Người mắc bệnh loãng xương có thể gặp phải tình
trạng gãy xương cổ tay; gãy, lún cột sống; gãy cổ xương đùi; tệ hơn là
bị tàn phế và tử vong. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh
được căn bệnh này.
Bổ sung can-xi trong mỗi bữa ăn để đề phòng loãng xương.
Tuy là bệnh có chiều hướng tăng dần và ngày càng phổ biến trên
toàn thế giới nhưng theo BS. Hiền Thu, chúng ta vẫn có thể ngừa bệnh
loãng xương hiệu quả nếu tuân theo 5 “nguyên tắc vàng” dưới đây:
1. Chăm sóc xương từ khi còn trẻ
Quá trình phát triển của hệ xương diễn ra ngay từ những tháng trong
bào thai và kéo dài đến năm chúng ta 25-30 tuổi. Trong thời gian này,
khối lượng xương liên tục gia tăng, do vậy, cần quan tâm chăm sóc xương
càng sớm càng tốt để xây dựng một hệ xương vững chắc ngay từ đầu. Ở
những độ tuổi sau đó, khối lượng xương sẽ giảm trung bình 0,5-2% mỗi
năm, xương có xu hướng thoái hóa dần nên cần tiếp tục duy trì sự ổn định
của xương bằng cách cung cấp nhiều can-xi cho cơ thể.
2. Bổ sung can-xi bằng thực phẩm
Cung cấp can-xi bằng thực phẩm sẽ an toàn và giúp cơ thể hấp thu tốt
hơn là dùng thuốc. Nên chọn những loại thực phẩm giàu can-xi như sữa
không/ít béo, yaourt có hàm lượng chất béo thấp, hải sản, trứng… Nếu
cần, bạn vẫn có thể bổ sung can-xi bằng thuốc nhưng phải theo hướng dẫn
của bác sĩ. Ngoài ra, đừng quên cung cấp đầy đủ vitamin D bởi nó sẽ giúp
cơ thể hấp thu đến 50-80% can-xi được nạp vào. Mỗi ngày, bạn chỉ cần
phơi nắng sáng 15-30 phút sẽ giúp da tổng hợp đầy đủ vitamin D mà cơ thể
cần.
3.Cảnh giác khi chiều cao giảm
Từ độ tuổi 50, hầu hết mọi người đều có khuynh hướng bị thuyên giảm
chiều cao. Theo BS. Hiền Thu, một cuộc khảo sát tại Bệnh viện Từ Dũ
trước đây cho thấy, khi đo mật độ xương của 1.530 phụ nữ từ 24-94 tuổi,
có đến 91,3% những người trên 55 tuổi có thể trạng ốm và chiều cao
thuyên giảm đi có mắc bệnh loãng xương. Và hậu quả thường gặp ở những
người này là mắc các bệnh về cột sống, đau nứt xương chậu, xương cổ tay…
Do vậy, nếu gặp phải tình trạng này thì nên kịp thời tư vấn bác sĩ để
có hướng khắc phục.
4. Cẩn trọng nếu nằm trong nhóm nguy cơ
Độ tuổi có nguy cơ loãng xương cao nhất là phụ nữ mãn kinh. Tuy
nhiên, những người ở độ tuổi nhỏ hơn vẫn có thể gặp phải chứng bệnh nguy
hiểm này. Đặc biệt, những trường hợp dưới đây càng không nên thiếu cảnh
giác: người có người thân bị loãng xương, người có thể trạng ốm yếu,
dinh dưỡng kém, người mắc các bệnh suy thận, gan, tiểu đường, cường
giáp, viêm khớp dạng thấp, người thường xuyên sử dụng các thuốc như:
corticosteroids, thuốc kháng a-xít có phosphate, hormone giáp liều
cao...
Vận động là “người bạn chí cốt” của xương.
5. Đừng quên vai trò của vận động
Vận động giúp hạn chế tốc độ mất xương và làm xương cứng, chắc hơn.
Bên cạnh đó, nó còn làm tăng tính mềm dẻo, linh hoạt của cơ thể. Vì vậy,
bạn nên tham gia bất kỳ môn thể thao nào phù hợp với sở thích và điều
kiện của bạn, ngay từ nhỏ. Với người có tuổi, đi bộ được xem là hình
thức vận động dễ thực hiện và an toàn nhất. Chỉ cần đi bộ từ 30-60 phút
mỗi ngày, giữ mức cân nặng hợp lý cũng là một biện pháp ngừa loãng xương
hiệu quả. Bởi khi cơ thể quá gầy ốm thì phần khối lượng xương dự trữ sẽ
thấp, còn quá mập thì sẽ làm khung xương chịu sức nặng quá tải.
Nhu cầu canxi theo tuổi Dưới 6 tháng: 300mg/ngày Từ 6-10 tháng: 500mg/ngày 10-15 tuổi: 700mg/ngày Trên 15 tuổi và người lớn: 1000mg/ngày Phụ nữ có thai và cho con bú: 1300mg/ngày KIM THƯ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét