Phải thành thục các dạng bài tập với môn toán, hóa; lưu ý đến chi tiết các tác phẩm với môn văn; tích lũy dần kiến thức với môn tiếng Anh và phải hiểu bài để làm bài tập với môn sinh; biết đọc Atlat Việt Nam để có thể ăn điểm môn địa lý.
Mỗi môn học đều có đặc thù mà học sinh cần có phương pháp, cách học phù hợp để có thể tự tin dự thi tốt nghiệp THPT.
Môn văn: Nhớ cả chi tiết tác phẩm để vận dụng
Theo cô Nguyễn Thanh Hằng, Tổ trưởng tổ văn, Trường THPT Marie Curie
(TP.HCM), đề thi môn văn chỉ có 3 phần: phần kiểm tra kiến thức, bài văn
nghị luận xã hội và bài văn nghị luận văn học.
Trong đó, phần kiểm tra kiến thức thí sinh lưu ý ngoài học kiến thức
cơ bản về tác giả, tác phẩm thì phải nhớ chi tiết của tác phẩm. Vì 3 năm
gầy đây, phần câu hỏi này thường đòi hỏi thí sinh vận dụng kiến thức
qua một chi tiết nào đó trong tác phẩm. Điều này có nghĩa là học sinh
phải đọc kỹ tác phẩm, hiểu tác phẩm để nêu được ý nghĩa.
Đối với bài văn nghị luận xã hội, học sinh cần hướng đến các đề tài
xã hội đang được quan tâm. Các em phải chịu khó quan sát, đọc sách báo
để có kiến thức về xã hội. Bài văn nghị luận xã hội đòi hỏi học sinh có
kỹ năng làm bài 2 dạng: hiện tượng xã hội và tư tưởng đạo lý.
Dạng hiện tượng xã hội đòi hỏi các em nêu được biểu hiện của hiện
tượng, nguyên nhân tạo nên hiện tượng, so sánh, đối chiếu, bình luận và
nêu dẫn chứng, khẳng định lại mặt đúng, sai của hiện tượng.
Dạng tư tưởng đạo lý lại đòi hỏi các em giải thích các khái niệm cần
thiết, nêu biểu hiện, bình luận, phản đề và đưa ra minh chứng.
Thế nhưng, nhiều học sinh khi thi lại nêu cảm nghĩ với 2 dạng bài này nên bị mất điểm.
Với bài văn nghị luận văn học, chỉ có 2 dạng các em lưu ý là phân tích thơ và văn xuôi.
Đối với thơ, học sinh thường quên phân tích yếu tố nghệ thuật mà chỉ
phân tích yếu tố nội dung. Trong khi, nghệ thuật là yếu tố làm bài văn
nổi bật.
Với văn xuôi, học sinh lại phải nắm kỹ dạng phân tích nhân vật và
phân tích nhận định. Đối với phân tích nhân vật, có hai dạng phân tích
tính cách nhân vật và phân tích tâm trạng nhân vật. Với dạng phân tích
tâm trạng nhân vật, các em phải bám sát văn bản để phân tích. Ở dạng
nghị luận văn học, học sinh thường mắc lỗi là kể lể thay vì phân tích.
Môn toán: Rèn các dạng toán cơ bản
Theo cô Lê Thị Yến, giáo viên toán, Trường THPT Tân Bình (TP.HCM), để
ôn tập tốt môn toán, học sinh nên ghi lại các phương pháp giải toán
được dạy ở trường sau đó thống kê lại và tự làm ở nhà. Năm nào cũng vậy,
nội dung ôn tập môn toán xoay quanh về tích phân, các bài toán ứng dụng
tích phân, số phức, phương trình, bất phương trình mũ logarit, các bài
toán hình học không gian và phương pháp tọa độ trong không gian,…
Với học sinh trung bình, yếu, để làm tốt các bài tập, không có cách
nào khác là các em phải làm nhiều bài tập, nhớ các dạng bài tập, nắm
chắc phương pháp giải bài tập để khi gặp là làm ngay, không mất nhiều
thời gian. Mỗi ngày, học sinh chỉ cần bỏ ra 10 phút nhờ bạn bè dò bài đã
có thể nhớ được tốt hơn các dạng bài tập.
Môn hóa: Làm sườn bài, vẽ sơ đồ để không nhầm lẫn
Theo thầy Trương Công Luận, giáo viên môn hóa Trường THPT Nguyễn
Thượng Hiền (TP.HCM), với phần lý thuyết đều nằm trong SKG, thí sinh chủ
yếu lưu ý đến phần bài tập.
Thí sinh phải ôn thi từ sớm để nắm chắc kiến thức thay vì ôn thi vào giờ chót - Ảnh: Hoàng Quyên
|
Để không nhầm lẫn giữa các chất và các phản ứng, học sinh nên làm
sườn bài hoặc vẽ sơ đồ sẽ dễ nhớ và khó nhầm lẫn hơn. Riêng với các
phương trình phản ứng, các em nên chú ý đến các hệ số khi học. Lúc thi,
các em sẽ thấy hệ số quen thuộc và điền vào để làm giải bài tập nhanh
hơn.
Với đề thi tốt nghiệp THPT, các bài tập chỉ đòi hỏi học sinh giải qua 1 - 2 bước nên các em không cần phải lo lắng.
Môn sinh: Nắm chắc lý thuyết mới làm được bài tập
Theo cô Phan Thanh Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền,
cấu trúc đề thi môn sinh đều nêu rõ các nội dung chi tiết học sinh cần
học. Với những em không có khả năng học kỹ hết tất cả các bài thì nên
đặt trọng tâm vào một số nội dung đề thi các năm ra với số điểm cao hơn
các câu khác. Một số nội dung như về cơ sở vật chất của sự di truyền,
sinh thái, tiến hóa là 3 chương học sinh cần học kỹ nhất.
Đặc biệt, học sinh nhất thiết phải hiểu lý thuyết mới có thể vận dụng làm bài tập được.
Môn tiếng Anh: Buộc phải học tích lũy từ đầu
Theo thầy Huỳnh Đông Hải, Tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn
Thượng Hiền, nội dung ôn tập môn tiếng Anh vẫn bám sát chương trình lớp
12, theo cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT.
Với đặc thù của môn này, các em phải chú ý chia đều thời gian học và
ôn dần dần. Đã là môn đòi hỏi quá trình nên học sinh nếu để bây giờ hoặc
gần ngày thi mới học chắc chắn sẽ thất bại.
Ở lớp, mỗi giáo viên đều tùy thuộc vào trình độ từng học sinh mà có phương pháp ôn tập phù hợp.
Môn địa lý: Rèn kỹ năng khai thác Atlat
Theo cô Đỗ Thị Hoài, Tổ trưởng tổ địa lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng
Phong (TP.HCM), khi thi môn địa lý yêu cầu 2 nội dung về kiến thức và kỹ
năng.
Với phần kiến thức, học sinh ôn tập trong chương trình lớp 12, nắm
chắc nội dung cơ bản, trọng tâm của từng bài. Để nhớ và hiểu hơn từng
bài học thì học sinh nên quan sát trong Atlat địa lý Việt Nam.
Phần kỹ năng yêu cầu học sinh biết cách khai thác kiến thức từ Atlat
và vẽ biểu đồ, nhận xét biểu đồ. Với phần kỹ năng liên quan đến biểu đồ,
học sinh chỉ cần nhận biết được các dạng biểu đồ là đã có thể làm bài
tốt. Riêng phần đọc Atlat, trong khi học đến bài nào, học sinh quan sát
trong Atlat liên quan đến bài đó. Cách này vừa giúp học sinh nhớ bài
tốt, vừa biết cách đọc Atlat. Em nào có khả năng đọc Atlat tốt đều có
thể đạt điểm cao.
Với môn địa lý đòi hỏi học sinh tư duy, tổng hợp, phân tích nên các
em phải hiểu rõ vấn đề và nhất định không được học thuộc lòng.
Có những lỗi phổ biến khi đi thi là nhiều em khi đi thi nhầm lẫn yêu
cầu của đề khi yêu cầu phân tích khả năng, điều kiện phát triển thì lại
phân tích về hiện trạng phát triển và ngược lại. Khi đọc Atlat lại không
quan sát kỹ, không đọc kỹ chú thích,…
Hoàng Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét