Vượt qua nổi buồn

Gõ vào công cụ tìm kiếm trên mạng cụm từ “tôi buồn quá”, “tôi chán quá”, ngay lập tức màn ảnh vi tính hiển thị tổng cộng hơn 100.000 kết quả.



Có rất nhiều lý do khiến người ta buồn, chán. Trên mạng, những câu chuyện thế này xuất hiện nhan nhản: “Tôi chán chồng, anh ấy thật quá đáng!”; “Chán quá! Yêu sao lại khổ?”; “Tôi thất nghiệp, buồn quá!”; ....

Những người “họ U, tên Sầu”

Từng tham vấn tâm lý cho nhiều ca trong lứa tuổi thanh thiếu niên, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý giáo dục trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận xét: có hai kiểu tâm lý tiêu cực thường gặp đối với những người “họ U, tên Sầu”.

- Dạng thứ nhất, khi gặp những sự cố và “đủ loại thất” (thất tình, thất bại, thất nghiệp...), họ không thể tự quản lý được bản thân.

- Dạng thứ hai là những người “đi lang thang” trong đời vì sống không định hướng, không mục đích. Với họ, cuộc sống thật nhàm chán, vô vị vì mọi thứ đã an bài, đủ đầy dưới bàn tay sắp đặt của gia đình và người khác. Chính vì vậy, có những người thích săn tìm thú vui, kể cả bằng những trò quái dị như lạy gấu bông, rạch tay rạch chân, quấy phá người khác...

Nỗi niềm không của riêng ai

Là chuyên viên tư vấn đối với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khách hàng, bà Nguyễn Thị Thương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ly hôn và gia đình (FDC) thẳng thắn tâm sự: “Đừng tưởng người già và từng trải là không có lúc buồn, cô đơn. Bản thân tôi cả đời phấn đấu, từng đi nước này nước nọ nhưng khi về hưu cũng cảm thấy mình như người thừa, con đi làm, cháu đi học, khoảng cách thế hệ khó dung hòa sở thích, rồi một số bệnh thi nhau ập tới... nên không khỏi chống chếnh trong lòng”. Tuy nhiên, bà Thương khẳng định chuyện gì cũng có giải pháp tháo gỡ: “Trong tình cảnh đó, nếu cứ xem mình là nhân vật trung tâm thì rất dễ dằn vặt, trách móc đủ điều và rước buồn, khổ vào thân. Tôi đã khắc phục bằng cách đặt mình vào vị trí người con, người cháu để hiểu họ hơn. Đó là lối ứng xử không chỉ cần thiết trong gia đình mà cả ngoài xã hội. Tôi rất thích câu ngạn ngữ: "Hãy xỏ chân vào đôi giày của người khác!”.

“Anh Bin - Thùng rác” là tên gọi thân mật mà những bạn trẻ trong nhóm Xe đạp địa hình - ICB Recycle dành cho anh Nguyễn Hữu Chí Hiếu (28 tuổi, tỉnh Lâm Đồng). Hiếu cho biết, anh từng trải qua những nỗi buồn đau, bế tắc tưởng không thể nào vượt qua được khi cha anh mất, gia đình phá sản. Lúc đó Hiếu đang học lớp 9 và phải bỏ ngang để đi làm thuê. Nhiều lần Hiếu than thân trách phận cho “cái số đen bạc” của mình. Cho đến một ngày, Hiếu gặp tai nạn ở Di Linh - Lâm Đồng: “Khoảnh khắc chiếc xe bay hẫng trên không, tôi thấy thời quá khứ với cha mẹ đủ đầy hiện ra rất nhanh. Rồi xe rơi xuống, kiếng bể ghim đầy mặt tôi. Cận kề cái chết, tôi bỗng nhận ra sự sống là quý giá nhất! Và tôi thay đổi suy nghĩ từ đó”. Bất chấp khó khăn, Hiếu đã nối lại việc học của mình. Mấy năm nay, anh làm nghề thiết kế - xăm mình nghệ thuật tại TP.HCM đồng thời là chỗ dựa tinh thần của nhóm ICB Recycle.

“Thay máu” cảm xúc

1. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu phân tích: "Buồn chán đều là cảm xúc. Do đó, cần phải có những cách “thay máu” cảm xúc.

- Cách thứ nhất, phải “thay máu” hành động vì tham gia những hành động tích cực sẽ tạo nên cảm xúc tích cực.

- Cách thứ hai là “thay máu” tư duy, tức thay cặp kính nhìn đời màu xám bằng màu trắng hoặc màu hồng để có suy nghĩ tích cực hơn."

2. “Anh Bin - Thùng rác” thì  khuyên: “Khi bạn bị thất tình chẳng hạn, đừng cho rằng chia tay là hết mà nên nghĩ đó là kinh nghiệm để sau này biết yêu hơn, tìm người tương thích hơn hay ít ra là sẽ có cái nhìn lạc quan để vui sống. Cuộc đời đâu có bao lâu mà hửng hờ”.

3. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng tại TP.HCM cho rằng, điều quan trọng trước hết là phải nhận diện được nỗi buồn, từ đó có những hành động để thoát khỏi sự vây bủa của nó.

Theo chị Mỹ Linh, có những người chỉ kỳ vọng vào những ảo ảnh, cao xa phía trước nên đã tuột mất cơ hội tận hưởng cuộc sống bằng những niềm vui rõ ràng, cụ thể hằng ngày. Họ luôn gặm nhấm và thổi phồng tâm trạng, luôn phàn nàn về bất cứ điều gì, làm cái gì cũng thấy chán nản....

4. Bên cạnh những người “đi xuyên” qua nỗi buồn, cũng có những trường hợp chọn đường vòng để “né”

Những nhà tâm lý gọi đây là cách “chuyển di cảm xúc” - chuyển cảm xúc từ đối tượng này sang đối tượng khác. Lúc đó, người ta cố gắng dồn hết tâm sức vào công việc, học tập; có người lại tìm đến thế giới ảo, games...

Chuyên gia tư vấn lưu ý : Khi chuyển di cảm xúc, có những người đạt đến sự thăng hoa, thành công trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, có những trường hợp tưởng quên đi nỗi buồn nhưng không ngờ lại đánh mất mình lần nữa bởi dính vào những cái nghiện mới. Do đó, kỹ năng quản lý cảm xúc là cái nền quan trọng để tránh bị trượt dài trong cuộc sống.

Lời khuyên của Chuyên viên Nguyễn Thị Thương, để chế ngự nổi buồn

- Đừng giấu kín mà hãy mở lòng giao tiếp, chia sẻ với người khác. Nếu cứ sống trong dằn vặt, sẽ không giải quyết được gì, ngược lại càng dễ chết vì bệnh.

- Phải tự tin nghĩ rằng dù thế nào cũng có giải pháp. Quan trọng là biết lựa chọn giải pháp tối ưu so với hoàn cảnh, mục tiêu của mình.

- Làm từ thiện, tìm về giá trị sống tích cực. Đừng nghĩ rằng chỉ có những người đủ điều kiện vật chất mới giúp đỡ người khác. Chỉ cần một đóng góp nho nhỏ hay thậm chí chỉ là những lời thăm hỏi, chia sẻ cũng khiến cho cả hai bên đều thấy ấm lòng.

- Khả năng tự giải quyết của mỗi người là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, có thể tìm sự trợ giúp từ chuyên viên tâm lý, bác sĩ tâm lý hay y học khi cần bổ sung nguyên tố vi lượng cần thiết cho hoạt động tích cực, năng động. 


Như Lịch  (Thanh Niên Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét