Bỏ ống thời gian

Bạn than bạn đang quá ít thời gian? Vậy thì đây là những giải pháp đơn giản để... đơn giản hoá cuộc sống lúc nào cũng quá bận rộn và thiếu thốn thời gian của bạn, để bạn có thể “bỏ ống” dành thêm thời gian cho những điều quan trọng - như là chính bạn chẳng hạn. 


1. Đặt lịch 
Dù bạn cần thời gian để viết một truyện ngắn hay đơn giản chỉ để ngâm mình trong sữa bạc hà thư giãn thì bạn cũng nên đặt lịch cho nó đã. Rất đơn giản, kiểu như "Tối nay mình sẽ bận tắm gội từ 8h-8h30 và chỉ tắm gội mà thôi". Bạn có thể ghi vào day-runner hoặc một phần mềm quản lý trong máy tính. Khi đã ghi rõ ràng như vậy, nếu có người khác hẹn bạn vào giờ đó, bạn có thể khẳng khái nói rằng bạn đã bận, đã có hẹn (với chính bạn, tất nhiên), thay vì lần chần rồi lại đồng ý và nghĩ rằng dành thời gian cho mình sau cũng chẳng sao. 

2. "Kiềm chế" thời gian lướt web 
Hầu hết cả những người chăm chỉ và chú tâm nhất cũng lãng phí trung bình 1-2 tiếng/ngày vào internet. Nào là đọc blog của bạn, thậm chí của ex. Nào là check mail. Nào là xem trên các trang web rao vặt có bán chác cái gì hay ho không... Tất cả những khoảng thời gian đó cộng lại cũng tương đối đấy. Vì vậy, thay vì cứ thỉnh thoảng lại vào trang này trang khác tò mò xem thông tin về Brad và Angelina, bạn hãy viết ra một danh sách những thứ bạn muốn xem hoặc muốn tìm hiểu, rồi vào mạng xem tất cả những thứ đó cùng lúc vào cuối ngày. Lúc đó, bạn có thể nhận ra rằng bạn có thể sống ngon lành mà không nhất thiết phải xem ngay bức ảnh mới nhất của cô con gái Tom Cruise mới được! 

3. Giới hạn những chọn lựa của bạn 
Dù là bạn mua một cái máy MP3, hay điện thoại di động, hay một chiếc áo khoác, bạn thường dành hàng giờ "nghiên cứu" trên mạng, xem hết trang bán đồ này đến trang rao vặt khác, thậm chí là nhiều buổi chiều cuối tuần để tìm món đồ "tốt nhất". Nhưng Barry Schwartz, tác giả cuốn sách bán rất chạy Nghịch lý của sự chọn lựa: Tại sao Nhiều hơn lại là ít hơn thì khẳng định: "Việc bạn dành quá nhiều thời gian chọn lựa qua lại là lãng phí, mất công. Bởi chẳng có cách nào để biết được rằng liệu bạn đã bao giờ tìm được cái "tốt nhất" chưa". Các nhà thống kê chỉ ra rằng, hãy xem xét khoảng 4-5 tuỳ chọn và lựa chọn trong số đó là bạn đã chọn được món hàng tốt rồi. Tất nhiên bạn có thể tìm được một sản phẩm hoặc giá cả tốt hơn nếu bạn xem xét khoảng 50 tuỳ chọn, nhưng hãy nghĩ đến thời gian và năng lượng bạn phải bỏ ra thì rõ ràng, phần "chi phí" của bạn sẽ là quá lớn. 

4. Check e-mail ít thôi 
Check e-mail 1-2 lần/ngày là vừa đủ. E-mail làm lãng phí thời gian của bạn vì nó ngắt mạch làm việc/ học tập của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang làm việc hoặc học bài mà bạn bật Y!M, cứ thỉnh thoảng thấy thông báo e-mail tới là bạn lại check, thậm chí reply, thì khi quay lại với công việc/bài tập và nối lại mạch suy nghĩ lúc nãy, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Hãy tập trung cho việc check mail trong khoảng 20", bạn sẽ thấy mình làm những việc khác hiệu quả hơn nhiều. 

5. Những niềm vui "kép" 
Thay vì gọi cô bạn thân đi uống một ly trà sữa, hãy kết hợp những hoạt động khác nhau như rủ cô ấy đi mua áo lạnh, hoặc đi tập phòng gym, rồi uống trà sữa luôn. Nếu bạn đi sửa móng tay chẳng hạn, bạn cũng có thể rủ thêm cô bạn thân, và trong khoảng thời gian đó tha hồ mà "buôn chuyện", tối về khỏi phải mất thời gian nung nóng điện thoại nữa. Ngoài ra, bạn cũng có thể rủ một nhóm bạn cùng đi mua sách, cùng đi tập thể thao... Như vậy bạn sẽ có cơ hội "giao lưu" và "update tình hình" của nhiều người bạn cùng lúc. 

6. Mua những món quà bất chợt 
Khi bạn bất ngờ thấy một món quà mà bạn nghĩ rằng một người thân hoặc một người bạn sẽ thích, bạn hãy mua nó, đừng nghĩ rằng "Bây giờ có phải dịp gì đâu mà tặng quà". Bởi vì bằng việc mua "món quà bất chợt" ấy (không tốn thêm bao nhiêu thời gian), bạn sẽ tiết kiệm được thời gian băn khoăn + lang thang đủ các thể loại cửa hàng quà tặng trước dịp cần tặng quà (sinh nhật, Giáng Sinh, lễ tết...). Mà bạn còn có thể mua với giá rẻ hơn ấy chứ, vì trước những dịp lễ tết thì bao giờ giá cả chẳng tăng?! 

7. Biết nói "không" đúng lúc 
Bạn đừng cảm thấy rằng bạn nhất định phải ăn trưa hoặc đi uống càphê với bất kỳ người nào mời bạn. Bởi nếu muốn làm hài lòng tất cả mọi người, tức là bạn sẽ phải nói "Đồng ý " với mọi người, để rồi lúc nào cũng nói "Không" với chính bản thân mình. Hãy biết chọn lựa trường hợp nào có thể từ chối. Và trong nhiều trường hợp, một câu từ chối lịch sự sẽ không làm cho mối quan hệ xuống dốc như bạn tưởng tượng đâu!

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét