Cháy mãi ngọn lửa yêu thương

Nhiều năm trôi qua tôi vẫn nhớ mãi ngày ông xã cầu hôn. Chàng mang theo một bó hoa hồng thật to và run run cầm chiếc nhẫn đính ước rồi thì thầm “Anh yêu em”.


Tôi còn run hơn cả chàng, ngượng ngùng vì địa điểm chàng chọn là một quán café ven sông. Ngại mọi người nhìn thấy và cũng nghĩ mình phải kiêu một chút chứ không lẽ lại gật đầu đồng ý ngay nên tôi chống chế bằng cách nghĩ ra rất nhiều yêu sách buộc chàng phải thực hiện thì tôi mới đồng ý.

Thực sự thì ngay sau đó, tôi không thể nhớ chính xác mình đưa ra bao nhiêu điều khoản mà chỉ mang máng tôi cứ nói còn chàng thì đồng ý thực hiện hết. Nhưng có một “điều khoản” đặc biệt mà cả tôi và chàng đều không thể quên là việc tôi yêu cầu chàng mỗi tháng phải viết 1 lá thư tay kể cả khi đã là chồng vợ.

Ngay sau đó, chàng kỳ công viết 1 bức thư dài 2 trang giấy bằng mực xanh với những lời yêu thương đưa đến nhà tôi. Tôi đọc mà mắt đỏ hoe (vì xúc động và cả vì phải căng mắt “dịch” tiếng Việt ra tiếng Việt vì chữ chàng quá xấu...). Sau này, khi đã có với nhau 1 mặt con, lá thư ấy tôi vẫn giữ như một kỷ vật quý giá nhất đời mình.

Hầu hết những người yêu nhau khi nghĩ đến một đám cưới đều thấy rất háo hức. Vì hôn nhân là quả ngọt của tình yêu. Nhưng khi sắp đến ngày trọng đại đời mình thì đa phần những cô dâu mới đều có chung một tâm trạng có lúc phấn chấn, khi lại nao nao khó tả, khi mệt mỏi chán nản vô cớ, có lúc lo lắng bồn chồn khôn nguôi, lúc lại cuống quýt lo toan.... Hình như đó là giai đoạn tâm lý căng thẳng nhất của mọi cô dâu.

Bạn tất bật chuẩn bị cho công việc cưới hỏi; bạn phân vân ở những biểu hiện thay đổi thái độ nơi chàng; bạn phát hiện những khiếm khuyết của chàng mà trước đây bạn chưa từng biết; bạn không thể tìm tiếng nói chung giữa các ý kiến của bạn và người bạn đời; những yêu cầu của hai bên gia đình khiến bạn có cảm giác không đáp ứng nổi; bạn thật sự hồi hộp, bất an khi “bước chân về nhà bên ấy” liệu có yên bình, hạnh phúc?... Nỗi niềm của bạn lúc đó giống như người ta quay chậm lại cuốn phim cuộc đời mình trước khi bắt đầu một quãng đời mới vậy.

Điều cần thiết lúc này là bạn hãy thả lỏng tinh thần, cho phép mình chiều chuộng bản thân một chút; cho phép bản thân một vài ngày không làm gì cả để gặp gỡ bạn bè cùng nhau vui đùa, ăn uống, xem phim, tâm sự hoặc trút nỗi lòng đang đè nặng...

Hẳn bạn sẽ nhận được những lời an ủi chân thành, những lời khuyên thấu đáo, bạn cũng sẽ thấy mình thanh thản hơn vì không còn khư khư giữ lo nghĩ trong lòng. Bạn có thể tham gia các lớp học tiền hôn nhân để có những kiến thức cơ bản nhất cho cuộc sống gia đình mà bạn đang bước đến.

Với những bất đồng trong việc chuẩn bị lễ thành hôn, bạn đừng vội nôn nóng làm theo ý mình mà phải biết lắng nghe, sau đó mềm mỏng thuyết phục, phân tích cho chàng hiểu điều này nên làm, điều kia không nên làm. Bạn cũng nên tạo ra những bất ngờ nho nhỏ, thú vị cho chàng. Như một không gian lãng mạn, một sự gợi nhắc về những kỉ niệm đẹp của hai người ngày mới yêu nhau.

Sau đó bạn nên chia sẻ với chàng những lo lắng trong lòng mình, những biểu hiện thay đổi nơi chàng khiến bạn hẫng hụt. Thiết nghĩ trước những lời dịu dàng tha thiết, chân thành của người yêu thì bất cứ người đàn ông nào cũng rung động, thấu hiểu và điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp với người bạn đời.

Cưới xong sẽ sang một trang mới, thật sự sẽ không còn lãng mạn như hồi đang yêu. Ở đây, không phải tình yêu biến mất mà là nó chuyển sang dạng khác, có tình yêu, có trách nhiệm, có quan tâm mọi người trong gia đình nhà nội nhà ngoại.

Chẳng thế mà một nhà văn đã nói: “Lấy nhau là dịch một bài thơ tình ra văn xuôi”. Có rất nhiều ý kiến tán thành ý kiến trên, họ cho rằng khi yêu, cả hai đều cố phô diễn những gì tốt đẹp nhất để đối phương vừa lòng nhưng cưới nhau rồi cả hai sẽ sống với con người thật của mình, nghĩa là có tốt, có xấu, điều đó mang lại khá nhiều hụt hẫng cho người bạn đời. Họ sẽ rơi vào tình trạng tiếc nhớ những lời lẽ ngọt ngào, những cư xử đúng mực, những hình ảnh rạng rỡ trước kia của người bạn đời...

Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến không tán thành, họ cho rằng: Thực ra chỉ cần giữ lửa cho tình yêu thì bài thơ tình ấy vẫn sẽ là bài thơ tình ngát xanh, nồng nàn những cung bậc đắm say như thuở ban đầu dù thời gian hai vợ chồng sống chung với nhau bao lâu đi nữa.

“Giữ lửa cho hôn nhân” đó chính là chiếc chìa khóa cho hạnh phúc gia đình, là duy trì sự kết nối mạnh mẽ về cảm xúc. Tổ ấm chỉ có thể tồn tại khi các thành viên gia đình sống chan hòa, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Cuộc sống ngày theo ngày được biến hóa muôn hình, hôn nhân của bạn sẽ gặp rất nhiều thử thách bởi thế cần phải giữ ngọn lửa yêu thương ấy cháy mãi, ấm mãi bằng chính tình yêu sâu sắc, sự chăm chút, nâng niu của những người trong cuộc...


Nguyễn Thị Việt Hà  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét