Ngày còn nhỏ, em tôi bị chó cắn để lại một vết sẹo
rất lớn trên mặt. Vùng da từ khóe miệng đến gò má bị biến dạng. Vì vậy, em rất
tự ti, chẳng dám đi đâu ngoài trường học và vài nhà bà con trong xóm.
<!-- more -->
Mỗi khi tôi rủ đi chơi em lại né tránh. Vậy mà thấy tôi dắt xe ra tới cổng là
em ôm mặt khóc. Ở trường, em ít giao tiếp với bạn bè. Em học rất giỏi nhưng
hiếm khi phát biểu bài. Em nói với tôi do các bạn cứ nhìn nên em xấu hổ.
Càng lớn em càng xinh. Cái sự xinh đẹp đó làm em buồn nhiều hơn thì phải, mỗi
lần soi gương em lại thở dài. Em nhìn mình rồi nhìn người ta mà so sánh, rằng
nếu có gương mặt đẹp thì sẽ dễ dàng được chọn tham dự các hoạt động văn nghệ
trong trường, dễ nhận được sự quý mến hơn. Em cảm thấy giá trị của bản thân
chẳng bằng chị bằng em. Dần dần em sống khép kín hơn, tự cho rằng đó là cách
sống tốt nhất.
Tôi lên Internet tìm hàng loạt bài viết về những người cũng có “vết sẹo” nhưng
vẫn cố gắng sống có ích. Chị Thủy Tiên nổi tiếng với giọng hát gắn liền cùng
những ca khúc Trịnh Công Sơn, chị mang tiếng hát của mình đến với trẻ mồ côi
khuyết tật để chia sẻ nỗi đau của các em. Giọng hát truyền cảm của chị làm
người nghe không còn để ý đến khuôn mặt không trọn vẹn của chị.
Anh Nguyễn Công Hùng là hiệp sĩ công nghệ thông tin, luôn trau dồi kiến thức
rồi truyền đạt lại cho bạn bè cùng cảnh ngộ. Dù cuộc sống gắn liền với chiếc xe
lăn, anh vẫn lạc quan và làm việc hết mình.
Và nhiều vận động viên khuyết tật tham dự Paragames mang về cho Tổ quốc những
chiếc huy chương danh giá. “Vết sẹo” của họ có thể là mất một phần tay, chân,
khiếm thị, khiếm thính… nhưng họ đã cống hiến rất nhiều cho cộng đồng và được
không ít người cảm phục.
Nhiều con người lành lặn còn phải nhìn vào cuộc sống của họ mà học hỏi. Tôi đưa
em đọc những câu chuyện ấy. Lẽ dĩ nhiên nó không làm em thay đổi ngay, nhưng
hơn một tháng sau đó tôi đã thật sự giật mình. Em đăng ký tham gia diễn văn
nghệ trong đêm lễ kỷ niệm ngày thành lập trường.
Giọng hát em không thật sự hay nhưng đã thuyết phục giáo viên chủ nhiệm. Đêm đó
em thể hiện hết khả năng và giành giải khuyến khích. Sau đó, em tham gia hội
thi thuyết trình văn học - cuộc thi trước đây em thường từ chối do phải đứng trước
đông người. Em đoạt giải nhất và tiếp tục bồi dưỡng thêm để đi thi cấp tỉnh.
Dạo gần đây tôi thấy em soi gương nhiều hơn. Một lần em nhìn tôi, cười : “Chị
ơi! Vết sẹo này không đẹp nhưng “độc” chị nhỉ!”.
Em gái thương yêu! Trên đời này chẳng có ai hoàn
hảo cả, ai cũng có một “vết sẹo”, một khuyết điểm để phân biệt người này với
người kia. Và tất nhiên “vết sẹo” không nâng cao hay giảm bớt giá trị một con
người.
Giá trị thật sự của mỗi người được đo bằng những việc làm hữu ích mà người đó
cống hiến cho xã hội. Vậy nên hãy sống sao cho có ích, em gái nhé!
Đoàn Thị Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét