Sống Không Làm Người Khác Buồn Khổ.


Để sống một cuộc sống có ý nghĩa, con người luôn phải phấn đấu học hỏi, trau dồi và sửa sai suốt cả cuộc đời. Sự nhận thức dần dần được hình thành từ những hình ảnh thấy người khác đau khổ, lo lắng, đau buồn và sợ hãi, hiểu được "ý nghĩa cuộc sống là mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người, lấy niềm vui và hạnh phúc đó làm niềm vui và hạnh phúc cho mình."

Từ đó mỗi người rút ra được những cách sống hay, đúc kết những kinh nghiệm sống hữu ích để trang bị cho hành trình của mình những bông hoa hạnh phúc tươi sáng. Vậy những kinh nghiệm và bài học nào đáng để chúng ta lưu ý học hỏi và ứng dụng vào đời sống thực tế. Xin mời các bạn cùng nghiên cứu.

  1. Sống luôn thương yêu và tha thứ, bỏ qua mọi lỗi lầm, không nói cái sai, cái lỗi, cái xấu trước mặt lẫn sau lưng của bất kỳ ai.
  2. Luôn giúp đỡ mọi người khi họ yêu cầu, nhờ vả hay mong đợi, không nên từ chối.
  3. Không nên làm cho người khác thất vọng. 
  4. Sống khiếm tốn, biết nhường nhịn không nên khoe sự tài giỏi của mình kẻo người khác ganh tỵ dẫn đến thù hận và hại nhau.
  5. Sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng để cho mọi người cùng vui. Dù ai nói xấu mình, chê bai, chỉ trích, nói cái sai của mình, nhận xét đúng sai phải trái như thế nào, mình đều im lặng không cãi lại, không biện minh, không tìm cách đối phó chống trả thì đó gọi là nhẫn nhục. Sau khi nhẫn nhục được thì tùy thuận theo ý kiến, lời nói và hạnh động của họ để làm cho họ vui. Giả sử họ chê bai chỉ trích, nói xấu nói cái sai của mình thì mình cứ cám ơn họ đã góp ý tốt, giúp mình phản tỉnh lại. Nếu thấy mình sai thì nên xin lỗi ngay để họ bớt giận. Sau khi tùy thuận được thì mình bằng lòng vui vẻ không bực tức giận dự thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.
  6. Biết tôn trọng quan niệm sống, cách nhìn của người khác, không bắt buộc hay không mong muốn người khác sống theo quan niệm sống của mình. Không nhận xét, đánh giá quan niệm sống hay cách nhìn của người khác.
  7. Sống cung kính và tôn trọng người, luôn lễ độ không dùng những lời nói thô tục, xưng hô mày, tao, nó, thằng, …
  8. Sống thành thật, chân thành, không dối gạt người.
  9. Không tham lam trộm cắp, lấy đồ của người không xin phép dù là vật nhỏ như cây kim hoặc là chỉ  cầm lên xem.Thấy đồ ai đánh rơi thì đem trả lại.
  10. Đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, mọi dân tộc màu da, nông thôn hay thành thị, nghèo hay giàu, sang hay hèn, đồng tôn giáo hay khác tôn giáo, có học thức hay thiếu học thức, chủ hay tớ, nam hay nữ…
  11. Không la mắng, nói lớn tiếng, quát mắng, phạt bất kỳ ai dù là trẻ con, người giúp việc hay người dưới quyền. Dù ai làm sai chỉ nên dùng lời nói ôn tồn nhã nhặn dịu dàng nhẹ nhàng để nói chuyện, khuyên bảo.
  12. Trước khi nói hay làm việc gì nên suy nghĩ trước lời nói đó, hành động đó có đem đến làm khổ mình và người hay không. Nếu có thì chớ nên nói và hành động.
  13. Giải quyết mọi vấn đề trước tiên phải tránh những cảm giác chủ quan, cảm tình hay thành kiến, phải đặt ở vị trí khách quan và công bằng. 
  14. Không nói những lời nói, câu chuyện làm cho người khác lo lắng, sợ hãi như chuyện ma, chuyện cướp của giết người, chuyện liên quan đến tiền bạc tài chánh eo hẹp, chuyện vỡ nợ, chuyện thất bại trong làm ăn, chuyện xích mích với người khác, chuyện tranh giành danh lợi trong xã hội, cơ quan hay tổ chức nào đó,... 
  15. Không nhát ma, hù dọa làm cho người khác giật mình sẽ dẫn đến các bệnh đau tim.
  16. Không nói những điều nghi ngờ xa gần.
  17. Không tài lanh dạy đời hay khuyên bảo người khác. Bất kỳ ai cũng có tự ái, do vậy hãy cẩn thận vì dạy đời khuyên bảo người khác sẽ làm cho lòng tự tôn của họ bị đụng chạm.
  18.  Không bình luận, nhận xét đúng sai phải trái về tôn giáo, chính trị của bất kỳ ai.
  19. Không để cho người khác lo lắng về bất kỳ chuyện gì trong gia đình. Đừng để ai nhắc làm việc gì đến lần thứ hai. Ví dụ: ai nhờ sửa ống nước, bàn ghế, dọn dẹp phòng thì nên làm ngay, hoặc khi mình thấy cần sửa hay dọn dẹp cái gì trong nhà là tự mình làm ngay, đừng nhờ vả ai, đừng ra lệnh cho ai, dù là mình có vai vế lớn trong gia đình.
  20. Khi bị bệnh đau không rên la, không lộ vẻ sợ hãi lo lắng. Càng rên la, sợ hãi lo lắng thì càng làm cho người xung quanh lo lắng thêm. Hãy nhắc tâm: "Tâm phải bất động trước mọi bệnh tật. Bệnh tật là vô thường, đến rồi đi, không việc gì phải lo lắng và sợ hãi cả."
  21. Đi đâu ra khỏi nhà cũng nên báo trước cho ai đó biết để mọi người không lo lắng cho mình, khi về trể cũng nên gọi điện về báo. Không nên đi về quá khuya, ra nhà quá sớm.
  22. Luôn giữ lời hứa, không hứa lèo.
  23. Không mượn tiền, xin tiền của bất kỳ ai.
  24. Sống chung thủy trước mặt lẫn sau lưng, không lăng nhăng bắt cá 2 tay. Sống không chung thủy sẽ phá hoại gia đình mình và gia đình người khác.
  25. Không nên phụ tình người khác, tình yêu làm cho con người mù quáng, khi bị phụ tình, nhiều người không sáng suốt có thiên hướng tự tử hoặc làm những chuyện bất thường. 
  26. Không nên trở thành kẻ thứ ba phá hoại tình cảm của hai người khác. 
  27. Không nên khen con gái trước mặt bạn gái mình, hoặc ngược lại. 
  28. Trước khi sinh con nên có kế hoạch hoặc suy nghĩ kỹ sẽ cho con mình hạnh phúc như thế nào.
  29. Sống chung với người buồn rầu, ủ rũ, tiêu cực suốt ngày sẽ làm cho người  khác chán ghét. Do vậy hãy luôn sống tích cực, vui vẻ, chấp nhận và sẵn sàng đối diện với hiện thực để vượt qua.
  30. Không nên bỏ rơi bạn bè lúc khó khăn.
  31. Giúp ai thì giúp đến cùng.
  32. Làm sai, có lỗi thì xin lỗi ngay và sửa sai.
  33. Không nên tự ý dời đồ của người khác hay cất đi chổ khác trừ khi đã hỏi trước.
  34. Không nên giết người, đánh người, chém, đâm hại người khác.
  35. Không nên bắt cóc, tống tiền,...
  36. Không nên rượu chè, hút chích nghiện ngập các chất kích thích. 
  37. Không nên chơi cờ bạc, cá độ, chơi đề, chơi cổ phiếu, mua vé số.
  38. Không nói những lời nói ly gián, chia rẻ bất kỳ ai.
  39. Không nên xuyên tạc, nói chuyện không có, hoặc chuyện có thì nói không.
  40. Không nên quát mắng, chê bai, chỉ trích ai. 
  41. Biết người khác không thích mình thì nên tránh mặt.
  42. Không nên lấy ai ra làm đề tài để nói chuyện cười đùa hay giểu cợt. Không nên cười trên sự đau khổ hay sự thất bại của người khác.
  43. Không nên quá quan tâm, quản lý hoặc kiểm tra người khác, vì họ sẽ cảm thấy mất tự do.  
  44. Khi nói chuyện không nên bắt bí người khác, dồn người khác vào ngã cụt.
  45. Luôn tôn trọng mọi quyết định của người khác, dù là họ đang dấu ta điều gì, không nên moi móc tìm hiểu. Mỗi người có nổi khổ riêng, có mối lo riêng, có đời sống riêng. Dù là vợ chồng, cũng nên tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi người, không nên lúc nào củng phải quản lý, nghi ngờ. Ngược lại phải luôn tin tưởng nhau tuyệt đối rằng người kia có lý do và nguyên nhân để làm những việc gì đó mà họ không muốn chia sẻ với ta.
  46. Tình yêu không phải là sự chiếm hữu hay ai là của ai. Mỗi người vẫn có cuộc sống riêng và sự tự do của mình. Không nên nghĩ rằng vợ là của mình, chồng là của mình. Hãy luôn tự do tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi người, tôn trọng sở thích riêng, lối sinh hoạt riêng, những chuyện thầm kính bí mật riêng của mỗi người.
  47. Không nên tìm cách trả thù xưa hoặc ghen tuông như tạt axit, rạch mặt,... 
  48. Chớ nên hiểu lầm tình bạn thành tình yêu, không phải ai đối xử tốt với mình là có ý tình cảm với mình đâu! Sự hiểu lầm có thể dẫn đến tình bạn xứt mẻ.
  49. Đối xử với con cái như là đối xử với bạn bè. Không nên la mắng đánh đập hay phạt con mà ngược lại luôn thương yêu và tha thứ cho con. Tôn trọng cuộc sống riêng của con. Dùng lời nói ôn tồn, nhã nhặn và dịu dàng nói chuyện với con, không nên quát hay lớn tiếng với con mình.
  50. Không nên sắp xếp, ép buộc hay áp đặt cuộc đời cho con mình, hãy luôn tôn trọng sở thích và quyền quyết định của con. Là cha mẹ chỉ nên gợi ý, còn quyết định theo hay không thì tùy theo ý của con cái. 
  51. Cha mẹ đối xử nhợt nhạt hoặc thường chê bai con rể hoặc con dâu sẽ làm cho tình cảm của vợ chồng con mình bị xứt mẽ. Cách đối xử của cha mẹ rất quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc của con cái mình.
  52. Cha mẹ không nên mê tín (xem tuổi vợ chồng,...) phá hoại hạnh phúc tương lai của con cái mình.
  53. Là con cái, nên hiếu thảo với cha mẹ. Khi giàu có chớ khinh thường cha mẹ nghèo. Dù cha mẹ có lỗi gì thì con cái không nên giận, chỉ có luôn mở rộng vòng tay ra thương yêu và tha thứ.
  54. Lái xe luôn cẩn thận, giữ gìn trật tự luật lệ an toàn giao thông.
  55. Ra hay vào nhà đều khóa cửa cẩn thận.
  56. Trước khi ngủ kiểm tra cửa nẻo có khóa chưa.
  57. Không nên kết bạn xấu. Không tham gia vào những băng đảng xã hội đen, không lui tới những nơi có những băng nhóm xã hội đen tụ tập như quán bar, dancing, quán nhậu, quán karaoke, caffee ôm, bia ôm, massage,...
  58. Khi thấy ai làm sai cái gì hay bị thất bại thì chớ nên đổ thêm dầu vào lửa, châm chích, mỉa mai, nói rằng họ không nghe lời mình khuyên,...Chỉ nên an ủi họ "Lấy cái sai, sự thất bại này làm bài học" hoặc "Biết đâu trong cái rủi có cái mai", hoặc "Đừng thất vọng, hãy bình tĩnh lại",...
  59. Nếu đã cho người khác mượn tiền thì phải tính trước khả năng người ấy không có tiền để trả hoặc trả chậm. Do vậy khi thấy họ trả chậm thì nên an ủi trấn an họ để họ yên tâm. Ví dụ như "Nếu bị kẹt tiền chưa có thì từ từ cũng được, tụi tôi vẫn chưa cần đến số tiền đó"
  60. Không nên kiện tụng ra tòa, cố gắng tự thu xếp ổn thỏa đôi bên.
  61. Không nên mướn xã hội đen đòi nợ dùm mình và cũng không nên dính đến xã hội đen.
  62. Nếu có hẹn thì nên đến sớm hơn hoặc đúng giờ.
  63. Nếu được hẹn, người khác đến trễ hơn thì không nên giận, vẫn vui vẻ và trả lời rằng mình có dư nhiều thời gian, được ngồi yên tĩnh một mình cũng là một cái thú, giúp đầu óc được nghỉ ngơi thanh thản.
  64. Đừng để người khác chờ đợi mình, nên thông báo cho mọi người biết trước để không ai phải chờ mình nếu mình bận.
  65. Dù ở hoàn cảnh nào cũng không nên làm cho người khác sân giận, lo lắng, buồn phiền và sợ hãi.
  66. Đừng tạo cơ hội cho người khác phạm pháp. Ví dụ như không nên để xe nơi công cộng mà không khóa, ra vào nhà không khóa cửa, đeo dây chuyền, bông tai, hoặc đồ trang sức quý giá ra ngoài đường,...
  67. Đừng làm điều gì trái ý người khác. 
  68. Khi nói chuyện nên nắm được ý của người khác muốn gì để không nói trái ý người.
  69. Không nên bác bỏ ý kiến, lời nói của người khác.
  70. Không nên nói lên quan điểm của mình khi biết quan điểm đó khác với ý của người khác.
  71. Không nhắc đến những quá khứ và chuyện đau buồn của người khác.
  72. Buôn bán không nên cân non, cắt xén, bán hàng không chất lượng, có độc tố hóa học hoặc hàng giả.
  73. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi công cộng, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn nhà cửa, nơi ngủ và nơi làm việc ngăn nắp.
  74. Không nên trốn học, bỏ học, kết bạn xấu để gia đình và người thân lo lắng. 
  75. Không nên sử dụng kiến thức, sự hiểu biết để phá hoại, ví dụ như những hackers cài virus vào mạng internet.
  76. Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử. Hãy mạnh dạn đối diện với thực tế và vượt qua. 
  77. Không tranh chấp tài sản tiền bạc thừa kế với bất kỳ ai (anh chị em,...). Sự tranh chấp chỉ làm cho mất tình cảm giữa những người trong gia đình, con người trở nên độc ác hơn và kẻ bị hại có khả năng không còn mạng để sống. Nếu mình được thừa kế nhiều hơn, thì cùng bàn thảo lại với người trong gia đình để chia đều lại, giúp cho mọi người cùng vui vẻ.
  78. Khi nghe ai đó nói chuyện về người thứ ba, không nên chỉ tin một chiều. Sự vội vã tin vào những gì người khác nhận xét hay đánh giá sẽ đem đến những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy nên tìm hiểu kỹ thêm từ nhiều ý kiến khách quan khác.
  79. Không nên có định kiến xấu về những người đã phạm tội, người đồng tính luyến ai bởi vì chính thành kiến đó có thể làm tổn thương đến họ. 
  80. Sự cư xử vô tình đối với người không thiện cảm, kẻ phạm tội, đôi khi sẽ gây cho họ tâm lý rằng họ bị cô lập với xung quanh. Từ đó sẽ nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy dù là ai, người tốt hay xấu, người có thiện cảm hay không thiện cảm, chúng ta hãy luôn tôn trọng họ. Đối xử bình đẳng, thương yêu, dịu dàng, quan tâm và luôn nhìn họ với ánh mắt đầy thiện cảm.
  81. Đừng bao giờ dồn người khác vào đường cùng. Ngược lại khi thấy ai rơi vào đường cùng thì nên ra tay giúp đỡ ngay.
  82. Không nên hấp tấp, vội vã, luôn từ tốn và bình tĩnh.
  83. Sống nên biết đủ, nghèo chớ tham giàu, chớ sài sang, tiêu xài hoang phí. 
  84. Không nên đổ oan cho người khác khi chưa có bằng chứng chứng minh.
  85. Không nên tranh công với người khác.
  86. Không nên mê tín, tin vào bói toán, tử vi, xem tướng; tin vào thần thánh, ma quỷ, thần linh, cầu cơ, cầu an, cầu siêu.
  87. v.v...
Tóm lại, còn rất nhiều bài học hay cần được góp ý và học hỏi. Đây chỉ là một khía cạnh về cách sống không làm khổ người khác. Còn những khía cạnh khác cũng không kém quan trọng đó là cách sống không làm khổ mình, không làm khổ muôn loài vạn vật có sự sống khác. Chỉ khi thỏa mãn 3 điều này thì cuộc sống mới được gọi là hoàn mỹ đạo đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét