Nói thẳng

Trong tình yêu, hôn nhân, thẳng thắn, trung thực là những nhân tố quan trọng để giữ gìn và vun đắp hạnh phúc. Chỉ có điều nói thẳng như thế nào để không gây phản cảm.


Ông bà ta xưa đã từng khuyên:

"Kim vàng ai nỡ uốn câu,
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời"

hoặc

"Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

Cũng vì nói thẳng, nhưng không biết cách, nên suýt chút nữa Thanh Ngân đã làm cho gia đình tan nát. Thanh Ngân và Sang có đến 4 năm tìm hiểu, rồi mới tiến tới hôn nhân. Vậy mà chỉ sau đám cưới một thời gian, họ đã có chuyện bất hòa. Là đàn ông, lại sống một mình, cộng với tính Sang cũng hơi luộm thuộm, nên nhà cửa không được ngăn nắp gọn gàng: áo quần thay ra bỏ mỗi nơi một cái, tàn thuốc lá bạ đâu vứt đó, ăn uống xong, ly, chén, bỏ lổn ngổn trên bàn.

Thời gian đầu, Thanh Ngân cắn răng chịu đựng, hễ Sang bày ra thì cô dọn, nhưng cái gì cũng có giới hạn. Sáng hôm ấy như thường lệ, Sang dắt xe ra trước, Ngân treo túi vào xe mình và chuẩn bị đi làm, cô phát hiện bộ quần áo dơ của Sang máng trên tay lái, nhìn xuống nền nhà tàn thuốc lá vứt tứ tung, cái tô ăn mì nằm chình ình trên bàn... Không chịu nổi, Ngân quyết định phải lập tức nói cho Sang biết những ấm ức trong lòng. Mặc dầu Sang đã lên xe và nổ máy, Ngân vẫn gọi giật lại: "Anh quay vào nhà ngay, em cần nói chuyện". Vẫn ngồi trên xe, Sang nói với: "Có gì để đến chiều, sáng nay anh rất bận". Ngân nổi cáu: "Nếu anh không vào, tôi sẽ đi khỏi nhà". Sang đành quay vào nhưng với một bộ mặt lạnh lùng, cau có. Thế là Ngân bắt đầu nói, nói như chưa bao giờ được nói, Ngân kể ra các tật xấu của Sang và cuối cùng cô kết luận: "Tôi quá thất vọng về anh, anh thật vô tích sự, nếu biết trước anh sống bê bối như thế này tôi đã không kết hôn với anh. Cứ tưởng lấy chồng sẽ hạnh phúc, nào ngờ thân tôi như một con ở. Miệng anh nói rất yêu thương, cưng chiều tôi, nhưng thực tế anh chỉ bày việc ra cho tôi làm. Tôi thật mỏi mệt lắm rồi". Quá bất ngờ trước thái độ và lời nói thẳng thắn nhưng cay nghiệt của vợ, Sang đứng như trời trồng, một lúc sau anh lặng lẽ bỏ đi...

Vốn là người biết cầu thị và độ lượng, nên sau khi cơn giận nguôi ngoai, anh đã chủ động làm hòa với vợ... Giông tố qua đi, Ngân cũng nhận ra một điều, giá như hôm ấy mình bình tĩnh hơn, chờ đến chiều Sang đi làm về, rồi bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, tế nhị, chân tình góp ý cho anh thì đâu đến nỗi... Người nói và người được nghe đều có thiện chí, có sự hợp tác nên từ đó gia đình họ êm thắm, thuận hòa hơn.

Để việc nói thẳng có hiệu quả, về phía người nghe phải thấy: Tuy những lời nói thẳng làm ta khó chịu, chạm đến lòng tự ái, nhưng nó giúp ta nhìn rõ hơn bản thân để tự điều chỉnh và hoàn thiện.

Khổng Tử đã từng nói "Trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành", nghĩa là lời nói thẳng thường khó nghe, nhưng có lợi cho hành động. Hay như sách Gia ngữ cũng viết: "Thuốc hay đắng miệng đã được tật. Nói thật trái tai nhưng rất lợi cho việc làm".

Về phía người nói cũng phải xác định rõ mục tiêu, nói vì lẽ gì: vì xây dựng hay vì thỏa nỗi ấm ức, bởi lẽ vì cái tốt, vì tinh thần xây dựng thì việc nói thẳng mới có hiệu quả. Mặt khác cũng phải hiểu được tâm lý con người là hay tự ái; thích khen ngợi, sợ chê bai; thích ngọt ngào, hay sĩ diện... Bởi vậy người nói phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng việc.

Sách Luận ngữ khẳng định: "Lúc đáng nói mới nói thì người nghe không chán". Lời nói mà giản dị, vừa phải thì ta ít khi hối hận, mà người nghe ít khi oán hận. Trên hết vẫn là cái tâm và cái tình. Nếu xuất phát từ cái tâm trong sáng, cái tình chân thật thì lời nói thẳng sẽ vô cùng hiệu quả.

Dân tộc ta vốn trọng tình, nên ngôn từ rất giàu chất biểu cảm, sinh động và linh hoạt, đây là một lợi thế giúp chúng ta dễ thành công khi có việc cần nói thẳng.

                                          (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét