Chắt chiu hạnh phúc

Bà cụ đang say sưa theo dõi vở cải lương thì đứa cháu nội đi chơi về dựng xe máy chạy vào nhà, bỏ chiếc đĩa DVD vào đầu máy, nó liến thoắng: “Úi giời! Thời buổi văn minh, hiện đại ai còn nghe thứ hát hò ê a, não nề, cổ hủ này.


Bà lên gác ngủ đi cho khỏe để cháu xem album mới phát hành của Đan Trường – giọng ca mà cháu hâm mộ. Cháu nghe báo chí quảng cáo rầm rộ là toàn những ca khúc độc quyền, bối cảnh quay ở nước ngoài rất quy mô, hoành tráng, lại có sự phụ họa của các diễn viên múa hàng đầu Trung Quốc nên chi phí lên tới hàng tỉ đồng…”.

Đang đoạn cao trào hồi hộp, xúc động, bà cụ không muốn bỏ dở nên điềm đạm nói với cháu: “Chỉ còn khoảng 15 phút nữa buổi công diễn kết thúc. Cháu để cho bà xem nốt rồi hãy mở đĩa”.

Đứa cháu chép miệng, lắc đầu xua tay: “Không được, cháu phải xem ngay lát nữa còn cho thằng bạn cùng lớp mượn. Nó vừa gọi điện hỏi rồi”

Bà cụ kiên trì tìm cách thuyết phục nhưng thằng cháu vẫn ương bướng, ngang ngạnh, không chịu nghe theo. Thậm chí nó còn gân cổ ất cả tiếng của bà…

Mai từ trên tầng hai đi xuống nhăn mặt khó chịu gắt lên: “Tình trạng này có khi phải mua thêm một chiếc ti vi nữa mới đủ phục vụ nhu cầu của mọi người. Cháu nó đã 16 tuổi nhưng tính vẫn còn trẻ con lắm, thích cái gì là phải làm ngay bằng được. Tại sao mẹ không nhường nhịn và cứ cố chấp với nó cho ầm nhà ầm cửa lên?”.

Được Mai bệnh vực, cậu con trai đắc ý vặn volume to hơn rồi lắc lư, nhún nhảy theo điệu nhạc sôi động trên màn ảnh. Bà cụ thở dài bỏ về phòng nằm…

Chưa chịu dừng lại, Mai tiếp tục cằn nhằn: “Đi làm cả ngày căng thẳng, mệt mỏi, tối về nhà mong được nghỉ ngơi thoải mái mà cũng không được. Ai cũng muốn làm vương làm tướng chứ chẳng ai chịu kém cạnh. Bán quách cái ti vi đi cho rảnh nợ…”

Chứng kiến cảnh hành xử của Mai, Đức vô cùng thất vọng. Vì muốn giữ hòa khí gia đình nên Đức cố kiềm chế cơn nóng giận, bất bình. Lựa lúc hai vợ chồng về phòng riêng, Đức tế nhị góp ý với Mai: “Mỗi lời nói và việc làm của chúng ta chính là tấm gương để con cái nhìn vào. Anh không đồng ý với kiểu cư xử thô lỗ của em lúc tối mặc dù rất thông cảm vì thời gian gần đây công việc ở cơ quan bận bịu, em phải mang sổ sách về nhà hoàn thành vào buổi tối nên đầu óc không được thoải mái. Nhưng em không chỉ làm mẹ tổn thương mà còn nuông chiều con thái quá khiến nó được đằng chân lân đằng đầu, hàng xóm láng giềng thấy nhà mình lời qua tiếng lại sẽ đàm tiếu, dị nghị. Đành rằng sống chung một nhà song bà và cháu ở hai thế hệ nên nếp sống, quan điểm, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật có phần khác khau, thậm chí đối lập nhau. Vợ chồng mình phải có trách nhiệm dung hòa các tính cách thì gia đình mới êm ấm, hòa thuận. Lẽ ra em nên nhẹ nhàng phân tích, giảng giải cho con hiểu rằng vở cải lương chỉ phát sóng trực tiếp trên ti vi có một lần phải để cho bà xem, còn đĩa DVD có thể mở lúc nào cũng được, hoặc cho phép con sang nhà bạn nó xem cùng. Vả lại, phận làm con làm cháu phải kính trọng, lễ phép, có hiếu với ông bà chứ không được nói năng hỗn xược… Thỉnh thoảng em phải nhắc nhở con rằng nó khôn lớn, khỏe mạnh như ngày nay là nhờ sự chăm bẵm, bế bồng của bà nội nên bây giờ phải quan tâm tới bà, đừng làm gì khiến bà phiền lòng. Bà già yếu rồi chẳng còn sống được bao lâu nữa”.

Lúc đầu Mau vùng vằng giận dỗi cho rằng chồng bênh vực mẹ. Nhưng rồi, những lời nhắc nhở thấu tình đạt lý của Đức đã dần giúp Mai nhận ra sơ suất của bản thân.

Đúng là Mai đã cư xử không khéo léo, tế nhị làm mẹ chồng phật ý và tác động xấu tới nhận thức của cậu con trai đang ở độ tuổi mới lớn. Mai thầm nhủ sẽ chú ý, rút kinh nghiệm để mối quan hệ trong gia đình luôn khăng khít, bền chặt. Bởi vì, hạnh phúc không phải cái gì đó quá to tát, xa vời mà là sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương chân thành giữa các thành viên…   


          Tuấn Nguyên (Báo Phụ N VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét