Buông xuống đi, buông xuống đi

Ai hiểu rõ được 2 chữ “Vô Thường” của vạn vật trên thế gian này thì sẽ dễ dàng sống một đời sống buông xả, buông xả tất cả không tiếc một vật gì, kể cả mọi sự hiểu biết, nghề nghiệp. Cái khó nhất đối với con người là buông bỏ những hiểu biết. Ai cũng cho là mình đúng, người khác sai. Ai cũng bị dính mắc vào những hiểu biết, tự đánh giá, nhận xét mọi tư tưởng của người khác đúng sai.


Khi hiểu được rằng mọi pháp là vô thường thì chúng ta còn gì để mà đánh giá đúng sai nữa. Vạn pháp đều do duyên hợp lại thì thành, hết duyên thì tan. Vậy hỏi bao nhiêu duyên để đủ mà hợp, bao nhiêu duyên đủ để tan?

Không ai chắc chắn xác định có con số cụ thể nào để đủ duyên. Do vậy những đúc kết hiểu biết, những kinh nghiệm, những kết luận, những chứng minh trong khoa học, những truyền thuyết, những giáo điều trong tôn giáo, v.v…đều là một trong những duyên cần có.

Dù biết được như vậy chúng ta cũng không thể tuyệt đối khẳng định hay kết luận rằng những điều đó sẽ đưa đến một kết quả khả quan nào. Bởi vì làm sao chúng ta biết chắc được còn cần đủ những điều kiện (duyên) nào nữa để có một kết quả mỹ mãn, một thành công hay một điều đang mong đợi. Tuy vậy chúng ta vẫn phải tôn trọng ý kiến, kinh nghiệm, hiểu biết của người khác và những chứng minh của khoa học.

Ai hiểu được lý nhân duyên này thì có lẽ sẽ không còn chấp hay dính mắc vào bất kỳ cái gì, chuyện gì còn là của ta nữa, ngược lại họ sẽ buông xuống hết, không còn tranh luận đúng sai với ai, không còn nhận xét đánh giá, phê bình hay nói lên ý kiến nào cả, vì họ đã không còn cho rằng có cái gì là “của mình” trên đời này nữa.

Khi hiểu rõ như vậy họ sẽ sống “nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng” theo ý kiến, yêu cầu, việc làm hay lời nói của người khác để làm cho người vui, và lấy niềm vui và hạnh phúc của người làm niềm vui và hạnh phúc cho mình.

Họ luôn chấp nhận, tiếp nhận, lắng nghe mọi lời nói, việc làm và tôn trọng ý kiến của người khác. Không sống theo ý kiến của mình.

Vậy tùy thuận là tùy thuận những gì?

Tùy thuận là tùy thuận những điều thiện, chứ không tùy thuận những việc ác. Tùy thuận theo nhưng không để lôi cuốn. Người sống có đức tùy thuận phải có trí tuệ tư duy xem những tùy thuận đó có làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài vạn vật khác không, nếu có thì không tùy thuận, nếu không thì mới tùy thuận. Có tư duy như vậy mới gọi là chánh tư duy, ngược lại là tà tư duy.

Tóm lại khi hiểu rõ mọi pháp là do duyên hợp, là vô thường thì chúng ta buông xuống tất cả, không chấp vào hay dính mắc vào bất kỳ chuyện gì, sống biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng thì cuộc sống của chúng ta sẽ luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống này.
                                           

                                       (Nguồn : Chanhkien)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét