Tôi học đại học là cuốn tự truyện của nhà văn - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người thầy được rất nhiều người kính trọng bởi nghị lực phi thường. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ năm 4 tuổi nhưng với tinh thần ham học, chú bé Nguyễn Ngọc Ký đã tập viết bằng chân.
Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa ngữ văn năm 1970. Sau đó trở thành Nhà giáo ưu tú năm 1992 và cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân. Từ nhiều năm nay, hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành tấm gương hiếu học cho nhiều thế hệ. Cuộc sống và nghị lực của thầy đã được đưa vào sách giáo khoa ....
Trong cuốn Tôi Học Đại Học bạn đọc sẽ hiểu được những khó khăn mà thầy Nguyễn Ngọc Ký gặp trong những năm tháng trên giảng đường đại học, khi phải rời xa quê hương, tới học ở những lớp học sơ tán về những tỉnh miền núi.
Tôi học đại học được thầy Nguyễn Ngọc Ký ấp ủ và viết trong suốt 43 năm, được hoàn thành trong khoảng thời gian sức khỏe của thầy không được tốt, thầy phải chạy thận 3 lần 1 tuần. Biết được hoàn cảnh ra đời cuốn sách để hiểu hơn về nghị lực phi thường của một thầy giáo. Các tác phẩm của thầy luôn thấm đẫm tư tưởng nhân văn và giáo dục sâu sắc. Song cách thể hiện lại rất giản dị, hồn nhiên, dí dỏm, tinh tế, giàu hình ảnh, nhạc điệu và cảm xúc, Tôi học đại học cũng là một tác phẩm như thế.
Đọc Tôi học đại học để thấy những khó khăn mà bạn gặp phải trong cuộc sống hàng ngày trở nên nhỏ bé.
"Mỗi lần đến nhà chơi, bao giờ tôi cũng được Nguyễn Ngọc Ký dành cho thú vui được đọc những trang bản thảo mới tinh anh vừa viết trong tư truyện Tôi học Đại học. Mỗi chuyện là mỗi kỷ niệm đẹp về tình đất, tình người; mỗi bài học quý về đạo lý, nhân tình, về ý chí vượt qua nghịch cảnh.
Lối viết nhẹ nhàng, truyền cảm, không lên gân, không giáo huấn. Càng đọc tôi càng bị lôi cuốn thực sự.
Tôi chờ mong cuốn sách phát hành trong nay mai để sớm mua về cho bà xã và các con các cháu cùng được đọc. Sau đó sẽ trang trọng đặt ở giá sách bên cạnh cuốn Thép đã tôi thế đấy, Cuộc sống không giới hạn, và Không gục ngã. Với tôi, cả bốn tác giả đều là thần tượng" - Nhà giáo Trần Căng.
"Đọc cuốn tự truyện Tôi học Đại học của thầy, tôi lại bắt gặp những câu chuyện về những người thầy - những nhân cách lớn. Những câu chuyện đó đã góp phần không nhỏ, giúp tôi những bài học quý trong sự nghiệp “trồng người”.
Bằng những lời tự sự nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu lắng, Tôi học Đại học không chỉ là chuyện tự sự cá nhân mà đã hóa thân thành chuyện ĐỜI trên từng trang viết. Và qua những trang ĐỜI đó, tình thầy trò thiêng liêng, sâu nặng, thấm đẫm chất nhân văn hiện hữu với tất cả niềm tự hào về một thời kỳ có một không hai trong lịch sử phát triển giáo dục Đại học ở nước ta. Một thời kỳ đã xa nhưng dấu ấn đã khắc sâu vào lịch sử bởi trong muôn vàn gian khổ, thiếu thốn của chiến tranh nhưng cả thầy và trò vẫn khắc phục vươn lên “Dạy tốt, học tốt”. Hình ảnh của những người thầy như: thầy Diệp Tư, thầy Bùi Ngọc Trác, của GS. Ngụy Như Kôn Tum, Hoàng Như Mai, Hoàng Xuân Nhị…thật giản dị mà vô cùng lớn lao, ý nghĩa, là những bài học quý để những người thầy hôm nay tiếp bước noi theo..." - NGƯT, Thiếu tướng, PGS, TS. Đỗ Ngọc Cẩn.
"Mỗi trang viết là mỗi trang đời ấn tượng khó quên của tác giả. Đọc mà thấy thương, thấy quý, thấy phục, thấy cuốn hút kỳ lạ. Cảm ơn Nguyễn ngọc Ký đã cho ta thêm nhớ, thêm yêu cuộc sống những năm tháng gian lao mà nên nghĩa, nên tình, nên thơ nơi giảng đường một thời còn mãi. Càng ý nghĩa hơn khi càng đọc cuốn sách càng gieo vào lòng ta niềm vui say và tin yêu sâu sắc những giá trị truyền thống vô giá nơi dân ta, nước ta chẳng ở đâu xa mà hiện hữu từng ngày ngay quanh ta" - Nhà báo Bích Vân.
"Là bạn học cùng lớp Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán trong thời chiến tranh, tôi biết và cảm phục Nguyễn Ngọc Ký rất nhiều. Anh là chàng trai thông minh tràn đầy nghị lực đã vượt qua mọi khó khăn đời thường, không ngừng vươn tới đỉnh cao trí tuệ mà mình khao khát. Tôi đã từng viết bài “Huyền Thoại Nguyễn Ngọc Ký” chân thành bày tỏ cảm phục của mình trước khả năng phi thường của anh. Nhưng khi được đọc tác phẩm Tôi học Đại học của anh, tôi càng cảm động và vô cùng bất ngờ trước con người huyền thoại của mình. Hóa ra những gì tôi biết về Nguyễn Ngọc Ký còn quá ít. Ở anh luôn luôn chan chứa một trái tim nhạy cảm, huyền bí, chân thành ngân rung trước cuộc sống; một tâm hồn phong phú đến mênh mông với ý chí nghị lực quá phi thường.
Với Tôi học đại học, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký còn đem đến cho chúng ta một thông điệp về niềm tin: tình yêu thương sâu sắc, bao la giữa con người với con người không bao giờ vơi, bất luận trong hoàn cảnh khó khăn nào.
Cảm phục Nhà văn - Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký biết bao!
Nguyễn Ngọc Ký đã cháy hết mình và tỏa sáng rạng rỡ trong cuộc đời. Ngọn lửa nghị lực Tôi học Đại học của anh đã và sẽ thực sự trở thành bài học cho nhiều người, sẽ truyền hơi ấm, tiếp sức cho mọi trái tim, nhất là những trái tim cô đơn, bất hạnh và còn chần chừ trong những bước đi không chỉ đầu đời.
Chúc anh hạnh phúc và tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp cao quý của mình!" - Nhà báo, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai.
" ...Đôi bàn chân kỳ diệu của Nguyễn Ngọc Ký đã làm mọi việc thay đôi tay khuyết tật của mình. Đó là sự nỗ lực ở khía cạnh thể xác. Điều đáng nói hơn là Nguyễn Ngọc Ký có một trái tim nhân hậu, một tình yêu nồng nàn, một tâm hồn trong sáng... Một ý chí vươn lên, không bi phẫn, luôn lạc quan, vượt qua hoàn cảnh, vượt lên số phận. Một trí tuệ minh mẫn để có những suy nghĩ, hành động vì con người, yêu con người. Ngọc Ký đã thể hiện sự mẫn tiệp ấy qua tự truyện "Tôi học đại hoc" với lối kể chân tình, giản dị. Tôi có thể coi là người đồng hương, đồng tuế với Ngọc Ký. Khi đọc tự truyện của Ký và nhớ lại những điều đã nghe, đã biết về người bạn văn quê nhà, càng thấy xúc động. Tập tự truyện là những lời tri ân với cuộc đời. Ký yêu người - người yêu Ký. Văn là người vậy" - Trần Đắc Hiển Khánh.
Mục lục:
1. Lời giới thiệu
2. Phần 1: Tràng Dương - Dòng suối yêu thương - Ngày đầu tiên xa nhà và cú nhảy tàu nguy khốn
3. Tình quê giữa lòng Hà Nội
4. Ấm áp giữa bơ vơ
5. Tấm lòng thầy hiệu phó
6. Về với tràng Dương
7. Vây giữa yêu thương
8. Thư gửi bố mẹ
9. Thư gửi bạn
10. Bài thuyết trình trong nước mắt
11. Bữa cơm ân tình của thầy chủ nhiệm
12. Nơi ở mới, bạn mới
13. Cảm ơn hai "ông Bụt"
14. Cháu cũng là sinh viên
15. Lọ hoa "lạ"
16. Tìm cách tự lo cho mình
17. Chiếc cầu ông Kiểm
18. Chuyện chiếc chăn bông
19. "Cây đèn thần" tự chế
20. Chiều khó quên với giáo sư Kontum
21. Đôi tất lạ
22. Tết đầu tiên xa nhà
23. Sinh viên = đói + ghẻ
24. Tôi và Ta
25. Chiếc cửa sổ mới
26. Phải cháy hết mình khi cầm bút
27. "Cậu đừng nản!"
28. Bệnh xá, một chiều đông
29. Tập làm chiến sĩ
30. Những ngày hè ở Lò Đúc
31. Dòng sông trăng huyền ảo
32. Phần 2: La khê quê lụa quê tình - Ngỡ ngàng La Khê
33. "Em có thể quạt cho tôi mãi không?"
34. Cái ụ nước máy và đêm kỷ niệm
35. Nước mắt giáo sư
36. Những ngày viết luận văn - Chuyện chọn đề tài
37. Vui buồn sưu tầm tư liệu
38. Đóng cửa viết luận văn ở quê
39. Trở lại La Khê
40. Đêm trăng sông Nhuệ
41. Những dòng lưu bút
42. "Nhớ cảm ơn bác lái xe nhé!"
43. Vài nét về NGƯT - Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký
Xin mời các bạn download Audiobook (mp3) :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét