Hãy để mục tiêu dẫn lối “phương hướng cuộc đời”

Trong cuộc đời mỗi người, có một điều duy nhất mà ta không được quyền lựa chọn, đó là xuất thân của mìmh. Còn tất cả những điều khác mình đều có quyền chọn lựa.

Lựa chọn như thế nào sẽ có kết quả như thế đó.

Có lựa chọn là có thay đổi. Ai cũng có ưu và nhược điểm, điểm mạnh và điểm yếu. Chỉ có học hỏi và không ngừng sáng tạo mới có thể giúp bạn trở thành một cá nhân xuất sắc, một nhân viên vững vàng về chuyên môn. Thay đổi cần phải bắt đầu từ bản thân mình, và không nên có ý định thay đổi người khác. Trong quá trình thay đổi, điều tiên quyết là phải chiến thắng chính mình. Sữa đổi những thói quen xấu, nuôi dưỡng hình thành những thói quen tốt.

Từ Thanh Hóa đi Hà Nội, ở mỗi ngã tư, bạn lựa chọn đường đi hướng Bắc thì không bao giờ đi sai đường. Nếu không có đường đi hướng Bắc cho bạn lựa chọn thì bạn cũng có thể chọn đường hướng Đông Bắc hoặc Tây Bắc. Nhưng khi đi đến các ngã tư tiếp theo, nếu bạn vẫn chọn hướng đi Tây Bắc hoặc Đông Bắc thì bạn sẽ phải đối chiếu lại phương hướng, sau đó lại chọn hướng Bắc. Như vậy bạn sẽ không bao giờ bị nhầm đường tới Hà Nội.

Vì có mục tiêu là đến Hà Nội, chúng ta có phương hướng một cách chính xác, bước đi gần với mục tiêu chứ không xa rời. Hành trình cuộc đời như sau: người có mục tiêu, khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời, mới có thể đưa ra sự lựa chọn chính xác.

Một người quê ở thôn Đông muốn vào thành. Buổi sớm tinh mơ thức dậy, anh vội vàng lên đường, hy vọng trước khi trời tối sẽ vào thành.

Anh ta đi được nửa ngày đường, bỗng phát hiện mình bị lạc đường, đứng trước ngã tư không có người giúp đỡ, anh ta đành tự mình tìm hướng đi. Không bao lâu, anh này nhìn thấy một người nông phu đánh xe bò đi tới, anh ta liền vội vàng chạy tới và hỏi: “Xin hỏi từ đây vào thành mất bao xa?”

Người nông phu dừng xe lại, đầu vẫn không ngẩng lên, trả lời: “Khoảng 30 phút nữa thì  tới”.

Anh nhà  quê  lại hỏi: “Tôi có thể đi nhờ xe được không? Tôi sẽ ngồi phía sau này thôi”.

Người nông phu vẫn không ngẩng đầu lên đáp: “Được!”.

Anh nhà quê rất mừng, ngồi lên xe và xoa đôi chân ê ẩm của mình sau nửa ngày đường vất vả.

Qua khoảng nửa tiếng, anh nhà quê nhìn tứ phía, vẫn không thấy hình bóng kinh thành đâu cả, lại hỏi người nông phu: “Làm sao vẫn chưa tới thành, đường đi còn bao xa?”

Người nông phu trả lời: “Còn đi khoảng một tiếng mới vào thành”.

Anh nhà quê giật mình: “Sao cơ, xe của ông không phải vào thành hay sao?”. 

Người nông phu đáp lại: “Xe của tôi đi về phía Nam, anh lại không hỏi tôi có vào thành hay không, tự mình lên xe, bây giờ nên trách ai đây?”

Anh nhà quê vội vàng xuống xe đi tiếp. Nhưng mặt trời đã bắt đầu xuống núi.

Trong cuộc sống cũng vậy, khi ta không biết đi đường nào, lại vội vàng quyết định đi theo con đường mà chính ta cũng không rõ, cuối cùng con đường đó cũng chẳng dẫn ta đi đến đâu cả !

Đó chính là cuộc đời.

Mỗi người xem ra lúc nào cũng bận rộn. Nhưng khi được hỏi tại sao lại bận rộn như vậy, phần lớn mọi người đều có một đáp án duy nhất: “Ôi! Tôi vội quá!”…

Cuộc sống như một chiếc bản đồ, do đó bạn phải sớm xác lập ra những mục tiêu rõ ràng, định ra trên bản đồ những mục tiêu muốn tới. Trời đất bao la rộng lớn, thế giới lại muôn màu nhưng cuộc
 đời và thời gian của bạn lại có hạn. Vì vậy bạn hãy xác định mục tiêu rõ ràng cho chính mình, biết mình muốn gì và mình muốn đi tới đâu.

Một chàng thanh niên nọ không biết làm thế nào để thành công, đã đến thỉnh giáo một vị đại sư. Chàng thanh niên không hài lòng với cuộc sống hiện tại, hy vọng có thể có sự nghiệp khả quan hơn, cậu ta muốn biết làm thế nào để cải thiện tình hình.

“Cậu định sẽ đi đâu?” - vị đại sư hỏi chàng thanh niên.

“Về điểm này, nói thực tôi cũng chưa rõ” – chàng thanh niên suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục trả lời - “Tôi vốn dĩ chưa suy nghĩ gì về việc này, chỉ nghĩ là muốn đến một nơi khác”.

“Cậu đã từng làm gì coi là tốt nhất rồi?” - vị đại sư tiếp tục hỏi - “Việc gì là tồi tệ nhất?”

“Tôi không biết” - chàng thanh niên đáp - “Hai việc này, tôi thật chưa bao giờ nghĩ đến”.

“Giả định hiện nay bắt buộc phải đưa ra một sự lựa chọn hoặc quyết định, cậu muốn làm việc gì? Mục tiêu cậu muốn theo đuổi nhất là gì? - vị đại sư hỏi.

“Tôi không thể nói ra được” - chàng thanh niên vội vàng trả lời - “Tôi không biết mình muốn gì. Những việc này tôi chưa từng nghĩ tới. Đương nhiên tôi cũng từng cảm thấy rằng nên tính đến những việc này rồi”.

“Bây giờ tôi có thể nói cho cậu biết” - vị đại sư nói - “Hiện tại cậu muốn thay đổi môi trường đến một nơi khác, nhưng lại khôngt biết đến đâu, vì cậu không biết phải làm gì, muốn làm gì. Thực ra trước khi thay đổi công việc, cậu nên sắp xếp những việc này đã”.

Do đại đa số mọi người đều có một ấn tượng mơ hồ, không rõ ràng về mục tiêu và sự mong muốn trong tương lai, do vậy không biết nên lựa chọn thế nào. Hãy thử tưởng tượng, một người không biết bản thân muốn đi đâu làm sao có thể bước chân đi hướng nào.

Cuộc sống giống như một dòng nước, con người tựa như một chiếc thuyền. Trên hành trình con thuyền tiến thẳng về phía trước, chúng ta cần phải biết mình muốn đi đến đâu. Mỗi lần đứng trước sự lựa chọn, bạn cần phải suy xét chính mình, xem liệu mình lựa chọn có đúng hay không, vì đó là cuộc sống của chính bạn và không ai có thể thay bạn chọn lựa. Nếu lựa chọn có lợi cho mục tiêu của bản thân, dù chỉ là một vài phần trăm thì cũng đã có ý nghĩa rồi. Nếu bạn xa rời mục tiêu của mình, thậm chí bạn lùi bước, thì bạn sẽ mãi không đạt được thành công.

Trích từ “Làm thế nào khi lựa chọn sai” - Trần Thị Thanh Liêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét