Thuốc quý từ nha đam

Từ lâu, nha đam đã được biết đến như là “thần dược” dành cho da của phụ nữ. Tuy nhiên, ngoài tác dụng trên da, nó còn được biết đến như là một vị thuốc quý cho sức khỏe.
Cần làm sạch lớp nhựa vàng bao quanh thịt nha đam trước khi dùng.
 Nha đam (còn gọi là lô hội, long thủ, cây dứa Tàu) đã được con người biết đến và sử dụng từ rất lâu. BS. Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý Y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP. HCM, cho biết: Theo y học cổ truyền, nha đam có vị đắng, tính mát với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát huyết, cầm máu, nhuận tràng.

Nhiều công dụng

Qua thời gian nghiên cứu, người ta đã chứng minh được tác dụng của nha đam trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm. 

Hoạt chất chủ yếu của nha đam là aloin, có tác dụng nhuận tẩy, chiếm tỷ lệ 16-20%. Nha đam cũng chứa nhiều a-xít amin (khoảng 23 loại); vitamin B1, B5, B6, B12, C...; khoáng tố vi lượng như sắt, phốt-pho, ma-giê, can-xi... rất cần thiết cho sức khỏe con người.

Thông thường, nha đam được dùng để chữa đau đầu, chóng mặt, táo bón, viêm dạ dày, tiêu hóa kém, đái tháo đường... Qua thời gian sử dụng, người ta đã chứng minh được vai trò và hiệu quả của nha đam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm.
Dưới góc độ trị bệnh, tác dụng nổi bật của nha đam là có tính kháng khuẩn, sát trùng, nhuận tràng; dùng chữa bệnh ngoài da như: ngừa mụn, giúp săn da, thu nhỏ lỗ chân lông, mịn da. Khi bị bỏng nhẹ, chỉ cần xẻ mỏng lá nha đam áp vào da để nhựa cây tiếp xúc với chỗ bỏng, da sẽ mát và chóng lành. Khi bị mẩn ngứa, dị ứng, bôi nhựa nha đam sẽ làm giảm các triệu chứng khó chịu. Ngoài ra, nha đam còn được dùng để trị các bệnh: viêm loét dạ dày, tiểu đường, ung thư, cao huyết áp…

Nhờ chất glycoprotein, nha đam có tác dụng chống viêm và giải dị ứng, giúp làm lành vết thương. Bên cạnh đó, nha đam còn giúp tăng cường giải độc cho cơ thể nhờ tăng cường chuyển hóa tại gan, thận; giúp loại trừ độc tố cho tế bào. Khi sử dụng nha đam, người dùng có thể sẽ bị xổ nhẹ, nhờ đó giúp đẩy hết những vi khuẩn độc trong ruột ra ngoài.

Chú ý liều dùng

Ngoài tác dụng chữa bệnh, dân gian còn dùng nha đam để chế biến thành nhiều món ăn ngon như: ăn tươi, nấu chè, nấu canh, nước giải khát... Tuy nhiên, khi sử dụng nha đam, người dùng cần làm sạch lớp mủ màu vàng bao quanh phần thịt của nha đam để tránh ngộ độc.

Với nhiều tính năng như trên, nha đam là một loại dược liệu rất tốt. Tuy vậy, khi muốn sử dụng để điều trị bệnh, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng dùng cũng như phương pháp, cách thức sử dụng đúng.

Đặc biệt, nha đam có tính nhuận tràng, người dùng nên giảm hoặc ngưng sử dụng nếu có hiện tượng tiêu chảy. Người đang bị tiêu chảy không nên dùng chế phẩm từ nha đam. Ngoài ra, cần thận trọng khi dùng cho người cao tuổi và phụ nữ có thai.

                                                  Thường Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét