Sau khi kết hôn,
quá trình chung sống, người hôn phối của bạn có thể sẽ có lời nói hoặc hành động
làm tổn thương bạn. Có lẽ đó là một sự tổn thương nhỏ hoặc một sự đả kích lớn.
Và trong thâm tâm bạn, lòng tự trọng của bạn sẽ thét lên “phải trả thù”.
Lúc này, nếu bạn thiếu tự chủ mà công kích ngay lập tức hoặc ít nhất bạn sẽ ghi vào “thẻ tội lỗi” để lưu giữ thì hậu quả sẽ ngày càng xấu đi cho mối quan hệ của bạn.
Mọi người trong chúng ta, ai cũng ao ước có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững đến đầu bạc răng long, đó là mục tiêu mà chúng ta phải thực hiện. Vì vậy, khi bạn bị tổn thương, hãy cố gắng thử với các đề nghị sau đây :
1. Đừng bao giờ bắt đầu giải quyết vấn đề khi không có sự tham gia của người bạn đời
Nếu bạn cần nói chuyện với vợ (chồng) về một điều gì đó, đừng nên dồn họ vào thế bí và tấn công bất ngờ. Đó là công thức của chiến tranh và sự thù địch. Thay vào đó hãy nhất trí cùng nhau để thảo luận vấn đề.
Hãy để cho mỗi người có cơ hội nghĩ về hướng tích cực, tiến bộ hơn, như thế nó sẽ mang lại kết quả tốt cho cuộc tranh luận hơn là mỗi người cứ nghi ngờ và xúc phạm nhau.
2. Hãy kìm giữ những cảm xúc tiêu cực
Khi chúng ta có ý nghĩ đối phó, chống lại người bạn đời, chúng ta thường nói hoặc làm những việc mà sau này chúng ta cảm thấy hối tiếc.
Trong mọi trường hợp, tốt nhất là nên bình tĩnh, trì hoãn cuộc tranh cãi cho đến khi tâm lý của cả hai người ổn định, có thể nhận định đúng đắn vấn đề và có thái độ tích cực hơn. Lúc này, sẽ cho phép bạn tìm kiếm được giải pháp tốt hơn là cách để cả hai đều phải tổn thương.
Cũng như người bạn đời, bạn cần tôn trọng và lưu tâm đến vấn đề mà người kia cần. Nếu có thể quên và tha thứ được thì bạn hãy làm. Có lẽ tha thứ không làm mất đi hoàn toàn cuộc tranh cãi, nhưng nó sẽ mang lại cho bạn thoải mái đầu óc hơn là cứ giữ cho mình cái cảm xúc tiêu cực, buồn chán.
3. Hãy quên việc không tốt đã qua
Nếu một trong hai người có lỗi, làm tổn thương người kia thì hảy nên giải quyết một lần dứt điểm và quên đi, đừng ghi vào “thẻ tội lỗi” để đề cập lại vào những lần cãi nhau sau đó.
Mỗi lần có cuộc cãi nhau, bạn hay trở thành người thèm kể lể, níu kéo chuyện xấu của nhau để làm chạm lòng tự ái của nhau. Bạn luôn cảm thấy mình luôn luôn đúng, còn người kia thì bao giờ cũng sai. Điều này chỉ làm xung đột cao hơn và đào sâu chia rẽ giữa hai người.
Bạn cũng hay áp đảo người kia bằng cách đưa ra một danh sách dài về những điều cần thay đổi theo ý bạn, những việc làm này sẽ là động cơ làm cản trở sự hoà thuận của gia đình bạn.
Hãy thay vào những việc làm đó bằng sự sẵn lòng giải quyết một vấn đề dứt điểm một lần và sau đó quên đi nó sẽ giúp cho mối quan hệ của bạn được cải thiện.
4. Hãy nói rõ về thực trạng, suy nghĩ của bạn
Cả hai cần liên tục chia sẻ những vấn đề quan tâm lo lắng của nhau. Nếu bạn cảm thấy trở ngại khi phơi bày, trao đổi tâm tư của mình thì bạn cũng sẽ không bao giờ sẵn sàng thông cảm và nghe giãi bày của người bạn đời, bạn chỉ chú tâm đến việc phải cãi lại, đối phó lại với người hôn phối như thế nào.
Vì vậy khi trò chuyện cùng nhau, hãy cố gắng giúp người bạn đời hiểu sự tổn thương và thất vọng của bạn, giúp họ thấy được tại sao những hành động và lời nói của họ lại làm va chạm đến bạn.
Cũng như thế, người bạn đời sẽ có cơ hội để giải thích lời nói và thái độ của họ với bạn. Có thể cả hai đã hiểu sai về nhau và khi mọi việc đã sáng tỏ thì cả hai cùng hướng về giải quyết vấn đề.
5. Hãy giữ cho mối quan hệ nhiều sự gắn bó, thương yêu hơn là sự chia rẽ
Thỉnh thoảng bạn giải quyết xong một vấn đề giữa hai người và bạn cảm thấy mình đúng và chiến thắng. Nhưng lúc đó cũng là lúc bạn đã đánh mất đi một thứ trọn vẹn của hạnh phúc.
Bạn hãy nhớ rằng yêu có nghĩa là hãy làm cho người mình yêu được hạnh phúc, hãy lựa chọn khi phát ngôn, hãy suy nghĩ trước khi hành động. Yêu thương trong mối quan hệ không có nghĩa là phải có người thắng, người thua, đừng tạo ra sự chia rẽ.
6. Hãy sẵn sàng tha thứ cho nhau
Nếu bạn dự định sống với người bạn đời đến 20, 30 hay 50 năm sau, bạn phải biết tha thứ cho người ấy ít nhất là một lần trong đời.
Thực sự trong cuộc sống, có một vài tổn thương do người bạn đời gây ra cho bạn mà bạn sẽ không thể quên được. Vì vậy, điều quan trọng là bạn lựa chọn sự tha thứ là tốt cho cả hai người.
Tha thứ đòi hỏi bạn phải từ bỏ cái quyền trừng phạt, ngược đãi người bạn đời khi họ có lỗi, cho dù đó là sự trả đũa trực tiếp hay sự gây ra nỗi đau day dứt cho người ấy.
Qua nhiều năm chung sống, cuộc sống lứa đôi càng dài lâu sẽ cho bạn hiểu giá trị của sự tha thứ.
Thùy Dương (Theo Women today)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét