Đóng một cánh cửa để mở một tương lai

Nhập "hộ khẩu cuộc đời", nghĩa là bạn phải đón nhận rất nhiều cuộc chia tay: Chia tay bầu sữa mẹ, chia tay tuổi học trò, chia tay mối tình đầu, chia tay cuộc tình lớn, chia tay ý trung nhân, chia tay vinh hiển và những đỉnh cao,...
Cuộc chia tay - ra đi - nào cũng không dễ dàng, cũng để lại cho bạn những lỗ hổng, những giọt nước mắt, những hoang mang, tiếc nuối. Nhưng, có khi nào bạn nghĩ, rất nhiều cánh cửa được đóng lại, đồng nghĩa có rất nhiều tương lai được mở ra?


Từ bé tẹo, chúng ta đã phải tập chia tay những điều mình yêu thích. Tôi tin, nếu đứa bé 6 tháng tuổi nói được, chắc nó sẽ đề nghị “Mẹ đừng bắt con cai sữa”! Bởi bầu sữa mẹ là tình yêu thương, là thức ăn, là “công cụ” ru ngủ, thậm chí là… đồ chơi. Tóm lại, bầu sữa mẹ gần như là cả thế giới của bé con, vừa thân thương vừa ấm áp, vậy mà cũng đến lúc phải chia tay để làm quen với cái bình nhựa và cái núm vú bằng cao su hay silicon gì đó chán chết. Rồi thì “cái bình” của mẹ thật tuyệt, nhưng không có… nước cam, nên cái bình nhựa âu cũng tốt! 

Tiếp theo còn biết bao cuộc chia tay mà bạn không thể không đối diện với nỗi buồn. Chia tay mái trường, chia tay người bạn thân cùng lớp, chia tay mối tình học trò - “tình yêu bọ xít" (khóc hết nước mắt, có khi viết cả vài chục cuốn nhật ký, để sau này đọc lại thấy như... chuyện cười). Nhưng sau tất cả những cuộc chia tay đó, ai cũng thấy có bầu trời khác đang mở ra phía trước. Đó là "trường đời", giúp mình trưởng thành hơn, là những mối quan hệ bạn bè mới thú vị và đáng quý, là những mối tình sâu sắc, và có thể là "tình cuối". Những cuộc “hội ngộ rồi chia ly cuộc đời vẫn thế” là lẽ dĩ ngẫu. Ta chấp nhận vượt lên nỗi buồn hôm nay với hy vọng ngày mai được cười tươi như hoa loa kèn tháng tư.

Nhưng cuộc đời còn tặng bạn không ít cuộc chia tay "đính kèm" nỗi đau, che mất tương lai và tàn phá niềm tin của bạn.
Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác thẫn thờ, thảng thốt, vô cảm, cơm không thèm ăn, nước không thèm uống (nếu có thì từ miệng lên mắt), nhai đi nhai lại câu nói cũ mèm “Vì sao lại như thế?", "Tại sao lại có thể như vậy?", rồi tự hỏi “Cuộc đời sẽ đi về đâu?", "Mình sẽ sống tiếp như thế nào?", thậm chí tự trả lời “Cuộc đời này chẳng còn gì tốt đẹp cả”. Có, nhất định sẽ có lúc như vậy, nếu bạn phải đối mặt với sự chia ly quá lớn!
Vấn đề quan trọng là sau những "bão tố" đó, chúng ta chọn cách nào để bước tiếp, khi cánh cửa đã lạnh lùng đóng sầm trước mặt? Ta chọn ngồi lù lù trước cửa khóc lóc ủ ê, đấm cửa ầm ầm, đấm ngực thùm thụp, than mình, than người, than cả trời đất, hay chấp nhận sự thật, rằng cánh cửa đó đã đóng vĩnh viễn, ta cần quay lưng bước đi với hy vọng còn những điều tốt đẹp nhất định đang chờ mình phía trước. Tin tôi đi, bạn chọn điều gì, cuộc đời sẽ trả cho bạn cái đó! Có thể bạn sẽ hét lên "Biết rồi - khổ lắm - nói mãi". Nhưng lại tin tôi đi, biết là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.
Cả tôi và bạn đều thích chọn cách bước đi, nhưng điều rất quan trọng là bước đi lúc nào. Tôi nghĩ, nếu hiện tại không thể thay đổi, hãy chấp nhận và nhanh chóng bước tiếp, thậm chí là chạy, sớm bao nhiêu bạn có thêm thời gian cho tương lai bấy nhiêu!

Kết thúc "bài giảng", tôi xin mượn 2 câu nói tôi rất thích ở phần kết cuốn tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió". Rhett Butler: “Tôi không phải tuýp người tự huyễn hoặc, rằng cái gì đã vỡ có thể ghép lại và coi như mới. Với tôi, cái gì đã vỡ là đã vỡ”. Đó là quan niệm rất tuyệt vời về cái gọi là chấp nhận sự thật như bản chất của nó. Còn Scarlet, nàng đưa ra gợi ý thật hoàn hảo và vô cùng thông minh, lạc quan, như tính cách của nàng, để đối diện sau khi đã chấp nhận sự thật: Gạt nước mắt, không nghĩ đến nỗi đau nữa, vì có nghĩ lúc này cũng không làm được gì, và câu thần chú của nàng như bao lần nàng vượt qua sóng gió, đó là: “Dù thế nào thì ngày mai cũng là một ngày mới”!

................................................................................ 

Nếu hiện tại không thể thay đổi, hãy chấp nhận và nhanh chóng bước tiếp, thậm chí là chạy, sớm bao nhiêu bạn có thêm thời gian cho tương lai bấy nhiêu!

                              Thu Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét