Cách đây 30 năm về trước, tôi đã bỏ dở con đường học vấn của
mình, và bây giờ tôi muốn đi tiếp. Đó là niềm mong muốn được ấp ủ trong tôi
suốt bấy lâu nay. Nhưng khi ngày ghi danh gần kề, tôi lại thấy lo lắng và thậm chí
còn sợ hãi nữa.
- Mẹ đã quyết định rồi, mẹ không đi học lại đâu! – Tôi nói với các con – Thật ra thì mẹ cũng không thích đi học cho lắm, mẹ sẽ quên chuyện này nhanh thôi mà.
Con gái út của tôi đang là sinh
viên năm nhất đại học. Có vẻ như hiểu được tâm trạng của mẹ, nó cố sức động
viên tôi:
- Mẹ ơi, cả cuộc đời mẹ chỉ có một mong muốn duy nhất đó, vậy thì hãy mau cho mình một cơ hội mẹ ạ. Con sẽ đi ghi danh cùng mẹ. Con sẽ xếp hàng đợi cùng với mẹ nữa.
Nhờ sự động viên của con bé mà tôi đã có thêm quyết tâm, dù biết con đường phía trước rất nhiều vất vả, gian nan, nhất là đối với một “sinh viên già” như tôi. “Hãy bắt đầu ngay từ khi khởi sự và hãy đi chừng nào tới đích mới thôi”, đó là câu châm ngôn tôi hằng tâm niệm, và tôi cũng tự hứa với mình sẽ thực hiện đúng như thế.
Tôi lao vào học chuyên chú đến nỗi quên cả nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ. Thư viện trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Trong suốt quãng thời gian đằng đẵng đó, nếu không có sự cảm thông và chia sẻ của chồng và các con, thì có lẽ tôi đã phải bỏ cuộc.
Ngày lễ tốt nghiệp cuối cùng cũng đã đến, tôi phấn khởi vô cùng. Niềm vui của tôi như được nhân lên gấp nhiều lần bởi không những ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực mà còn vì hôm ấy cũng chính là ngày tốt nghiệp của con gái tôi. Gia đình chúng tôi đã tổ chức một bữa tiệc lớn với đầy đủ bạn bè và người thân tham dự. Hôm ấy là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi. Và tôi biết con gái mình cũng rất tự hào về mẹ nó.
Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm giảng viên tại một trường cao đẳng. Và tôi quyết định phải lấy cho được bằng Thạc sĩ Giáo dục học. Học cao học quả là vất vả và mệt mỏi vô cùng. Tôi quyết định cắt tóc ngắn để khỏi mất nhiều thời gian chăm sóc tóc. Tôi học cách làm nước sốt spaghetti trong vòng hai tiếng thay vì sáu tiếng như trước đây. Tôi học cách sống mà không cần phải dán mắt hằng đêm vào chương trình “Nào cùng vui” của Ted Danson.
Hai năm kế tiếp trôi qua thật chẳng dễ dàng chút nào. Có lần khi mới về nhà, tôi đã vứt sách vở sang một bên và tuyên bố:
- Mẹ mệt lắm rồi. Có lẽ mẹ đầu hàng thôi!
Nhưng rồi sau khi bình tâm trở lại, tôi lại thấy việc thoái lui sau khi đã bỏ ra quá nhiều công sức như thế thật là đáng tiếc…
Chỉ còn một học kỳ cuối nữa là tôi có thể làm luận án tốt nghiệp cao học thì bất ngờ, trong một cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ chẩn đoán tôi có những dấu hiệu của căn bệnh ung thư. Tôi như bị một cú giáng thẳng vào tim. Ung thư ư? Tôi sắp chết sao? Tôi phải xa các con mình trong lúc này ư? Tại sao lại chính là căn bệnh vô phương cứu chữa đó tìm đến tôi mà không phải là một căn bệnh thông thường nào khác? Liệu tôi còn có thể sống cho đến ngày bảo vệ luận án? Bao nhiêu câu hỏi cứ quay cuồng trong tâm trí tôi. Thần kinh căng thẳng, tâm trạng lo lắng, sợ hãi đã khiến tôi khủng hoảng về mặt tinh thần.
Một tuần sau, tôi đến gặp giáo sư Piter, người đã giúp tôi rất nhiều trong học tập. Đứng trước ông, tôi cũng không giữ nổi bình tĩnh. Tôi ôm lấy vai ông khóc nức nở trong tuyệt vọng.
- Đừng quá lo lắng! – Giáo sư động viên tôi – Từ từ, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết.
- Nhưng em phải đi Los Angeles trong vòng 12 tuần để xạ trị. Em phải làm sao đây? Em không muốn bỏ cuộc khi đã sắp đến đích.
Suy nghĩ một lúc, giáo sư đề nghị với tôi:
- Em cứ việc đi Los Angeles, vừa điều trị bệnh vừa làm luận văn rồi gửi về cho tôi bằng đường bưu điện. Chúng ta sẽ liên lạc với nhau thường xuyên qua điện thoại.
Trước khi tôi ra về, ông đã động viên tôi:
- Đừng bỏ cuộc nhé! Tôi chưa bao giờ thấy một học trò nào có quyết tâm như em. Chính những học trò như em là động lực cho chúng tôi đến trường dạy học đấy.
Tôi hứa với giáo sư sẽ tiếp tục theo đuổi việc học và chiến đấu với bệnh tật đến cùng. Chiếc bàn ăn trong căn hộ của tôi ở Los Angeles trở thành bàn học trong suốt 12 tuần sau đó. Tôi vẫn đi xạ trị đều đặn, về là ngồi vào chiếc bàn ăn ấy để đọc sách, nghiên cứu và viết luận án. Mỗi cuối tuần, tôi ra bưu điện gần đó gửi về cho giáo sư từng chương một.
Đúng một ngày trước lễ Giáng sinh, tôi nhận được tấm bằng Thạc sĩ. Tôi còn nhớ trong ngày tôi tốt nghiệp, chồng tôi cùng các con, cả mẹ, anh chị em và rất nhiều bạn bè của tôi đều có mặt dưới hàng ghế khán giả ở hội trường. Khi thầy hiệu trưởng xướng tên và trao cho tôi tấm bằng tốt nghiệp, tôi nghe thấy tiếng vỗ tay vang dội. Tôi đưa tay vẫy chào họ trong niềm hân hoan xen lẫn xúc động, bởi hơn ai hết, tôi hiểu rằng sự quan tâm, chia sẻ, động viên của người thân dành cho tôi trong thời gian qua là yếu tố vô cùng quan trọng để làm nên thành công của tôi trong ngày hôm nay.
Tôi viết những dòng này khi đã may mắn thoát khỏi căn bệnh hiểnm nghèo. Ba năm qua, trong từng ngày vừa học vừa chiến đấu với bệnh tật, tôi nghiệm ra một điều rằng: sức mạnh của ý chí và lòng quyết tâm có thể chiến thắng mọi thử thách, giúp đẩy lùi được bệnh tật. Giờ đây, tôi vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình của mình trên con đường học vấn. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại được học thêm bao điều mới mẻ từ người thân, bạn bè, từ cả những người học trò của mình. Tôi luôn cầu nguyện cho mỗi sớm mai thức giấc, tôi lại được sát vai bên họ, như họ đã từng ở bên tôi trong những ngày nguy nan nhất, cũng chính là những ngày hạnh phúc nhất trong đời.
Mai Quốc Thế dịch (theo Begin At the Beginning)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét