Vượt dốc bằng tình thương

Sinh con ai cũng mong con mình lành lặn, nhưng không hiếm gia đình phải nuốt nước mắt khi con cái bị khuyết tật bẩm sinh hoặc sau một tai nạn bất ngờ...



Bài toán nuôi con khuyết tật làm sao cho tốt đặt cho gia đình mà cụ thể là những ông bố bà mẹ lời giải: tình thương sẽ giúp cả nhà hạnh phúc với hiện tại!
Cô Nguyễn Thị Thân (Trường khiếm thính Hi Vọng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, phải) đã cho con mình, em Ngô Thanh Vân, những niềm tin, lạc quan vào đời. 
Ông Võ Tịnh và bà Hà Thị Điều ở xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam, ngày nào cũng vất vả chăm sóc hai người con bị bại liệt và tâm thần. 30 năm qua ông bà đã quen với tiếng kêu la, ú ớ của Võ Văn Anh và Võ Văn Em trong khi khách lạ mới tới ai cũng sợ. Có bữa không làm chủ được hành vi, Anh và Em nắm tóc, đánh túi bụi vào mặt ba mẹ nhưng ông bà vẫn cười, cứ dỗ dành. Cứ thế, 30 năm qua là hành trình ông bà chỉ có thể nói được một câu đơn giản: “Con mình mình thương, mà thương thì làm sao bỏ dù nó có thế nào đi nữa”...

Một bà mẹ khác có con bị khiếm thính là cô Nguyễn Thị Thân (Trường khiếm thính Hi Vọng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã “vượt dốc” bằng cả tình thương của người mẹ: từ việc bế con đi bác sĩ đến đưa con trị liệu ở các trung tâm dành cho trẻ khiếm thính... Điều kỳ diệu đã đến khi con cô là Ngô Thanh Vân hồi phục một phần chức năng nghe nói.

Người mẹ, người thầy ấy bộc bạch: “Sau những năm tháng nuôi con và làm cô giáo dạy trẻ khiếm thính tôi rút ra hai điều phụ huynh cần có, đó chính là tình thương và sự đồng cảm. Khi phát hiện con bị khiếm thính, tôi luôn trò chuyện và nói cho con biết sự cần thiết của học tập và lao động, giá trị của mỗi người đối với cộng đồng. Chứng minh cho con thấy rằng sự có mặt của con (dù không trọn vẹn) cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của mẹ...”.

Là người mẹ có con bị khuyết tật vận động, chị K.T. ở Q.3 (TP.HCM) chia sẻ: “Ban đầu tôi rất buồn nhưng sau đó tôi nghĩ về con, nghĩ về những kém may mắn con mình đang gánh chịu. Tinh thần nó sẽ yếu đuối, lo sợ nếu chính mẹ nó còn buồn, không chấp nhận sự thật”. Đồng quan điểm này, bà Hà Thị Điều cho biết: “Từ khi chấp nhận nỗi khổ có con tật nguyền tôi đã thấy thanh thản, lo cho con tốt hơn”. Căn phòng ông bà dành riêng cho con cùng một cái giường được đóng kín xung quanh để Anh và Em không bị rớt xuống đất chính là minh chứng cho tình thương ấy.

Được mọi người khen là ông bố tuyệt vời vì anh Phan Văn Lân (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã cùng con “vượt lên chính mình”. Anh tâm sự: “Đưa con đi tham gia các hoạt động cộng đồng phù hợp với sức khỏe của con là việc tôi thường làm. Con tôi bị mù nhưng có khả năng hát, tôi cho con học đàn, học hát và để con tham gia các chương trình văn nghệ dành cho trẻ khuyết tật”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, vốn là thầy giáo tiểu học ở Phú Yên, cho biết: “Tôi có đứa con bị khuyết tật vận động nên trong nhà cái gì cũng thiết kế cho con được tiện dụng nhất. Từ nhà vệ sinh đến lối đi đều được tôi nhờ người thiết kế phù hợp cho con. Nhưng quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con khuyết tật chính là truyền cho con tinh thần vững chãi, không tự ti với chính mình...”.


LONG ALÔ  (Tuổi Trẻ Online) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét