Chọn ngành học theo sở thích (2)

“Nên chú ý khả năng và sở thích của mình khi chọn ngành học” có vẻ là lời khuyên hướng nghiệp “nhàm chán”. Nhưng vì sao bạn thích ngành đó hoặc làm thế nào để tìm đúng ngành học theo sở thích thật sự của mình và chọn được trường vừa sức với khả năng để có hướng đi phù hợp ngay sau tốt nghiệp THPT không phải là chuyện dễ đối với rất nhiều học sinh.






“Cảm thấy thích” những ngành nghề “có giá”, lương cao và thích chỉ huy, thích làm quản lý… thì hẳn nhiên rồi, không cần phải tìm hiểu. Nhưng nhiều bạn không biết học ngành đó ra trường làm gì. Vậy làm sao biết ngành nào hợp với mình? Mình thích ngành nào, cứ mạnh dạn ghi ra và phải tìm hiểu thông tin ngành mình quan tâm qua báo chí, các phương tiện truyền thông…

Tìm những ngành học phù hợp với sở thích 
  

Khám phá sở thích ở đây, nghĩa là bạn tự trả lời về những công việc thích làm, những công việc có thể làm tốt, những nghề nghiệp mà bạn quan tâm, những kỹ năng cá nhân (năng khiếu của bạn) mà bạn thích, thiên về ngành gì: máy móc (kỹ thuật chế tạo – sửa chửa), nghiên cứu khoa học, mỹ thuật, giảng dạy, kinh doanh, hành chính, hoạt động xã hội vv… (Có nhiều phương pháp để phát hiện sở thích, kỹ năng, tính cách, năng khiếu... của từng cá nhân, như trắc nghiệm tự khám phá sở thích nghề nghiệp, trắc nghiệm về màu sắc... tùy trường hợp mà người sử dụng chọn phương pháp phù hợp nhất).

Nếu chọn được ngành học phù hợp, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, đầu tư nhiều hơn cho ngành đã chọn, sẽ gắn bó lâu dài với nghề và ít bị áp lực trong quá trình học tập cũng như làm việc sau này và hẳn nhiên là cơ hội thành công trong nghề nghiệp sẽ nhiều hơn.

Hãy bắt đầu từ tìm hiểu về nghề nghiệp, cơ hội, thách thức cũng như yêu cầu của từng vị trí nghề nghiệp, từ đó xác định mình thích nghề nào, tính cách, giá trị và kỹ năng của mình có phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đó hay không. Đồng thời tìm xem để làm nghề đó nên học ngành nào và ngành đó có ở những trường nào, điều kiện tuyển sinh ra sao.

Các bạn nên ghi lại những việc làm mà mình quan tâm nhất, với các thông tin như yêu cầu của vị trí việc làm đó, yêu cầu về ngành học, trình độ đào tạo. Tiếp đó, tiếp cận thông tin tuyển dụng về các vị trí việc làm, yêu cầu của nhà tuyển dụng qua các phương tiện truyền thông (sách, báo, phim, trang web tuyển dụng, việc làm online...), các bạn có thể tham khảo thêm xu hướng phát triển kinh tế, nhu cầu của xã hội, nhu cầu nguồn nhân lực trên website của địa phương để có sự lựa chọn tốt nhất.

Để chọn ngành, chọn trường, các bạn nên đặt mục tiêu rõ ràng, có đam mê, sở thích, và có khả năng thực hiện. Vì thế, ngành học nào “có giá” nhất? - Kinh tế, kỹ thuật hay xã hội…? Câu trả lời là lĩnh vực nào cũng có thể mang đến cho bạn thành công, vấn đề là bạn phải thích, quan tâm dành thời gian và trang bị cho mình đủ khả năng để theo mục tiêu đó. Thay vì chỉ mong muốn có sự thành công và chờ may mắn, bạn hãy có quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu của mình. Đây chính là sự khác biệt, bản thân chúng ta thành công nếu biết biến khó khăn thành cơ hội và cố gắng hết mình.
Chúc bạn đạt kết quả tốt cho kỳ tuyển sinh năm nay.  

Gia Nghi  (Hieuhoc.com) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét