làm cho cuộc hôn nhân của mình luôn đầy ắp tiếng cười luôn quan
trọng hơn việc xét nét xem ai mạnh, ai yếu.
Xưa nay,
ai cũng biết, đàn ông luôn được xem là “phái mạnh”. Mạnh ở đây hiểu
theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế mà, về ở với nhau 10 năm, vợ tôi
đột ngột móc họng: “Mấy anh bảo đàn ông là phái mạnh hả? Mạnh ăn, mạnh
chơi thì có”.
Câu nói của người vợ vốn hiền thục xưa
nay như một mũi dao nhọn cứa vào lòng kiêu hãnh của cá nhân tôi và bọn
đàn ông chúng tôi. Tự cổ chí kim, ai chẳng biết, chị em phụ nữ là phái
yếu? Gọi họ là phái yếu bởi vốn dĩ họ đã yếu đuối, mềm mại, liễu yếu đào
tơ, luôn cần được chở che, bảo bọc. Người ta gọi các nàng là liễu, là
mai, là đào, chứ có ai gọi các cô, các bà, các chị, các em là tùng, là
bách... đâu? Vậy, đích thị họ là phái yếu rồi.
Nhưng
vợ tôi nói có sách, mách có chứng; còn tôi thì lý lẽ xem ra rất mong
manh. Bởi vậy, tôi quyết tâm phải tìm cho bằng được chứng cứ để phản
bác, buộc vợ tôi phải rút lại lời nói và xin lỗi lòng kiêu hãnh đã bị
tổn thương nghiêm trọng của tôi.
Ròng
rã nhiều tháng trời, tôi bới móc ký ức của mình, của bạn bè mình, anh
chị em mình và cả các bậc trưởng bối với hi vọng tìm được dấu vết sự
mạnh mẽ của đàn ông. Kết quả là, khi cơ sở khoa học chưa đủ để giải
thích thì tôi đã có đủ cơ sở thực tiễn để kết luận... vợ tôi nói đúng.
Không
phải dễ dàng gì mà một người có đầy đủ “bản lĩnh đàn ông” như tôi lại
phải mở miệng phủ nhận chân lý: “đàn ông là phái mạnh”. Phủ nhận điều
này chẳng khác nào phủ nhận một thực tế, rằng sau hôm nay sẽ không còn
là ngày mai và trái đất thì không còn xoay quanh mặt trời nữa. Thế
nhưng, sự thật vẫn là sự thật. Điều kinh khủng nhất là quãng thời gian
kể từ khi tôi quen biết mẹ của hai thằng con tôi đến giờ cũng chính là
thời gian để cô ấy làm sụp đổ thành trì trong nhận thức của tôi về cái
sự mạnh - yếu.
Vậy nên, hôm nay, tôi xin được phép
tuyên bố rằng, những người mà xưa nay ông bà tổ tiên chúng ta quen gọi
là phái yếu thật sự chẳng yếu chút nào. Phái yếu bây giờ là chúng ta, là
những gã đàn ông, từ những người “vai năm tấc rộng, thân mười thước
cao” đến những kẻ “đầu đít có một tấc”!
Tôi nói điều
này, chắc chắn sẽ có nhiều người phiền lòng. Nhưng tôi sẽ bắt chước vợ
tôi là làm cái việc chứng minh những điều mình đã nói. Tôi chẳng cần đi
đâu xa. Tôi nói ngay chuyện trong nhà mình. Tôi và hai thằng lục lăng vị
chi là ba người đàn ông. Vợ tôi thì chỉ có một mình. So về số lượng
lẫn... cân nặng thì vợ tôi còn lâu mới có thể so sánh với 3 người chúng
tôi. Thế nhưng, kẻ mạnh chưa hẳn là kẻ... cân nặng!
Hồi
mới cưới về, cả hai chúng tôi đều đi làm. Hai vợ chồng tôi làm công
nhân trực tiếp, ngày nào cũng 8 tiếng, có khi 10 tiếng. Tuy vậy, lúc về
nhà, trong khi tôi tắm rửa và... nằm thở thì vợ tôi đã loay hoay dọn
dẹp, cơm nước, giặt giũ. Đã vậy, cô ấy còn nhận hàng về nhà làm thêm. Có
hôm làm đến 2 giờ sáng mà hôm sau vẫn dậy sớm, nấu nướng bữa sáng cho
chồng rồi tỉnh bơ đi làm. Nàng không là phái mạnh thì làm sao có thể
cáng đáng từng ấy công chuyện?
Nếu ngẫm lại sự hy sinh vất vả trong gia đình thì đàn ông không phải là phái mạnh.
Rồi
đến khi vợ tôi có bầu. Cái bầu hành nhiều khi cả ngày chẳng ăn uống
được gì. Vậy mà cô ấy vẫn đi làm đủ 26 công, vẫn đi chợ nấu cơm đủ 30
ngày, nhà cửa vẫn dọn dẹp tươm tất. Nể nhất là thấy cô ấy vác cái bụng
bầu đi nhanh thoăn thoắt, tôi chạy theo bở hơi tai vẫn không kịp. Chợt
nghĩ, tôi mà vác như thế thì có nước... lăn lê bò toài thôi. Thế thì
người phụ nữ của tôi không phải phái mạnh thì là gì?
Khi
vợ tôi sinh con thì cái sự mạnh mẽ ấy càng thể hiện rõ. Tôi đi làm về
mệt, ban đêm lăn ra ngủ say như chết. Một mình vợ chăm con, thay tã, cho
bú, lục đục suốt đêm mà chẳng thấy than thở; trong khi chỉ cần con khóc
làm tôi giật mình tỉnh giấc là tôi cằn nhằn cho tới khi nào ngủ lại
được mới thôi. Nàng không là phái mạnh thì chẳng lẽ lại là tôi?
Con
lớn một chút, vợ tôi đi làm trở lại. Buổi trưa cô ấy vừa tất tả qua nhà
trẻ cho con bú, vừa đi chợ nấu cơm; buổi chiều thì đi đón con rồi về
nhà lại tắm rửa con, cơm nước, giặt giũ. Vợ tôi làm hết, có hôm chỉ nhờ
tôi nhặt dùm bó rau trong khi cô ấy cho con ăn thì tôi đã gắt nhặng xị
và kêu mệt. Tôi kêu mệt trong khi vợ vẫn thản nhiên làm mọi việc, cô ấy
chẳng phải phái mạnh thì là gì?
Khi vợ tôi sanh đứa
con thứ hai, mọi việc lặp lại như đứa con đầu. Có khác là cô ấy bận bịu
nhiều hơn. Thế nhưng chẳng hiểu sao vừa đi làm, vừa chăm con mà vợ tôi
làm ngon ơ. Trong khi tôi chỉ được giao nhiệm vụ đón con mà đã thấy đó
là một gánh nặng làm cho mình ngày càng cạn kiệt sức trai. Tôi không
phải kẻ yếu thì là gì?
Nếu không biết nhường nhịn phụ nữ thì đàn ông không phải là phái mạnh.
Nhưng
lúc đó, tôi vẫn chưa thực sự ý thức được mình là... phái yếu. Tôi chỉ
cho rằng đàn bà dẻo dai hơn vì có một số tố chất gì đó mà khoa học đang
nghiên cứu. Lục tìm trên Gu - gồ, tôi thấy có tài liệu nói rằng, đàn bà
chịu đựng giỏi hơn, sống lâu hơn dù phải lấy chồng, đẻ con, nuôi dạy
con, đi làm kiếm tiền... Tuy nhiên, vẫn chưa ai tìm ra cái chất gì làm
nên những điều ấy nên gọi bừa là “thiên chức”. Vậy là tôi tiếp tục
tìm...
Lần đó, hai chúng tôi đi nghỉ mát với cơ quan
ở Phan Thiết. Về tới nhà, tôi mệt phờ, còn vợ thì vừa dọn dẹp nhà cửa,
vừa lúi húi làm cơm. Lúc đó, hai thằng con chạy giỡn ồn ào, tôi quát
lên: “Chúng mày có để cho ba nghỉ ngơi không? Mệt chết người đây này”.
Vợ tôi dưới bếp nói vọng lên: “Đi chơi mà mệt thì lần sau cứ ở nhà cho
khỏe anh à”. Tôi tịt ngòi. Lời nói của vợ có sức mạnh đến nỗi từ đó về
sau, mỗi lần chơi bời, nhậu nhẹt, có mệt cách mấy tôi cũng không dám kêu
than!
Lại có lần, vợ tôi bị bệnh phải phẫu thuật.
Khi rước về, bác sĩ bảo không được làm lụng nặng nhọc. Tôi chắc mẻm lần
này vợ tôi phải cam tâm làm “phái yếu” rồi. Mà đúng như vậy thật. Cô ấy
phải ngồi một chỗ để nhìn cha con tôi, người lau nhà, người đi chợ,
người nấu cơm, giặt đồ... Không có bàn tay vợ nhưng theo hướng dẫn của
cô ấy, nhà cửa vẫn gọn gàng, cơm nước vẫn tinh tươm. Tôi đắc ý: “Em thấy
chưa? Bây giờ em phải thừa nhận mình là phái yếu đi!”. Vợ tôi thủng
thẳng: “Trước nay anh có bao giờ thấy kẻ yếu ra lịnh cho người mạnh
chưa? Làm gì có chuyện đó!”. Tôi đứng chết trân ngó vợ. Mấy hôm nay, cô
ấy toàn ra lịnh cho tôi. Nói vậy, kẻ yếu... là tôi sao?
Không
thắng được vợ, tôi buồn tình ngồi nghĩ ngợi bâng quơ. Đập vào mắt tôi
là cái bóng đèn hư từ trước khi vợ tôi bị bệnh, đến nay tôi chưa kịp
thay. Tôi lật đật chạy ra tiệm tạp hóa mua cái bóng đèn về lắp vô liền.
Là vì tôi nhớ đến chuyện hồi mới cưới nhau, nhà có cái bóng đèn bị hư,
vợ nói năm lần bảy lượt mà tôi vẫn quên thay. Thế là cô nàng bắc ghế
trèo lên làm. Rủi cho tôi, đúng lúc đó, bà mẹ vợ qua thăm con gái. Bà
kêu tôi ra: “Đây là chuyện của đàn ông. Má gả nó cho con là muốn nó có
nơi nương dựa, cậy nhờ. Nếu con không làm được thì má bắt con gái má về
gả cho thằng khác”.
Không che chở được cho người phụ nữ mình yêu thương thì đàn ông không phải là phái mạnh.
Tôi
biết nhạc mẫu chỉ nói lẫy, nhưng từ đó những chuyện đại loại như trèo
lên nóc nhà hốt rác trong máng xối, sửa ống nước, thay bóng đèn... chỉ
cần cô ấy nhắc một tiếng là tôi đã làm tất tần tật. Đã vậy, ba vợ tôi
còn truyền cho kinh nghiệm: “Bả nói là trời nói. Từ hồi não tới giờ ba
đâu có dám cãi”. Ba vợ tôi lại là một minh chứng hùng hồn cho cái lý
thuyết “đàn ông là phái yếu” của vợ tôi.
Dần dà, tôi
cũng quen với cái lý thuyết ấy và có ý định buông xuôi, chuyển sang tìm
cách “sống chung với... ý kiến trái chiều”. Tuy nhiên, có một lần, khi
sang nhà bà chị vợ chơi, thấy chị vừa đi chợ về, trên xích lô có một bao
gạo to đùng. Chị định kêu thằng con ra vác vào thì vợ tôi mau miệng:
“Chị để đó anh Nam vác cho”. Vừa nghe vậy, tôi đã ghé vai, vác bao gạo
đi phăm phăm vô nhà rồi... thở dốc nhưng vẫn nghênh mặt cố vớt vát:
“Đấy, em xem, em với chị có vác nổi bao gạo này như anh không? Vậy thì
ai mạnh, ai yếu?”.
Tôi đinh ninh lần này vợ tôi sẽ
đầu hàng vô điều kiện; sẽ chẳng còn cãi chày, cãi cối nữa. Đúng là nàng
không cãi chày, cãi cối mà nàng chỉ... thủng thỉnh cười: “Người mạnh là
người có thể điều khiển người khác làm theo ý muốn của mình đó anh”.
Tôi
bứt tóc kêu trời và quyết định... nhường luôn cái “danh hiệu” phái mạnh
cho chị em phụ nữ, trong đó có vợ mình. Bởi tôi đã thấm thía một điều
là, làm cho cuộc hôn nhân của mình luôn đầy ắp tiếng cười luôn quan
trọng hơn việc xét nét xem ai mạnh, ai yếu...
Đúng là bị shock thật sau khi đọc bài viết này.
Trả lờiXóaHoàng đế NAPOLEON trên ngựa chinh chiến làm bá chủ hầu hết lục địa Châu Âu và một phần Châu Á đã phải xót xa :
" RA ĐỜI TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG, VỀ NHÀ KHÔNG THẮNG NỔI NGƯỜI ĐÀN BÀ ".
Vì sao không thắng nổi người đàn bà ? Vì sao người luôn được coi là phái yếu lại có sức mạnh một cách bí ẩn và kỳ lạ, có thể lật đổ " Ngai vàng quyền lực " đàn ông, thay đổi cả thế giới.