Chuyển việc: lúc nào là phù hợp?

Cuối năm 2008 tôi nhận bằng Ths.Hóa học và đi làm tại một Phòng Thí nghiệm (PTN) của tổng Cục môi trường, Hà Nội. Khi tôi mới vào làm thì PTN cũng bắt đầu nhập máy móc, thiết bị và sửa sang các phòng làm việc thành các PTN.


Trong suốt hơn một năm tại đây, công việc lúc nào cũng ngập đầu, chúng tôi phải bắt tay làm mọi thứ, biến những cái chưa có thành có. Mới chỉ sau một năm hoạt động chúng tôi đã nhận được ISO/IEC 17025. Những cố gắng và tinh thần làm việc hăng say của tôi cũng được đánh giá cao và sau 9 tháng làm việc, tôi được nhận chức trưởng nhóm.

Tuy nhiên lúc này tôi lại cảm thấy hết tình yêu đối với những công việc của PTN và điều này thôi thúc tôi muốn chuyển sang một công việc khác, năng động hơn, được giao tiếp với nhiều người hơn và có thu nhập cao hơn.

Trong thời gian làm việc tại PTN, tôi đã trải qua gần 5 tháng học chuyển đổi về ngành Quản trị kinh doanh và sau đó thi đỗ chương trình MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại trường ĐH ngoại thương Hà Nội. Hiện tại tôi đã hoàn thành 2/4 kỳ của chương trình này. Trong thời gian này, tôi đang thực sự muốn tìm cho mình một công việc liên quan đến lĩnh vực kinh doanh-lĩnh vực mà tôi yêu thích và muốn gắn bó sự nghiệp của mình với công việc đó.

Hàng ngày tôi vẫn tìm việc trên internet và cũng đã gửi hồ sơ xin việc đi một vài nơi, nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả gì. Tôi biết rằng điểm mạnh của tôi là có bằng cấp khá cao nhưng điểm yếu của tôi là tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh (tôi mới chỉ có gần một năm làm việc bán hàng bán thời gian cho một hãng mỹ phẩm của Thụy Điển).

Với trường hợp của tôi, tôi nên làm thế nào để tìm được một công việc thích hợp với sở thích và năng lực của bản thân mình trong thời điểm này và tôi nên tìm được một công việc mới rồi mới nộp đơn xin nghỉ việc hay là nên xin nghỉ luôn để dồn hết tâm sức vào tìm cho mình một công việc mới?

Hieu Tran
********************************

- Trả lời tư vấn của Mai Đan Thanh - Chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks :

Chào bạn,

Trên tinh thần khách quan, bạn đã xác định được những lợi thế cũng như điểm yếu của bản thân trước ngưỡng cửa tìm công việc mơ ước. Dựa trên những đặc điểm này, bạn có thể tìm việc trên tất cả các kênh tiềm năng như : báo chí, website, và qua các mối quan hệ...để tìm công việc tương đối phù hợp nhất với kiến thức, kinh nghiệm cũng như kỹ năng hiện tại của bạn.

Ở giai đoạn đầu chuyển hướng nghề nghiệp, chức danh công việc và mức lương ở lĩnh vực mới có thể chưa đúng với mong đợi của bạn. Tuy nhiên, khi đã làm một công việc tương đối phù hợp nhất, đây là lúc để bạn tích lũy kinh nghiệm thực tế và kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực yêu thích - kinh doanh, và biến điểm yếu này thành điểm mạnh mới của bản thân.

Một công cụ đắc lực sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình tìm công việc mơ ước là hồ sơ tìm việc. Với trường hợp của bạn, để bước đầu thuyết phục nhà tuyển dụng, bạn nên tập trung trình bày những kiến thức, kinh nghiệm (kể cả các công việc bán thời gian), kỹ năng và tính cách bản thân phù hợp nhất với vị trí ứng tuyển và lĩnh vực kinh doanh.

Ngoài ra, hãy tận dụng lợi ích của thư xin việc. Đây là cơ hội để bạn nhấn mạnh lợi thế của bản thân, đồng thời thể hiện niềm đam mê và quyết tâm muốn gắn bó lâu dài với lĩnh vực kinh doanh.

Về việc nên xin nghỉ công việc hiện tại vào thời điểm nào, trước hay sau khi tìm được công việc mới, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của bạn. Bạn có thể quản lý thời gian hiệu quả để vừa hoàn thành tốt công việc hiện tại, vừa tìm công việc mơ ước, hay bạn có thể làm tốt chỉ khi tập trung vào một việc? Hãy cân nhắc để thu xếp vẹn toàn đôi bên bạn nhé.

Chúc bạn thành công với sự lựa chọn của mình!

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét