Rớt nước mắt với ước mơ...có mẹ

Không mong những món đồ chơi đắt tiền đang thịnh hành, những đứa trẻ mồ côi chỉ thèm được mẹ bế ẵm, đưa về nhà đón năm mới…. 

“Con thích mẹ”



Trung tâm trẻ mồ côi suy dinh dưỡng Phú Mỹ, Mỹ Đình những ngày cuối năm 2012 thi thoảng lại có người đến tặng qùa hoặc hoàn tất thủ tục để nhận con nuôi. Những bé lớn đã được gửi đi học, tại trung tâm chỉ còn 30 bé, từ sơ sinh đến 5 tuổi đang đón tết. Dù những đứa trẻ này chưa thể tự diễn đạt ước mơ của mình bằng lời nhưng chị Đỗ Thị Lan, cán bộ y tế  trung tâm cho biết, khi tiếp xúc với trẻ, chị vẫn nhận ra trong chúng luôn ấp ủ một khát khao là được bố mẹ đón về nuôi.
Trung, cậu bé 4 tuổi lớn nhất trung tâm tỏ ra khá dè dặt trong những phút đầu tiếp xúc với người lạ. Sau ít phút làm quen, cậu bé mon men trèo lên gọn trong lòng tôi, đôi mắt to, đen tròn nhìn thăm dò và lo lắng sợ không được bế.
Tôi hỏi “Năm mới Trung thích gì?” cậu bé chỉ im lặng. Nghĩ rằng cậu bé chưa biết cách trả lời nên tôi hỏi tiếp “Con có thích mẹ đưa đi chơi, mua ô tô, siêu nhân cho không? nhưng Trung vẫn giữ nguyên thái độ, mắt nhìn tôi không chớp. Bất chợt, cậu bé đưa tay vuốt má rồi gục đầu vào người tôi, thẽ thọt nói “mẹ, con thích mẹ”.

Tôi bối rối tìm cách đáp lại sự âu yếm của Trung vì vừa sợ làm cậu bé tổn thương nhưng cũng không thể lừa dối trái tim non nớt đang khao khát hơi ấm của mẹ. Cố tìm lời nói cho thật khéo song tôi vẫn không thể đánh lừa được sự nhạy cảm của cậu bé 4 tuổi. Vừa nghe tôi nói: “Rồi mẹ Trung sẽ sớm tìm và đón Trung về nhé”, cậu bé như đã nhận ra sự thật nên ngồi thẳng dậy rồi tụt xuống đất. Buông tay khỏi cậu bé, tôi thấy mình có lỗi vì vô tình khơi lên rồi lại làm tắt tia hy vọng của một đứa trẻ đang mong đợi tình mẫu tử. 



Chị Lan cho biết, Trung bị bỏ rơi ở Bệnh viện Nhi Trung ương và được đón về trung tâm từ lúc sơ sinh. Từ lúc đó đến nay, trung tâm cũng không có thông tin gì về người nhà của cậu bé. Hiện, có một cặp vợ chồng đã đến làm quen và có ý muốn nhận Trung làm con nuôi.
Cũng theo chị Lan, mong được bố mẹ đón về nuôi là mơ ước chung của tất cả những đứa trẻ đã và đang sống ở trung tâm. Bình thường, chúng hồn nhiên vui chơi và nghĩ rằng trung tâm là nhà và các cô là mẹ chúng nhưng mỗi lần có bạn được bố mẹ nuôi đón về, những bé còn lại cứ háo hức ngóng đợi. 



“Chúng khoe nhau, "mẹ tớ cũng sắp đến đón tớ về rồi" nhưng lại vẫn hỏi các mẹ bao giờ "mẹ con đến đón?”. Chúng thơ ngây thế đấy. Có cháu, sau khi được nhận làm con nuôi, bố mẹ đưa về trung tâm chơi, chúng tôi trêu giữ lại  là cháu khóc, nằng nặc đòi về. Ở đây dù các mẹ chăm đến mấy, điều kiện cũng không bằng ở nhà được, nhất là về mặt tình cảm”, chị Lan nói. 


Thèm mẹ nên tự nói dối là mẹ đang...đi tù


Chiều ngày cuối năm, Vân Anh và các bạn khác cùng hoàn cảnh sống tại chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội được các phật tử đón đưa đi chơi. Thầy trụ trì chùa Thích Đàm Lan cho biết, Vân Anh bị bố bỏ rơi ở gần chợ Hôm sau đó được một người dân đưa đến gửi ở chùa.


“Lấy cớ gửi con một lúc để đi tìm nhà trẻ, bố Vân Anh đã để con lại một nhà người dân gần chợ Hôm rồi bỏ đi mất. Sau một tuần, không thấy bố đứa bé về đón và bị con cái phản đối việc nuôi dưỡng tại nhà, người dân này đã đưa Vân Anh đến chùa gửi”, sư thầy Thích Đàm Lan kể về hoàn cảnh của Vân Anh.  



Năm nay đã 10 tuổi nhưng Vân Anh luôn nhớ về bố mẹ dù họ đã bỏ rơi em từ khi mới sinh ra. Mấy năm trước, khi chứng kiến một bạn được mẹ mãn hạn tù về đón sau 8 năm bỏ rơi, Vân Anh cũng thèm được như bạn nên đã kể với các bạn là có mẹ đi tù, sắp về đón. 



“Vân Anh rất tình cảm. Cô bé nghĩ về mẹ nhiều lắm, luôn ước mơ được bố mẹ đón về nhà”, thầy Đàm Lan nói. Chung hoàn cảnh, cô bé Mai cũng bị bố “gửi” ở chùa Bồ Đề từ khi chưa đầy 1 tuổi sau khi mẹ mất rồi mất tích hơn 10 năm nay. Các dịp lễ Tết đến, nhìn các bạn được bố mẹ đưa đến chùa chơi, cô bé lại cồn cào sự thèm khát có mẹ. Cô bé hay bỏ ra một góc ngồi khóc.



“Ngày cuối năm nhìn những đứa trẻ bình thường được bố mẹ đưa đi sắm Tết, mua cho quần áo mới, …chúng thèm khát lắm. Những đứa trẻ lớn ở đây đều đã ý thức được về thân phận của chúng và chung mơ ước về một gia đình nhỏ có bố có mẹ”, thầy Đàm Lan nói.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét