Thận trọng khi đưa thông tin con cái lên mạng

Bí mật thông tin đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, không chỉ trong giới doanh nghiệp mà ngay cả chuyện bố mẹ đăng tải thông tin cá nhân và nhất là của con cái lên mạng.



Đối với Jessica Gwozdz, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, mẹ của hai đứa trẻ, Flickr thật sự là một dịch vụ tuyệt vời. Flickr cho phép cô chia sẻ những bức ảnh mới nhất ghi lại khoảnh khắc của hai đứa con xinh xắn, Grace và Henry, với bạn bè, người thân từ những nơi xa xôi, ngay cả khi họ không thành thạo máy móc công nghệ.

Nhưng cô không để ý Flickr cũng sẽ cho phép cả những người lạ ngắm nghía các bức ảnh của cô mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Méo mặt

Một lần, cô tá hỏa khi nhận được email từ người bạn cho biết những bức ảnh của Grace - con gái bé bỏng của cô, đang bị tung lên mạng Internet với mục đích xấu.

Bức thư gồm một liên kết tới trang Orkut, mạng xã hội phổ biến ở Brazil. Có kẻ nào đó đã tạo một profile giả, sử dụng các bức ảnh Gwozdz đã chụp con gái 4 tuổi, có trên Flickr.

“Chúng đã tạo một cái tên giả là Melodie Cuthbert cho con gái của tôi, đồng thời đăng thông tin muốn hẹn hò với nam giới”, Gwozdz hoảng hốt trả lời cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Các thành viên khác đều đánh giá profile của Melodie Cuthbert ở mức “rất hấp dẫn”.

Điều tra vụ việc, người ta còn phát hiện khá nhiều thứ phiền phức, không đơn giản là một vụ chơi khăm ác ý nào đó.

Theo phát ngôn viên của Flickr, một số cô cậu ở độ tuổi teen đến từ Brazil đã copy  những bức ảnh chụp trẻ em trên trang chia sẻ ảnh số để tạo ra những profile giả mạo nhằm thi thố “sắc đẹp”. Sau đó, các teen này sẽ xếp hạng mức độ “sexy” dựa vào chất lượng những bức ảnh đã cuỗm được trên mạng.

Gwozdz đã phải liên hệ với Flickr và Orkut để yêu cầu xóa các profile thuộc dạng “cặn bã” này. Buộc lòng nữ nhiếp ảnh gia phải dùng tới tính năng bảo vệ thông tin cá nhân do Flickr cung cấp.

Nhưng ngay cả khi có ý định “ở ẩn”, hằng ngày cô vẫn nhận hàng tá email từ các địa chỉ lạ gửi tới tài khoản Flickr, bày tỏ sự khen ngợi các tác phẩm ảnh số của cô và hy vọng được... sử dụng lại chúng.

Đây quả là một cơn ác mộng với các bậc phụ huynh trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, khi Facebook nhanh chóng trở thành địa chỉ để các cặp vợ chồng mới làm cha mẹ chia sẻ cuộc sống gia đình, con cái. Họ cũng thả cửa đăng lên các dịch vụ chia sẻ ảnh số và mạng xã hội như Snapfish, Twitter, YouTube, thậm chí cả Match.com, ảnh con cái khi chúng đang nhảy múa, hát hò hay tắm táp.

Nên hay không nên?

Chủ đề này có hai quan điểm trái ngược. Một phía các bậc phụ huynh đồng tình cần phải bảo vệ trẻ em tránh khỏi bất cứ trục trặc tiềm ẩn nào. Số khác phản pháo : sẽ có ích cho trẻ em hơn khi chúng được trải nghiệm với thế giới web.

Một số quan điểm trung lập cho rằng các bậc cha mẹ có thể đăng tải thông tin cá nhân của con cái mình trên mạng, nhưng chỉ nên đến những địa chỉ tin cậy hỗ trợ chế độ duyệt riêng tư cần có mật khẩu. Không nên đăng thông tin thật, như tên của lũ trẻ. Nên dùng Flickr và nói không với Youtube. Đặc biệt, tuyệt đối không đăng những bức ảnh ghi cảnh trẻ đang tắm táp.

Elizabeth Hunter là một blogger đến từ Arlington, bang Massachusetts. Cô vẫn thường xuyên đăng ảnh con gái mới 2 tuổi của mình trên trang web cá nhân. Với Elizabeth, việc làm này cũng chỉ là một điều gì đó hết sức bình thường của cuộc sống ở thời Internet :

“Hàng trăm đứa trẻ chết mỗi năm ngay ở các hồ bơi, nhưng chúng ta vẫn không ngăn cấm các dịch vụ này. Thay vào đó, chúng ta dạy cho trẻ cách để bơi lội. Tôi không đưa những bức ảnh con gái tôi trần nhồng nhộng, mà chỉ post lên những bức ảnh đứa bé vẫy vùng trong bồn tắm”, cô phân trần.

Trong khi đó Rebecca Woolf đến từ Los Angeles chia sẻ : cô sử dụng tên thật của lũ trẻ nhà mình khi đăng tải trên web cá nhân, cũng như đưa lên chân dung của chúng. Nhưng khi trả lời phỏng vấn, Rebecca cho hay : “Tôi sẽ không bao giờ đưa lên mạng, ảnh của con trai nếu như nó đang trần như nhộng”.

“Chúng tôi dạy lũ trẻ nhà mình phải luôn cẩn thận, không được tiết lộ thông tin cá nhân, ngay cả tên thật với người lạ. Với tôi, một bức ảnh đăng tải trên Internet cũng chứa rất nhiều thông tin cá nhân” -  Jodi Garrett, một nhân viên y tế đến từ San Diego, California, chia sẻ.

Lời khuyên của chuyên gia

Lo lắng của những người làm cha mẹ là vào ngày nào đó kẻ xấu vô tình tìm được những bức ảnh của một đứa trẻ xinh xắn trên Internet. Chúng sẽ tìm cách xác định nơi đứa trẻ sống, trường chúng học để....bắt cóc.

Nhưng Giáo sư David Finkelhor, giám đốc Trung tâm nghiên cứu các tội phạm giới trẻ ở Đại học New Hampshire, cho hay : “Tất nhiên là có một số tội phạm lợi dụng Internet để bắt cóc, gây nguy hại cho trẻ em, nhưng thường thì chúng tỏ ra hứng thú hơn với việc lục lọi trong các phòng chat hay trang web có teen tham gia, hơn là mò mẫm cùng với những bức ảnh trên mạng” - vị giáo sư này cho hay.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo cha mẹ phải cẩn trọng mỗi khi đăng tải thông tin cá nhân, nhất là những bức ảnh, video có phần nhạy cảm lên mạng Internet. Chỉ chọn những nhà cung cấp dịch vụ uy tín, chẳng hạn ảnh số có Flickr, Picasa..., video có Youtube...

Nên nắm rõ các chế độ đăng tải, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân qua mạng. Với bạn bè hoặc người thân, có thể sử dụng chế độ truy cập theo thư mời hoặc có mật khẩu bảo vệ.


Nhật Vương (NewYork Times / Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét