Sau bao nhiêu cố gắng, cuối cùng những
thành tích bạn đạt được cũng được công nhận. Bạn được thăng chức và được
nắm giữ vị trí lãnh đạo. Nhưng lần đầu tiên làm Sếp mọi thứ thật khác
xa với công việc trước đây bạn từng làm.
Cùng một lúc phải xây dựng mối
quan hệ tốt với nhân viên, sắp xếp, phân công, giám sát công việc của
từng người. Làm thế nào để có thể lãnh đạo được một tập thể mà mỗi người
có một sở trường, sở đoản khác nhau. Những nhân viên này, họ cần gì ở
một vị Sếp trẻ như bạn. Chúng tôi xin chia sẻ cùng bạn một số kỹ năng
giúp bạn tự tin và xử lý những tình huống tốt hơn khi lần đầu tiên làm
Sếp:
1. Xây dựng mối quan hệ tốt với nhân viên
Nhân viên là những cộng sự đắc lực và là
người bạn trong công việc, vì vậy việc xây dựng mối quan hệ tốt với
nhân viên là nhân tố ưu tiên hàng đầu để bạn trở thành người lãnh đạo
xuất sắc. Để không mắc phải sai lầm trong lần đầu tiên quản lý nhân
viên, bạn nên dành thời gian rãnh để tìm hiểu về họ, hãy chắc chắn rằng
dù là người mới nhưng bạn là người hiểu họ nhất trong công việc. Đồng
thời cũng cần tìm hiểu về những khó khăn, trở ngại trong văn phòng và
những kiến nghị của nhân viên. Từ đó, bạn hãy đặt ra những điều chỉnh
phù hợp cả về cơ cấu tổ chức cũng như vai trò cụ thể của từng người. Bên
cạnh đó bạn nên thể hiện thái độ tôn trọng đối với cấp dưới của mình
bằng việc: tôn trọng ý kiến của nhân viên, không ngắt lời của họ tại các
cuộc họp hoặc ở nơi đông người… Như vậy, bạn sẽ sớm xây dựng được mối
quan hệ vững chắc với nhân viên của mình.
2. Tạo cơ hội
Lần đầu tiên làm Sếp chắc hẳn bạn rất
muốn thể hiện bản thân với nhân viên của mình, nhưng không phải vì vậy
mà quên rằng nhân viên của bạn cũng là những người xuất sắc.Vì vậy, bạn
hãy tìm hiểu những việc mà nhân viên đã làm được. Qua đó đánh giá hiệu
quả của công việc của họ, khám phá những kỹ năng mới mà họ muốn mở rộng.
Từ đó, bạn có thể quyết định có nên tạo cơ hội để họ phát triển và làm
thế nào để tận dụng tốt nhất năng lực, kinh nghiệm của nhân viên. Là
người quản lý, bạn có vai trò quan trọng trong sự phát triển nghề nghiệp
của họ. Vì vậy, hãy tạo cơ hội cho họ phát huy hết năng lực cá nhân
phục vụ cho công việc chung của công ty. Đó cũng là cách giúp bạn xây
dựng được lòng tin và tôn trọng của nhân viên nhanh nhất.
3. Thẳng thắn và quyết đoán
Là Sếp trẻ lại lần đầu tiên làm Sếp
nhiều người ngần ngại đưa ra những quyết định đối với nhân viên, nhất là
đối với những nhân viên kỳ cựu. Điều này không làm nhân viên nể phục
bạn mà sẽ khiến họ nghĩ rằng bạn là người chưa thật sự đủ trình độ
chuyên môn để đưa ra những quyết định đối với nhân viên. Việc bạn tôn
trọng nhân viên là điều cần thiết nhưng sự thẳng thắn và quyết đoán là
nguyên tắc bạn cần phải có khi làm việc.
Đừng tiếc một lời khen khi nhân viên
hoàn thành xuất sắc công việc hoặc có một ý tưởng hay. Nhưng cũng đừng
ngần ngại khi phê bình khi họ giải quyết công việc chưa tốt. Tuy nhiên,
trước tiên đưa ra những lời phê bình bạn cũng nên tìm hiểu nguyên nhân
tại sao họ lại làm không tốt nhiệm vụ, tránh việc đưa ra những nhận xét
không đúng, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Sếp và nhân viên.
4. Đối đầu với thử thách
Để được thăng chức bạn đã phải vượt qua
rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng khi đã là người lãnh đạo thì những
khó khăn và thử thách lại càng khó khăn gấp bội lần, nhất là đối với
những người lần đầu tiên làm Sếp.
Bạn cần chuẩn bị tâm lý khi ở vị trí
mới, bởi lúc này không chỉ bạn quản lý người khác mà có rất nhiều đang
cùng giám sát bạn. Sẽ có những lời khen chê, những nhân viên không phục
bạn. Ví dụ như việc một nhân viên không hoàn thành dự án đúng hạn hay bỏ
họp, thích đối đầu với bạn… Những chuyện này thường xuyên diễn ra đối
với những vị Sếp mới và khiến bạn thấy khó chịu, nhưng không phải như
vậy mà bạn sẽ bỏ cuộc hay ghét những nhân viên đó. Hãy để cho họ biết
bạn không hề quan tâm tới những điều đó. Bạn làm việc vì lợi ích chung
của tất cả mọi người và vì công ty chứ không vì một cá nhân nào.
5. Nói đi đôi với làm
Mục tiêu ở vị trí mới của bạn là vừa
thiết lập quyền lực vừa được cấp dưới kính trọng. Hành động của bạn sẽ
quyết định cách nhìn nhận của nhân viên về bạn. Nếu lời nói của bạn
không đi liền với hành động, chắc chắn bạn sẽ không đạt được sự tín
nhiệm từ người khác. Hãy cùng bắt tay vào giải quyết mọi việc cùng nhân
viên của mình. Một vị Sếp mới bạn không nên đứng ngoài và chỉ tay sai
khiến người khác, mặc dù họ là cấp dưới. Điều đó sẽ khiến cho nhân viên
không nhiệt tình trong công việc và tránh xa bạn.
6. Tôn trọng nhân viên kỳ cựu và xuất sắc
Lần đầu tiên làm Sếp bạn cần tôn trọng
những nhân viên kỳ cựu và xuất sắc của công ty. Có thể những nhân viên
này chưa phục bạn và không muốn làm theo sự lãnh đạo của bạn. Điều đó
khiến bạn không hài lòng nhưng đừng vì vậy mà có thái độ khó chịu với
họ. Bởi trong công việc bạn sẽ cần phải nhờ tới sự giúp đỡ của họ rất
nhiều. đừng nghĩ mình là Sếp rồi vội khẳng định bản thân với những nhân
viên này, nếu không bạn sẽ gặp phải khó khăn khi làm việc cùng họ.
7. Chia sẻ công việc
Lần đầu tiên làm Sếp, ai cũng muốn thể
hiện mình là người có năng lực. Nhưng Sếp không có nghĩa là Sếp thì phải
làm tất cả mọi việc. Bạn hãy nhớ rằng công việc trước đây của bạn đã có
người khác làm. Vì vậy, là một nhà lãnh đạo giỏi là bạn biết cách phân
công công việc phù hợp với năng lực của từng nhân viên và theo dỗi tiến
trình làm việc của từng người. Bởi nhiệm vụ của bạn bây giờ là làm cho
cả nhóm, cho sự phát triển chung của công ty chứ không phải làm cho
riêng ai.
8. Tuân theo sự giám sát
Là người lãnh đạo, lại là lần đầu tiên
giữ vị trí này bạn cũng nên chịu sự giám sát của nhân viên. Đừng cho
rằng mình là Sếp thì không ai có quyền giám sát mình. Việc nhân viên
giám sát và dám thẳng thắn đưa ra những lời nhận xét là cách tốt nhất để
những Sếp trẻ nhận ra được những khuyết điểm của bản thân và hoàn thiện
mình hơn trong công việc.
Bạn cũng nên để nhân viên giám sát chéo
lẫn nhau. Lần đầu tiên làm Sếp chắc chắn bạn chưa thể hiểu hết được nhân
viên của mình. Việc nhân viên giám sát lẫn nhau sẽ giúp đánh giá hiệu
quả công việc một cách khách quan. Tất nhiên, như thế không có nghĩa là
bạn cứng nhắc bắt mọi người phải tuân theo một quy chuẩn chung, không có
sự đột biến. Bạn nên để một lối mở, cho những ý kiến sáng tạo, đóng góp
mới của các nhân viên và đặt mục tiêu, ưu đãi rõ ràng. Vị trí của bạn
sẽ càng được củng cố và cấp dưới sẽ hài lòng vì sự nghiêm khắc nhưng lại
thấu tình đạt lý của bạn.
9. Suy nghĩ cởi mở
Là một vị Sếp trẻ, lại lần đầu làm Sếp,
bạn đừng quá cứng nhắc theo hướng của những người đi trước. Tuổi trẻ tài
cao với nhiều sáng tạo, đừng gò mình theo những suy nghĩ có sẵn và càng
không nên bắt nhân viên của mình vào khuôn khổ sáo mòn. Hãy lắng nghe ý
kiến của mọi người trước khi quyết định việc gì. Nếu những ý kiến của
đồng nghiệp là xác đáng, đừng vì tự ái cá nhân mà bỏ qua. Nên nhớ rằng,
dù bạn là Sếp nhưng nhân viên của bạn rất nhiều người dày dạn kinh
nghiệm, họ có nhiều ý tưởng hay trong cách giải quyết công việc.
Việc thăng tiến lên cấp quản lý là mốc
quan trọng trong sự nghiệp của các nhân, tổ chức. Đó là phần thưởng cho
những người có năng lực và đạt hiệu quả công việc tốt. Năng lực của bạn
đã được công nhân bằng việc được thăng tiến lên cấp quản lý, những không
phải vì vậy mà bạn cho rằng mình đã thật sự tài giỏi. Lần đầu tiên ở vị
trí của một người làm Sếp chắc chắn bạn sẽ gặp không ít khó khăn, thử
thách mà bạn cần phải vượt qua để giữ vững được vị trí mới của mình. Hãy
chứng tỏ cho mọi người thấy rằng bạn không chỉ là một vị Sếp trẻ có đủ
năng lực mà bạn còn là một nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trong mọi công
việc.
Thúy Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét