Đồng
tiền là gánh nặng vì một lý do đơn giản là chúng ta đã không thể đưa ra
được một hệ thống lành mạnh mà trong đó đồng tiền chỉ có thể là kẻ đầy
tớ cho toàn nhân loại chứ không phải là ông chủ của một số ít những kẻ
tham lam.
Đồng tiền là gánh nặng vì trong con người đầy lòng tham; nếu không, đồng
tiền cũng chỉ là một phương tiện đơn giản để trao đổi hàng hóa, một
phương tiện hoàn hảo. Nó chẳng làm gì sai trái cả, thế nhưng với cách
chúng ta sử dụng nó, mọi thứ dường như đều trở nên sai trái.
Nếu bạn không có tiền, bạn sẽ bị lên án; cả cuộc đời bạn bị đè nặng bởi
một lời nguyền, cả cuộc đời bạn vùng vẫy bằng mọi cách để có tiền.
Còn nếu bạn có tiền, bạn cũng chẳng thể thay đổi được điều cơ bản là:
bạn muốn có nhiều hơn nữa, mà bao nhiêu cho đủ cái nhiều hơn nữa ấy? Và
cuối cùng, khi bạn đã có quá nhiều tiền - dù là vẫn chưa đủ, vì sẽ không
bao giờ đủ, nhưng lại nhiều hơn bất kỳ ai trên thế giới này - lúc đó
bạn bắt đầu cảm thấy có tội, bởi những phương tiện mà bạn đã sử dụng để
tích lũy đống tiền đó thật kinh hoàng, vô nhân đạo và đầy bạo lực. Để có
tiền, bạn đã bóc lột, hút máu người ta, biến thành một loài ký sinh.
Thế mà giờ đây, bạn đã có tiền, mà chính đồng tiền đó lại nhắc bạn nhớ
về tất cả những tội lỗi mà bạn đã làm để có được nó.
Điều này tạo ra hai loại người: một loại bắt đầu đem tiền đi cho các tổ
chức nhân đạo để thoát tội. Họ đang làm việc thiện, họ đang làm "công
việc của Chúa". Họ mở bệnh viện và trường học. Tất cả những gì họ đang
cố làm chỉ là để giúp mình khỏi phát điên vì cảm giác tội lỗi. Tất cả
những bệnh viện đó, những trường học đó (xét về mặt công trình kiến trúc
thôi), những tổ chức từ thiện đó, đều là thành quả của những kẻ có tội.
Thí dụ, giải thưởng Nobel được sáng lập bởi kẻ đã kiếm bộn tiền trong
Thế chiến thứ nhất bằng cách tạo ra thuốc nổ. Thế chiến thứ nhất diễn ra
với toàn bộ phương tiện do ngài Nobel cung cấp. Và ông ta đã kiếm bạc
triệu...! Cả hai phe đều sử dụng cùng một nguồn cung cấp vật liệu chiến
tranh; ông ta chính là người duy nhất sản xuất vật liệu chiến tranh trên
diện rộng. Vậy là, dù kẻ bỏ mạng có là ai chăng nữa thì tên giết người
vẫn là ông ta. Dù cho ông ta theo phe này hay phe kia; dù người bị giết
có là ai thì cũng đều chết dưới làn bom đạn của ông ta.
Vì thế mà, về già, khi ông ta đã thu đủ số tiền mà một con người có thể
có được trên thế giới này, ông ta bắt đầu sáng lập giải thưởng Nobel. Nó
còn bao gồm cả một giải thưởng Hòa bình - được trao bởi một kẻ đã làm
tiền trên chiến tranh! Người nào hoạt động vì hòa bình, người đó có thể
được trao giải thưởng Nobel. Nó còn được trao cho những người có phát
minh khoa học vĩ đại, những nghệ sĩ tài hoa, những phát minh sáng tạo.
Một số những công việc từ thiện thực ra là nỗ lực nhằm rửa cho sạch tội
của mình mà thôi - nói theo nghĩa đen là như thế. Khi Pontius Pilate ra
lệnh đóng định Jesus trên cây thập tự, việc đầu tiên ông ta làm là rửa
tay. Thật lạ! Việc ra lệnh hành hình Chúa Jesus có làm tay ông ta bẩn
đâu, thế thì tại sao lại rửa tay? Điều này có nghĩa là: ông ta thấy mình
mắc tội. Phải mất hai ngàn năm loài người mới hiểu được điều này, bởi
hai ngàn năm qua chẳng ai màng đến hay đoái hoài chuyện tại sao Pontius
Pilate rửa tay. Chính Sigmund Freud là người phát hiện ra rằng ai cảm
thấy mình có tội cũng đều có hành động rửa tay như vậy. Hành động này
mang tính hình tượng... cứ như là đôi bàn tay họ đang nhuốm đầy máu vậy.
Thế nên, khi bạn có tiền, nó gây ra tội lỗi. Một là bạn rửa tay bằng
cách giúp đỡ cho các tổ chức từ thiện, mà điều này thì được các tôn giáo
tận dụng triệt để. Họ lợi dụng tội lỗi của bạn, nhưng họ vẫn nâng đỡ
cho cái tôi của bạn, thì thầm vào tai bạn rằng bạn đang làm những công
việc tâm linh vĩ đại; chỉ là họ đang cố an ủi những kẻ phạm tội mà thôi.
Cách thứ nhất là cách mà các tôn giáo vẫn làm. Cách thứ hai là khi người
ta thấy mình có tội, họ sẽ phát điên hoặc tự kết liễu đời mình. Sự tồn
tại của họ trở thành nỗi thống khổ. Mỗi hơi thở trở nên nặng nề không
chịu nổi. Và điều lạ lùng là họ đã làm lụng suốt cuộc đời mình để có
được đống tiền đó, bởi chính xã hội khuấy lên trong họ ham muốn giàu
sang và quyền lực. Và tiền bạc đem lại quyền lực; nó có thể mua được mọi
thứ, chỉ trừ một vài thứ. Mà có ai thèm để tâm đến những thứ không mua
được ấy.
Thiền định không thể mua được, tình yêu không thể mua được, tình bạn
không thể mua được, lòng tri ân không thể mua được - nhưng không ai quan
tâm đến những điều này cả. Còn tất cả những thứ khác, cả thế giới vật
chất kia, đều có thể mua được bằng tiền. Và thế là những đứa trẻ bắt đầu
leo lên những nấc thang tham vọng, và nó biết rằng có tiền là có tất
cả. Vậy là xã hội đã nuôi dưỡng ý niệm về tham vọng, về quyền lực, về sự
giàu có.
Thật là một xã hội sai lầm. Nó tạo ra những con người mang tâm lý bệnh
hoạn và điên cuồng. Và khi những con người đó đã đạt đến cái đích mà xã
hội và hệ thống giáo dục đặt ra cho họ, họ thấy mình cùng đường. Con
đường chấm dứt ở đó; không còn gì hơn nữa. Thế là, hoặc họ trở thành kẻ
mộ sát rởm đời, hoặc là lao vào cơn điên dại, tự sát, và tự hủy hoại bản
thân mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét