Cho là nhận

Trong muôn màu lấp lánh, có lẽ, hạnh phúc đến từ việc sẻ chia mang giá trị cao nhất. Dưới đây là chuyện về những người may mắn đang hạnh phúc : mang niềm vui đến cho người khác để hạnh phúc của bản thân được nhân đôi.

<!-- more -->

Người hùng thầm lặng

Đôi vợ chồng lớn tuổi chở nhau cùng mớ đồ lỉnh kỉnh trên đường đi chợ về. Dù thế, ông vẫn tấp xe vào lề, để bà chạy vào xé những nội dung quảng cáo trái phép trên cột điện - đó là hình ảnh của vợ chồng ông Đỗ Hữu Sơn (SN 1954), bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1957) mà người dân khu phố 3, (P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) thường gặp.

Nguyên là Viện trưởng Viện Kiểm soát khu vực 2 - Quân chủng Không quân phía Nam, thiếu tá Đỗ Hữu Sơn về hưu nhưng vẫn giữ tinh thần “vì dân phục vụ”, như cách ông nói: “Tôi hâm mộ nhân vật Paven Coocsaghin trong Thép đã tôi thế đấy, nhất là lý tưởng sống có ích từng phút từng giây, nên cứ còn sức là còn phục vụ thôi”. Có thời gian, ông mở lớp xóa mù chữ tại nhà. Mỗi ngày, khoảng mươi học trò ở độ tuổi khác nhau đến nhờ thầy Sơn, cô Ngọc dạy chữ. Không chỉ dạy miễn phí, ông bà còn giúp cho các học trò nghèo tập, sách, bút… Khoảng chục năm nay, ông bà không nhớ hết đã có bao nhiêu chị buôn bán hàng rong, đứa bé bán vé số, anh công nhân… được xóa mù chữ ngay trong ngôi nhà số 214, tổ 14, khu phố 3 này. Hai chị em Tuyền, Hùng, được ông bà dạy cho biết đọc, biết viết và làm phép tính, để có thể học bổ túc từ cấp II. “Tuyền, Hùng đang làm công nhân ở công ty may Kim Tuyến tại Q.12 này đấy” - bà Ngọc kể lại với ánh mắt long lanh vui mừng như thể cả hai là con ruột của mình. Đó chỉ là một trong hàng trăm trường hợp thất học được ông bà nâng đỡ, dạy dỗ nên người.
                        Vợ chồng ông Sơn, bà Ngọc cùng dạy học trò nghèo

Hạnh phúc đặc biệt nhất của một đôi vợ chồng là cùng nhau làm điều gì đó mà cả hai cảm thấy say mê.

Ông Đỗ Hữu Sơn - Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc
Thường ngày, bà Ngọc đứng lớp để dạy chữ, ông Sơn kèm cặp thêm môn Toán. Khi bà bận việc, ông đứng lớp thế. Với cách ấy, ông bà quyết tâm không để xảy ra tình trạng thầy cô bận mà bắt học trò nghỉ học. Không chỉ dạy chữ, ông bà còn đặt mình vào vị thế anh, chị hay bố, mẹ để rèn đạo đức, lối sống cho học trò.

Mỗi tối, lớp học tình thương tan, ông bà lại chở nhau đi "tuần tra" khu phố. Khu phố 3 là khu dân cư mới, người nhập cư nhiều nên tình hình an ninh khá phức tạp. Nhiều con nghiện cũng dạt về đây làm “bãi đáp”. Chẳng cần phải chờ phát động phong trào, vợ chồng ông cứ đi dạo mỗi đêm trên chiếc xe gắn máy cũ, thấy hiện tượng khả nghi là gọi điện thoại để công an đến giải quyết. Chỉ đơn giản vậy thôi mà khu phố 3 yên bình hẳn, được bình chọn là khu phố an ninh nhất phường.

Còn việc bảo vệ cảnh quan đô thị, ông lý giải: “Thực ra, với sức của vợ chồng tôi, có gỡ quảng cáo trái phép, quét rác, dọn đường chăm chỉ đến mấy cũng chẳng thấm vào đâu vì địa bàn quá rộng. Nhưng tôi tin qua hành động miệt mài của chúng tôi, nhiều người sẽ ý thức hơn, khu phố sẽ văn minh dần lên. Cứ âm thầm mà làm những việc có ích cho mọi người, bản thân mình cảm thấy như có hạnh phúc từ bên trong lan tỏa ra”.

Hạnh phúc đặc biệt nhất của một đôi vợ chồng là cùng nhau làm điều gì đó mà cả hai cảm thấy say mê.

Ngôi nhà tuềnh toàng của ông bà được tận dụng phía ngoài để làm lớp học. Bao nhiêu năm, nhà cửa không được sửa sang. Chiếc xe Cub cũ vẫn đồng hành cùng ông bà trong những chuyến đi tuần mỗi đêm. Sống đơn sơ là vậy, nhưng mỗi năm, ông bà dành đến 35 triệu đồng để làm công tác xã hội. Ở địa phương, có lẽ hiếm có vợ chồng nào “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như ông bà Sơn. Ông hiện là Phó chủ tịch Hội Luật gia Q.12, tổ trưởng khu phố 3. Bà là Bí thư chi bộ khu phố, UVBCH Hội LHPN phường. Ông bà đang sống đúng nghĩa từng ngày, từng giờ như ông nói.

Giúp người khác vơi nỗi đau
Nhiệt tình, gần gũi, khiêm tốn, nụ cười luôn thường trực là điều mà bất cứ ai khi tiếp chuyện với bác sĩ (BS) Nguyễn Trọng Hào (Bệnh viện Da Liễu TP.HCM) cũng dễ dàng bắt gặp. Tận hiến trong nghề, với anh, hạnh phúc đơn giản là làm vơi nỗi đau cho người khác.

BS Hào kể câu chuyện cách đây đã 5 năm mà đến giờ vẫn còn mang đến nhiều cảm xúc và trở thành nguồn động viên, khích lệ anh trong công tác. Một phụ nữ trẻ đứng trước mặt anh với nét mặt khổ sở bởi sau hai năm rong ruổi khắp các bệnh viện, vẫn không tìm ra được căn bệnh đang tàn phá sức khỏe lẫn cuộc sống của mình. “Thoạt nhìn, những vết đỏ trên người cô ấy chỉ là biểu hiện của bệnh lý da dị ứng; nó không phải triệu chứng điển hình của bệnh phong, song quan sát kỹ, tôi biết chị đang mắc phải căn bệnh này” - BS Hào chậm rãi kể. Chẩn đoán của anh khiến không chỉ người phụ nữ ấy mà cả người thân của chị đều lo lắng, bởi vẫn còn nhiều người định kiến với bệnh phong. Từng bước chữa trị, BS Hào kiêm luôn nhà tư vấn để xốc dậy tinh thần cả bệnh nhân lẫn người nhà của chị. Nhờ kịp thời phát hiện, chạy chữa, chị đã hoàn toàn dứt bệnh và quan trọng hơn, giữ được hạnh phúc của mình.
                      Bác sĩ Hào tận tình khám bệnh cho bệnh nhân nghèo

Hạnh phúc đơn giản là làm vơi nỗi đau cho người khác.

BS Nguyễn Trọng Hào
Sinh năm 1978, BS Nguyễn Trọng Hào hiện là Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da Liễu TP.HCM. Anh đến với nghề từ nỗi trăn trở về những bệnh nhân mắc phải bệnh phong. Anh kể: “Trong ký ức tuổi thơ, tôi nghe mọi người cho rằng phong là căn bệnh dồn người ta đi đến cái chết không những vì các cơn đau vật vã mà còn vì sự khiếp sợ, xa lánh của người đời”. Khi trở thành BS, không chỉ là người có nhiều sáng kiến trong việc phòng chống bệnh phong, BS Hào còn là tuyên truyền viên, thay đổi cái nhìn của mọi người đối với bệnh nhân phong. Thi thoảng, bạn đọc vẫn thấy BS Hào ký tên dưới nhiều bài báo mang đến kiến thức bổ ích, giúp phòng ngừa các bệnh lý da thường gặp, cũng như biết cách tự chăm sóc, tuân thủ điều trị đúng khi mắc bệnh. Không ít độc giả đã bày tỏ lòng biết ơn tác giả đã giúp họ hiểu hơn về sức khỏe, bệnh tình. Tuy nhiên, anh cho rằng một trong những cảm giác hạnh phúc khi bản thân mình thấy có ích nhất, là được trải nghiệm qua những chuyến công tác chỉ đạo tuyến, về với bà con vùng sâu, vùng xa - nơi thiếu điều kiện tiếp cận y tế. Những chuyến đi ấy đã giúp anh trưởng thành và thấm thía hơn nỗi đau của người bệnh.

Cũng chính trăn trở trước thực tế nhiều bệnh nhân tỉnh xa, có hoàn cảnh khốn khó phải vạ vật, chờ đợi đến lượt khám khi về thành phố đã nảy sinh trong BS Hào sáng kiến về một phòng khám thanh niên ngoài giờ. Tham mưu với lãnh đạo bệnh viện và nhận được sự ủng hộ, anh triển khai ý tưởng và phòng khám ra đời. Dẫu chỉ hoạt động trong hai tiếng đồng hồ buổi trưa với thành phần là chính các BS, đoàn viên thanh niên của bệnh viện, song phòng khám mang lại hiệu quả cao. Ngoài giảm tải sức ép cho bệnh viện, phòng khám còn giúp giảm thiểu tình trạng “cò mồi” trước cổng bệnh viện, bệnh nhân được kịp thời chữa trị. Sáng kiến này đã mang đến cho BS Hào giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần thứ 2/2011 - phần thưởng của Thành Đoàn TP.HCM dành cho các thầy thuốc có những sáng kiến, nghiên cứu khoa học vì lợi ích, sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Triều Hiền Tuyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét