TS. Jun Liu chia sẻ "chiến thuật" học ngoại ngữ

TS. Jun Liu đã trở thành chủ tịch đầu tiên không phải người bản ngữ trong lịch sử 41 năm của Hiệp hội Giáo viên tiếng Anh (TESOL) toàn cầu và hiện là trưởng khoa tiếng Anh của ĐH Arizona, Mỹ. Nhân dịp sang Việt Nam đầu tháng 3/2009, ông Liu đã chia sẻ "chiến thuật" học tiếng Anh với độc giả. 
T.S. Jun Liu
Thử thách lớn nhất mà người Việt Nam cũng như người Trung Quốc khi học ngoại ngữ gặp phải đó là thiếu bối cảnh, thiếu điều kiện để sử dụng tiếng Anh. Chúng ta cũng thiếu những giáo viên thực sự giỏi, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của quá trình học tiếng Anh.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta rất khác biệt so với tiếng Anh.

Tôi có một số "bí quyết" muốn chia sẻ cùng với những người học ngoại ngữ trong hoàn cảnh này.

Trước hết, người học phải nhận thấy tầm quan trọng của việc tận dụng các nguồn tài nguyên quanh mình.

Tài nguyên chính là sách tiếng Anh, các chương trình truyền hình và radio bằng tiếng Anh và cơ hội trò chuyện bằng tiếng Anh với bạn bè cùng lớp, với giáo viên hoặc khách du lịch.

Luôn luôn cố gắng dành một khoảng thời gian nhất định hàng ngày, dù chỉ 10 hay 20 phút để luyện tiếng Anh, như vậy, sử dụng tiếng Anh sẽ trở thành kỹ năng.

Hồi vào ĐH, tôi chỉ được xếp vào nhóm trung bình nên bản thân tôi nhận thấy rằng mình phải nỗ lực rất lớn để đuổi kịp nhóm hàng đầu. Vì thế, tôi đã tận dụng mọi cơ hội để sử dụng tiếng Anh.

Thành phố tôi sinh sống thu hút rất nhiều khách du lịch đến từ Anh và Mỹ nên cuối tuần tôi thường tới các điểm du lịch để trò chuyện với họ. Cũng có những lúc bị "quê" hoặc thất vọng vì người ta từ chối không nói chuyện nhưng vẫn phải kiên trì.

Tôi cũng cố gắng học thuộc lòng rất nhiều truyện ngắn và thơ rồi ra vườn hoa tự đọc to các tác phẩm đó lên, một mặt để nâng cao sự tự tin, mặt khác để tích lũy vốn từ và ngữ pháp để tôi có thể dùng trong những tình huống giao tiếp thích hợp.

Thứ hai là người học cần thu nạp nhiều thông tin từ việc đọc và nghe trước khi nói và viết.

SV Việt Nam và Trung Quốc đều rất yếu trong nói (speaking) và viết (writing) bởi vì họ chẳng có gì để nói cả hoặc ngay cả khi có ý tưởng trong đầu thì cũng không biết phải diễn đạt như thế nào. Vì thế, họ phải đọc, đọc rất nhiều.

Người học có thể cùng đọc và cùng nghe với nhau rồi thảo luận về nội dung đó, như vậy họ sẽ có cái để chia sẻ cùng nhau.

Nếu không "nạp" các yếu tố đầu vào, SV sẽ chỉ nói được những câu đơn giản như "Hello! How are you? Where are you from?" mà không thể thảo luận các vấn đề chuyên sâu như chính trị hay lịch sử.

Bản thân tôi cho rằng người học không nên ngại ngùng khi mắc lỗi bởi vì việc sử dụng tiếng Anh không hoàn hảo là một lẽ tự nhiên. Họ nên coi những lời góp ý, sửa lỗi là động lực để tiếp tục rèn luyện.

Học qua niềm đam mê

Khi người học đã vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu và đạt tới cấp độ cao hơn, họ nên tập trung vào việc học tiếng Anh thông qua sở thích hoặc niềm đam mê của mình.

Chẳng hạn, nếu bạn là 1 SV chuyên ngành báo chí, bạn nên tìm đọc các bài báo tiếng Anh để học tập văn phong của họ, học cách các nhà báo bản ngữ tiến hành phỏng vấn. Như vậy, người học sẽ coi tiếng Anh như một công cụ hữu hiệu chứ không chỉ đơn thuần là một môn học ở trường.

Một điều lưu ý nữa là người học nên nhận thức được rằng viết (writing) là kỹ năng khó nhất khi học tiếng Anh. Có sự khác biệt rất lớn giữa lối hành văn trong tiếng Việt và trong tiếng Anh.

Tuy nhiên, người học lại thường chỉ chăm chăm đọc tài liệu tiếng Anh để lấy thông tin chứ không phải để học cách diễn đạt, thuật hùng biện. Vì thế, họ nên thay đổi chiến thuật đọc, không chỉ đọc để thư giãn, để tìm kiếm thống tin mà đọc để học cách viết một bài viết hay.

Hôm nay tôi không biết cách diễn đạt ý tưởng của mình nhưng hôm sau đọc được một đoạn văn trùng với điều mình muốn thể hiện, tôi tự nhủ rằng: "Ồ! Đây là cách rất tốt để thể hiện ý tưởng này!" và lần sau tôi sẽ áp dụng.

Mỗi người học nên có sổ tay hoặc sổ điện tử để ghi lại những cách diễn đạt hay từ vựng từ những bài viết mà họ đọc được. Nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đôi khi chúng ta có vài ba phút nghỉ ngơi. Đó là thời điểm thích hợp để lôi sổ tay ra xem lại và học chớp nhoáng. Việc này tốt hơn nhiều so với chờ đợi cả tiếng đồng hồ mà chẳng làm gì.

Tôi gọi những người này là "người học có ý thức" (conscious learner), những người biết nhận ra các điểm hạn chế của mình, biết tận dụng các lợi thế và không ngừng rèn luyện.

Dạy đúng, học đúng từ nhỏ

Tôi cũng nghe các SV và giảng viên ngoại ngữ Việt Nam chia sẻ rằng rất khó để nói tiếng Anh với phát âm và ngữ điệu chuẩn. Họ thường nói tiếng Anh với giọng Việt khá nặng.

Chính phủ nên tập trung vào những bậc học thấp để đảm bảo rằng các em HS nhỏ tuổi khi mới bắt đầu học tiếng Anh đã được học đúng cách. Nếu không, sẽ là thảm họa bởi khi lên tới ĐH, các em sẽ bị "mắc kẹt" trong cách phát âm sai lệch đó.

Muốn các em thành thạo tiếng Anh khi vào ĐH nhưng nếu không đảm bảo chất lượng đào tạo từ các bậc nhỏ đồng nghĩa với việc chúng ta đã làm cho HS nhầm lẫn từ bé. Các em phải dành nhiều thời gian học tiếng Anh từ nhỏ nhưng rồi sau đó lại phải tiếp tục tốn nhiều thời gian để học lại.

Bên cạnh đó, nếu HS nhỏ tuổi phải dành 5 đến 6 tiếng mỗi tuần để học tiếng Anh tức là các em sẽ mất từng đấy thời gian của việc học tiếng mẹ đẻ. Và hậu quả sẽ khó lường bởi vì học ngoại ngữ luôn luôn phải được xây dựng dựa trên khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn nữa để đào tạo giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học chứ đừng quá chú trọng vào bậc ĐH.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, điều kiện học tập tốt hơn nhiều so với các vùng nông thôn. Vì thế, cần cân nhắc chính sách phù hợp với các vùng miền khi đưa chương trình giảng dạy tiếng Anh từ bậc học thấp. Liệu có đáng để "hy sinh" vài giờ học tiếng mẹ đẻ mỗi tuần để học tiếng Anh từ nhỏ không?

Ngày nay, tiếng Anh đã không còn chỉ thuộc về nước Anh, Mỹ, Úc hay New Zealand nữa mà đã được chia sẻ bởi toàn thế giới. Nó đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu và chúng ta nên chấp nhận nhiều loại tiếng Anh khác nhau trong một thế giới đa văn hóa. 

                                                       Nguồn : Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét