Trường đời

Nhân một lần nói về thói quen của “sắp trẻ”, anh bạn tôi hào hứng kể về đứa cháu gọi anh bằng cậu ruột. Người cháu ấy, khi mới đậu đại học đã vào thành phố ở với anh bạn tôi, đó là một thanh niên dễ mến, lễ phép. 



Tuy nhiên, cha mẹ của cậu đã dạy con rất… lệch, chỉ chú trọng dạy đạo đức, lễ giáo, động viên học hành đàng hoàng, nhưng không dạy con các kỹ năng sống cần thiết.

Bạn tôi cười kể lại: “Cũng may nó ở với vợ chồng tôi chỉ có một năm, chứ ở lâu hơn thì tôi cũng khổ mà nó phải chịu thiệt. Thằng nhỏ vô cùng kỹ tính, thức ăn chỉ ăn một lần, hâm lại thì nó không đụng đũa; chỉ ăn thịt, mà phải là thịt nạc, không ăn mỡ, không ăn da; không ăn thịt vịt, chỉ ăn thịt gà mà chỉ ăn đùi và ức; rất ít ăn cá, mà có ăn thì ăn sống lưng đoạn giữa, không ăn đầu, đuôi, bụng; các loại mắm, lòng… cũng không bao giờ đụng đến. Mà đã không thích gì cũng chẳng nói, nên không biết đâu mà chiều cu cậu cả!”. Đến hết năm nhất, nói là phải ở trọ cho gần trường, tiện đi lại, tiện học nhóm, cháu chuyển ra ngoài. Một năm sau, về quê gặp lại, cháu không chỉ ăn ớt, ăn hành mà lòng, huyết, chân gà, mắm… gì cũng xơi tất! Hỏi ra mới biết, ở chung với một đám bạn đủ Nam Trung Bắc, mọi người đều ăn chẳng lẽ ngồi nhìn chịu đói nên ăn thử, lần hồi thấy ngon. Đến chừng ra trường đi làm, ăn cả hàu sống với mù tạt, cơm cuộn cá ngừ đại dương, trứng lộn… Anh bạn tôi kết luận: “Xem ra trường đời dạy nó tốt hơn trường nhà!”.

Hình như trẻ con, thậm chí cả thanh niên do được gia đình bảo bọc quá kỹ, thường “sốc” khi từ “trường nhà” ra trường đời, dù đó mới chỉ là nếp sống tập thể trong trường học hay trong chỗ làm. Nhớ cô giáo của con gái tôi có lần nhắc tôi chú ý đem gối, thú bông, chăn… đầy đủ khi con tôi bắt đầu đi mẫu giáo, vì kinh nghiệm của cô cho thấy, có không ít trẻ vào trường không chịu ngủ mà nghịch các bạn, chỉ vì không có gối ôm, không được nằm cạnh thú bông như ở nhà. Hay có những trẻ không chịu ăn cơm chỉ vì trong canh có mấy cọng hành, do ở nhà bao giờ cũng “được” mẹ gạt hành ra khỏi phần ăn. Dù đó chỉ là thói quen khá đơn giản nhưng nếu không được “chuẩn bị” trước, một số trẻ, thậm chí cả người lớn dễ khó thích nghi.

Điểm lại, tôi thấy rằng các bậc cha mẹ dạy con nên chú trọng cả “trường nhà” và “trường đời”, không quá đề cao bên nào hoặc hạ thấp bên nào. “Trường nhà” cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản, có tính nền tảng nhưng thường khó đầy đủ và ít có sự biến hóa cũng như thiếu khả năng ứng phó. Bởi “trường nhà” thường dạy chiều thuận (cha mẹ nào cũng cố gắng hạn chế khó khăn, rủi ro cho con nên trẻ ít được “va chạm” với những thử thách thực sự) mà cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, với rất nhiều cung bậc nên có thể “rèn” cho trẻ khả năng chấp nhận để thích nghi hoặc vượt qua.

Do đó, cha mẹ nên ít chiều con, mà cố gắng tạo điều kiện cho con được trải nghiệm, chấp nhận các va vấp trong điều kiện có thể. Cha mẹ một mặt phải nghĩ đến những tình huống khó khăn cho con để dạy con cách xử lý, đồng thời không nên ngại để con tự mình xoay xở khi gặp khó khăn. Bởi có như vậy, trẻ mới tự rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết. Cha mẹ cũng không nên ngại cho con ra đời sớm, trong điều kiện cho phép. Bởi “trường đời” luôn là “ông thầy” lớn và nghiêm khắc, không biết chiều chuộng hay thiên vị ai. Người nào rèn luyện tốt, thích nghi tốt sẽ càng vững vàng, càng có bản lĩnh để vượt qua các thử thách.

NGUYỄN MINH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét