Dạy con gọi tên nỗi buồn, cơn giận​

Chúng ta thường hay than phiền về hiện tượng người trẻ hiện nay dễ suy sụp, gục ngã khi gặp những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống riêng.

Nguyên nhân có thể từ nhiều phía, trong đó đứng về phía gia đình có nguyên nhân của việc cha mẹ đã không hướng dẫn cho con cách biểu lộ cảm xúc và vượt qua cảm xúc tiêu cực một cách đúng đắn nên khi con gặp khó khăn, con không biết cách xử lý cảm xúc của mình để có kết quả tích cực.


Với lối giáo dục kiểu châu Á truyền thống, chúng ta luôn mong muốn con mình học giỏi, chăm ngoan. Ngoan có nghĩa là cha mẹ nói gì, thầy cô nói gì con nghe nấy, không tranh luận, không phản biện.

Ngoan có nghĩa là nếu bị mắng oan, phạt oan con cũng không được quyền lên tiếng hoặc bày tỏ cảm xúc phản kháng. Nếu phản kháng thì bị quy chụp là hỗn láo, xấc xược.

Dần dần, chúng ta có những đứa con ngoan luôn vâng lời nhưng có thể âm ỉ nuôi trong mình một cảm xúc tiêu cực không chia sẻ được với ai, lâu ngày không được giải tỏa sẽ dồn nén và khi có dịp sẽ bùng nổ ra thành hành vi bột phát, có thể gây hại cho bản thân.

Khi đến tuổi trưởng thành, nếu vẫn tiếp tục như thế, những bế tắc trong cuộc sống dễ đẩy người trẻ đến chỗ xử sự cực đoan: nhanh chóng từ bỏ hôn nhân khi không giải quyết được mâu thuẫn vợ chồng, bỏ việc khi không giải quyết được mâu thuẫn với sếp, với đồng nghiệp… và cái vòng luẩn quẩn đi từ bế tắc vì không chia sẻ, không bộc lộ cảm xúc được dẫn đến hành động tiêu cực lặp lại.

Để giúp con luôn có cuộc sống tinh thần lành mạnh, cha mẹ cần nên khuyến khích con bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Khi cảm xúc tiêu cực được giải tỏa, những tâm tình được lắng nghe, có thể mặc dù chưa có giải pháp cho vấn đề gặp phải, người ta vẫn thấy tâm trạng mình nhẹ nhàng hơn, và những cách giải quyết vấn đề có thể đến dễ dàng hơn, giúp người ta thành công hơn trong cuộc sống.

Tại một số trường tiểu học ở nước ngoài, từ những năm đầu tiên đã có những giờ học cho trẻ học cách bày tỏ ý kiến và biểu lộ cảm xúc: cho trẻ liệt kê tên những cảm xúc tích cực và tiêu cực, gợi ý cho trẻ nói về tâm trạng hiện tại, tại sao có cảm xúc như vậy, trẻ nghĩ nên làm gì để có thể thoát ra được cảm xúc tiêu cực hoặc làm sao để kéo dài cảm xúc tích cực…

Những câu hỏi gợi ý và thái độ tin cậy, lắng nghe của giáo viên giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi bày tỏ cảm xúc của mình. Những giờ học như thế này thường sẽ được duy trì đối với những học sinh mà nhà trường nhận thấy các em có khó khăn về biểu lộ cảm xúc và giải quyết cảm xúc tiêu cực cho đến khi nhà trường ghi nhận những tiến bộ rõ rệt của các em.

Ở Việt Nam chưa phổ biến những giờ học bổ ích như vậy trong nhà trường, tuy nhiên các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể làm được điều này với con mình.

Thông qua những giao tiếp hằng ngày với con, bố mẹ có thể nắm bắt được những lúc con mình khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc để giúp con bằng cách đặt ra những câu hỏi nhẹ nhàng như “Con đang thấy bực bội vì việc này đúng không?”, “Con thấy oan ức khi bị mẹ mắng phải không?”, “Bạn thân của con chuyển trường làm con thấy mình bị bơ vơ phải không con?”, “Việc các vụ bạo hành ức hiếp trong trường học xảy ra liên tục làm con thấy hoảng sợ và hoang mang phải không?”.

Khi gọi được đúng tên của cảm xúc mình đang có, ít nhất con đã hiểu được vấn đề của mình và sẽ dễ hơn cho con khi vượt qua cảm xúc đó.

Sự chia sẻ cảm xúc của con và giúp con giải quyết cảm xúc từ phía bố mẹ cũng quan trọng không kém so với việc lắng nghe và giúp con “gọi tên nỗi buồn”.

Cha mẹ có thể tỏ ra đồng cảm với con bằng cách chia sẻ một việc tương tự mà cha mẹ đã trải qua ở lứa tuổi tương tự con bây giờ, cảm xúc của cha mẹ lúc đó, rồi mọi việc sau đó ra sao.

Cha mẹ có thể gợi ý cho con xem con có thể làm gì để xử lý tâm trạng tồi tệ con đang có, ví dụ như cho con tĩnh tâm ngồi viết ra cảm xúc của mình như viết nhật ký, hoặc viết thư cho đối tượng con đang gây ra cảm xúc của con.

Thực tế, có rất nhiều người lớn trong chúng ta đã áp dụng cách này để giải tỏa tâm trạng, những dòng viết tay, những lá thư viết rồi không gửi, lại có tác dụng xoa dịu tâm trạng tiêu cực của chúng ta tương tự như đối thoại trực tiếp với người khác.

Cũng có thể cho phép con có những hành động khác thường để giải tỏa cảm xúc vào thời điểm đó, trong một số trường hợp, được khóc to, được đấm đá vào vật mềm như gối ôm, được hét to lại giúp con chấm dứt được cảm xúc tiêu cực nhanh nhất.

Sau khi con thoát khỏi cảm xúc tiêu cực, bố mẹ vẫn cần ở bên con để cùng con phân tích lại về những gì đã trải qua, một vài lần bên con như vậy, con sẽ tự học được cách làm thế nào để tự mình gọi tên cảm xúc, đối diện với nó và giải tỏa nó.

Con trẻ trưởng thành khi rời xa khỏi vòng tay cha mẹ, nhưng để con vững vàng trong cuộc sống, cha mẹ luôn phải sát cánh bên con, hình thành cho con một nhân cách trung thực, chính trực, biết chịu trách nhiệm về việc mình làm, có lòng vị tha, biết chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc dạy cho con những kỹ năng mềm như biết lắng nghe ý kiến trái chiều của người khác một cách tôn trọng và cầu thị, thuyết phục người khác mà không áp đặt, nhận diện cảm xúc của mình và biểu lộ ra ngoài, xử lý cơn giận… là rất cần thiết để con có thể luôn tự tin vào giá trị của bản thân, có tinh thần lạc quan và nghị lực vươn lên, đạt được những mục tiêu của cuộc đời.

Đinh Thanh Phương (Tuổi Trẻ)     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét