Nếu như có ai đó nói những lời khiến bạn bị tổn thương, phê bình hay hạ
nhục bạn thì bạn sẽ phản ứng thế nào? Bạn sẽ nổi trận lôi đình, hỏa khí
bừng bừng mắng lại người ta, bạn sẽ kìm nén cơn giận xuống hay sẽ ung
dung bỏ qua?
Câu chuyện về Đức Phật dưới đây sẽ cho chúng ta một bài học sâu sắc để giữ vững tâm tính và làm chủ bản thân mình.
Một hôm, Đức Phật đang trên đường đi hóa duyên thì ngang qua một ngôi
làng, đột nhiên có một toán người kéo đến tìm Ngài và nói những lời hết
sức vô lễ thậm chí rất xấu xa bẩn thỉu. Đức Phật chỉ im lặng lắng nghe,
sau khi họ nói xong mới ôn tồn bảo: “Cảm ơn các vị đã tới tìm tôi, nhưng
tôi đang có việc phải đi ngay, người dân làng bên còn đang đợi tôi, tôi
phải đến đó đã. Ngày mai khi xong việc tôi sẽ có đủ thời gian, lúc đó
nếu như các vị còn điều gì muốn nói với tôi thì chúng ta sẽ gặp lại nhau
được không?”.
Toán người sau khi nghe xong thì không tin nổi vào tai mình, họ đồng
loạt kinh ngạc: Chuyện gì xảy ra với người này vậy? Một người trong số
đó liền hỏi Đức Phật: “Chẳng lẽ ông không nghe thấy chúng tôi nói gì
sao? Chúng tôi nói ông không ra gì cả, vậy mà ông không phản ứng gì
hết.”
Đức Phật nói: “Nếu các vị muốn tôi phản ứng lại thì quá muộn rồi, các vị
phải quay về mười năm trước thì mới thấy được tôi phản ứng. Nhưng mười
năm nay tôi đã không còn bị người khác điều khiển, tôi không còn là một
nô lệ nữa, tôi là chủ của bản thân mình. Tôi chỉ dựa vào việc mình cần
làm chứ không chạy theo phản ứng của người khác.”
Đúng vậy! Chỉ cần là đang làm việc mà bản thân cần làm, nếu như có
người tức giận hay sỉ nhục bạn thì đó chẳng qua là vấn đề của anh ta.
Bởi vì anh ta muốn nói thế nào, muốn làm ra sao thì đó là đạo đức tu
dưỡng của anh ta, bạn có thể làm được gì sao?
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn nhất định sẽ gặp phải những chuyện trái ý
hoặc nhận được những lời lẽ khó nghe. Phản ứng của bạn trước những mâu
thuẫn chính là tấm gương phản chiếu nội tâm bên trong bạn.
Có những người tâm như ngọn cỏ đầu tường, hễ gió thổi về tây thì ngả về
tây, gió thổi về đông thì lập tức ngả về đông, cứ luôn bị ngoại cảnh chi
phối mà không sao làm chủ được mình. Họ khi phải đối mặt với mâu thuẫn
hoặc khi bị sỉ nhục thì không thể giữ được bình tĩnh và lập tức tranh
đấu với đối phương, hành động của đối phương quyết định phản ứng của họ,
họ đã vô tình trở thành nô lệ của người khác.
Nhưng để có thể bất động trước ngoại cảnh và làm chủ bản thân là cả một
quá trình tu dưỡng lâu dài, không tự nhiên mà làm được. Nếu như bạn có ý
thức rèn giũa bản thân, học cách khoan dung nhẫn nại, luôn suy nghĩ
tích cực và thiện tâm với người khác, thì nhất định có một ngày bạn sẽ
làm được. Khi ấy, tâm của bạn không còn là ngọn cỏ – gió vừa thổi tới đã
vội vàng lay động, mà tâm của bạn sẽ vững chãi như ngọn núi kia – dù là
ngọn gió nào cũng không thể lay chuyển được!
Theo Việt Đại Kỷ Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét