Ra riêng?

Khi ý thức cá nhân ngày càng được đề cao, không ít cô gái hiện đại ngại kết hôn vì… ngán cảnh làm dâu. Việc ra riêng hay sống chung cùng bố mẹ là vấn đề nan giải đối với những cặp vợ chồng mới cưới. Về vấn đề này, chị Lương Thị Mỹ Lang (nhân viên IT) và anh Nguyễn Quốc Đạt (trình dược viên) - đôi vợ chồng trẻ ở P.11, Q.3 đã có một cuộc trò chuyện thú vị.
<!-- more -->

* Chung hay riêng? 

Vợ (chị Mỹ Lang): Sống chung hay riêng không quan trọng, miễn là vợ chồng thống nhất với nhau. Cái được của cuộc sống riêng tư là sự tự do; còn khi chung sống với gia đình chồng, các cặp vợ chồng trẻ lại có cơ hội sinh hoạt gia đình, giúp họ nuôi giữ tổ ấm của mình tốt hơn giữa thời cuộc sống xô bồ cuốn mỗi người theo mỗi hướng, hôn nhân rất dễ nguội lạnh. Hơn nữa, khi sống chung, con cái mình được ở cùng với ông bà, đó là cách hay nhất để dạy con biết kính trên nhường dưới - một trong những nền tảng cơ bản để thành người.

Chồng (anh Quốc Đạt): Chẳng ai lạ gì chuyện mẹ chồng nàng dâu, bản thân tôi cũng… ngán, nên sống riêng là lựa chọn sáng suốt nhất để giữ hòa khí gia đình. Nhưng, chưa hẳn muốn là được. Tôi là con trai duy nhất, trước sau gì cũng phải quay về nhà, thay bố mẹ thờ cúng tổ tiên; nên tính gì thì tính, ra riêng chỉ là giải pháp tạm thời để vợ chồng hưởng thụ quãng thời gian còn mới mẻ. Theo tôi, các cặp đôi không nên quá nặng nề với việc này mà phải nhìn vào hoàn cảnh của mình để cân nhắc và thuyết phục nhau. Vợ chồng phải đồng lòng trong việc lựa chọn cuộc sống. Các anh chồng đừng cậy mình đã cưới rồi mà tự định đoạt, dù hoàn cảnh bắt buộc phải ở cùng bố mẹ thì cũng nên tìm cách thuyết phục để vợ cảm thấy mình được tôn trọng. Chung hay riêng cũng là cuộc sống mà cô ấy góp phần lựa chọn, tránh cảm giác bị thúc ép. 

* “Chung” làm sao cho yên? 

Vợ: Nếu sau khi cưới, hai vợ chồng về sống ở nhà vợ thì chẳng nàng dâu nào e ngại cả. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào sự khác nhau giữa nhà chồng và nhà mình là sẽ thấy vấn đề.

Muốn hòa thuận thì phải hòa nhập. Cái gì chia sẻ được thì nên chia sẻ để tạo cảm giác gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Tôi thường thấy trên phim, những cô vợ bị chồng ức hiếp bằng cách này hay cách khác, thường tỉ tê với mẹ chồng để… “song kiếm hợp bích”, cùng tác động giúp chồng sửa sai. Theo tôi, đó là một cách vừa hiệu quả, vừa hâm nóng quan hệ mẹ chồng nàng dâu, gắn kết gia đình lớn với gia đình nhỏ.

Chồng: Tốt nhất là mọi chuyện nên dừng lại bên trong cửa phòng vợ chồng, ra khỏi cửa thì phải bỏ hết chuyện vợ chồng sang một bên, trở về làm thành viên của gia đình lớn. Không ai hiểu vợ hoặc chồng bằng hai vợ chồng hiểu nhau, sự can thiệp của bố mẹ vào đời sống riêng tư của vợ chồng là không cần thiết và rất dễ phản tác dụng. Cả về kinh tế cũng vậy, vợ chồng nên cùng nhau tính toán, không nên phiền tới bố mẹ”.
Tóm lại: giữa bố mẹ và con dâu, chỉ cần yêu thương, chăm sóc nhau là đủ; cả vợ chồng trẻ và bố mẹ già đều cần những khoảng riêng. 

* “Chất lượng” nàng dâu

Vợ: Nếu bạn suy nghĩ “chỉ cần chồng yêu mình là đủ, gia đình chồng không quan trọng” là bạn đang ảo tưởng. Đàn ông rất khác phụ nữ, tình yêu thường không đủ sức mạnh khiến họ có thể bất chấp gia đình. Nếu để gia đình chồng phật ý về bạn thì nguy cơ đánh mất tình yêu ở chồng là rất cao. Bởi thế, cưới một người đàn ông tức là bạn phải chung sống hòa bình với cả nhà anh ta. Nhất định phải “hòa bình”, dù đó là “chung sống” theo nghĩa đen hay nghĩa bóng.

Tôi nói nhỏ bạn nghe nhé: dù ông xã hứa hẹn sẽ tìm cách ra riêng, nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng cho việc sống chung, phụng dưỡng bố mẹ chồng suốt đời, vì… biết đâu đấy, ông nào mà chẳng muốn vợ gần gũi, chăm sóc bố mẹ mình.

Chồng: Trừ khi cô vợ quá quắt, còn không thì chút trục trặc giữa vợ với gia đình chồng không thể khiến người đàn ông thay đổi tình cảm với vợ. Là người hiểu rõ tính cách của vợ và cả những người trong gia đình mình, người chồng sẽ dễ dàng phân định đúng sai để có hướng giải quyết mâu thuẫn hợp lý. Nếu cô vợ quá đáng đến mức khiến chồng thất vọng, mất hết tình cảm thì… đâu còn gì để bàn!

Cuộc chung sống nào cũng phải không ngừng dung hòa các tính cách, còn dung hòa được thì còn sống được, không thì nên tìm lối thoát vì có sống chung cũng chẳng được gì. 

Dù rất tự tin khi về chung sống với bố mẹ chồng, nhưng chị Mỹ Lang cũng thừa nhận, chị vẫn hay làm chồng phật ý vì cách ứng xử, nói năng với bố mẹ khi bản thân chị thì xởi lởi, anh Quốc Đạt lại kín đáo, chuẩn mực. Nhưng, những khúc mắc luôn được giải quyết êm xuôi vì anh chịu khó lắng nghe, bố mẹ thì bao dung với cô con dâu trẻ. Sau những lần anh giận vì chị đem chuyện riêng ra chia sẻ với mẹ chồng, những cuộc nhỏ to tâm sự của mẹ chồng nàng dâu lui về trong “bóng tối”, việc khuyên giải của mẹ chồng cũng tế nhị, bóng gió hơn. Đó là cách chị xóa nhòa khoảng cách mẹ chồng - nàng dâu, “lợi dụng” uy quyền của mẹ để vun vén cho hạnh phúc vợ chồng chị. 

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét