Biết chấp nhận rủi ro


Con người ta sinh ra và lớn lên ai lại không một lần ước mơ, dù là ước mơ thật bình thường, thật đơn giản, nhất là đối với tuổi trẻ chúng ta, lứa tuổi mà người ta cho là đẹp nhất thì ước mơ được thể hiện rất rõ nét.

 Các nhà thông thái khuyên chúng ta hãy cứ ước mơ đi vì đó là một thứ động lực không tốn tiền mua. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải biến ước mơ đó thành hành động cụ thể thông qua chiến lược và kế hoạch thực hiện. Ngược lại, con người sẽ bi quan, dễ bị chao đảo khi có điều gì đó không như họ mong muốn. 
 Theo các nhà tâm lý học thì : “Ước mơ là loại tưởng tượng sáng tạo nhưng nó không hướng vào hoạt động hiện tại, nó có thể có lợi khi thúc đẩy cá nhân vươn lên; có thể có hại khi viển vông, không thực tế, không thúc đẩy con người ta đi tới”. Và theo tôi, ước mơ chính là những điều tốt đẹp nhất, tươi sáng nhất, những điều mà tôi muốn nó diễn ra trong tương lai mình.
 Ngay từ thời phổ thông, thấu hiểu nỗi đau của những đứa trẻ bất hạnh, kém may mắn nên tôi luôn mơ ước mình đậu đại học để sau này có thể giúp đỡ chúng trên cơ sở khoa học rõ ràng. Nhưng ngày đó sức học của tôi không khá mà theo những giáo viên bộ môn thì “để năm sau hãy thi”, còn chị gái tôi thì “suốt đời mày chỉ như thế thôi”
 Không chấp nhận điều đó, để thực hiện ước mơ của mình, ngay từ những ngày đầu của lớp 12 tôi đã vạch ra một kế hoạch học tập rất khoa học và mạch lạc. Tôi học hỏi không ngừng ở những người bạn khá hơn mình, luôn lẽo đẽo theo giáo viên bộ môn sau những giờ tan học : “Cái này giải làm sao vậy cô? Cái kia phải diễn giải thế nào?”. Một năm ròng rã cho việc học tập, tôi đã đền đáp công ơn của cha mẹ, thầy cô và bạn bè bằng hai tờ giấy báo trúng tuyển đại học. 
 Ước mơ, niềm tin có sức mạnh ghê gớm đối với chúng ta. Cuộc sống không bao giờ có khái niệm mất tất cả hay thật sự rơi vào bế tắc một khi chúng ta còn ước mơ. Và nếu ước mơ của bạn đủ lớn thì mọi chuyện còn lại chỉ là chuyện nhỏ. Nếu ước mơ đủ lớn thì chắc chắn bạn sẽ làm được mọi việc. Có một câu nói rất hay mà thầy tôi đã nói : “Đừng bao giờ nói không bao giờ”, tôi tâm đắc điều đó. 
 Trong mỗi con người ai cũng muốn mình có một tương lai tươi sáng. Song, cuộc sống đôi lúc không như người ta mong đợi. Điều quan trọng hơn là chúng ta phải biết chấp nhận những rủi ro. Sau những lần không thành công, sau những lần không như ý muốn ta sẽ học được những kinh nghiệm để lần sau sẽ tốt hơn.  
 Với tôi, cũng đôi lần tôi đã nhận lấy những thất bại ê chề. Cũng chính những thất bại đó làm tôi chững chạc hơn, trưởng thành hơn. Tôi không bao giờ quên điều mà Má tôi đã dạy : “Thua keo này con bày keo khác, đừng bao giờ nản lòng”.  
 Và tôi luôn đặt ra cho mình những ước mơ ngắn hạn. Có những ước mơ đã thực hiện được chẳng hạn như vào đại học, có những ước mơ đang thực hiện và cả những ước mơ vừa hình thành. Tôi chỉ ngừng mơ ước khi trái tim tôi ngừng đập và đó cũng chính là lúc tôi không còn tồn tại trong cuộc đời này.
 PHẠM DŨNG (Q.3, TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét