Bé ở nhà, nhưng nhà lại là nơi nguy hiểm đối với bé dưới năm tuổi vì có
đủ: nước, lửa, điện… trong khi bé thì tò mò và hiếu động.
BS Đinh Tấn Phương - Khối Cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, một năm có từ một-hai ca bị điện giật nặng, và từ 10 - 20 ca nhẹ, chủ yếu là từ các vật dụng điện trong nhà, và có từ hai-năm ca chết đuối do úp mặt vào xô, chậu…
Cấp cứu điện giật
Khi thấy bé bị điện giật, điều phụ huynh cần làm đầu tiên là ngắt
nguồn điện và cách ly bé khỏi dòng điện. Sau đó, kiểm tra nếu bé bị
ngưng tim ngưng thở cần cấp cứu ngay bằng cách ấn tim ngoài lồng ngực và
hà hơi thổi ngạt…
Để đề phòng điện giật, các gia đình cần thiết kế hệ thống điện an toàn và ngoài tầm tay của bé. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý các nguyên nhân thường gặp khiến bé bị điện giật như: Dây điện nhấp nháy ở bàn thờ ông thần tài (để dưới đất) bị hở điện, vỏ dây điện bị nứt, hở…
Cấp cứu ngạt nước
Bé dưới ba tuổi vẫn có nguy cơ bị ngạt nước khi úp mặt vào chậu nước,
xô… Khi bé bị ngạt nước, không để bé lên vai xốc nước mà phải ấn tim
ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt nếu thấy ngưng tim ngưng thở.
Để đề phòng tai nạn nguy hiểm, cần loại bỏ các vật chứa nước khi trong nhà có trẻ em, đặc biệt lứa tuổi từ một đến ba.
Phỏng
Đây là tai nạn thường gặp ở trẻ em mà hầu hết nguyên nhân do sự bất
cẩn của người lớn. Có nhiều nguyên nhân: Nấu nồi cháo, nồi nước sâm… đặt
xuống đất, cũng có trường hợp để trên cao nhưng trẻ hiếu kỳ với coi;
cha mẹ đi làm về, bé chạy ra mừng rờ trúng bô xe khiến phỏng tay nặng
(ống bô nóng đến vài trăm độ C); pha nước tắm cho con lại đổ nước sôi
vào trước…
BS Lê Thiện Anh Tuấn - Hội Y học TP.HCM hướng dẫn: “Khi bị phỏng, nếu vết thương lớn chưa nổi bóng nước hoặc nổi bóng nước nhưng chưa vỡ, cần ngâm ngay vào chậu nước lạnh hoặc chườm nước đá. Đây là biện pháp đơn giản nhưng khá quan trọng trong sơ cứu phỏng ban đầu. Sau đó, đắp gạc vaseline để làm dịu và mềm vết thương (loại gạc này hạn sử dụng dài có thể mua để sẵn trong tủ thuốc gia đình). Đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất để băng bó và chuyển đến bệnh viện (nếu cần).
Phỏng là tai nạn thương tâm vì trẻ chịu nhiều đau đớn khi điều trị. Cơn đau này còn đeo bám dưới hình dạng những vết sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Song, lo ngại hơn, nếu là sẹo lồi sẽ ngứa ngáy, phình to, còn nếu là sẹo co rút sẽ hạn chế cử động…
Một sai lầm cần tránh là không dùng nước mắm, kem đánh răng để bôi vào vết phỏng, vì dễ bị nhiễm trùng vết thương.
Cấp cứu ngưng tim ngưng thở
Thời gian cấp cứu kịp thời lúc này rất quý, vì sau bốn
phút, não tổn thương không hồi phục. Vì thế, đầu tiên xác định nạn nhân
đã ngưng thở hay chưa bằng cách căn cứ vào sự di động của lồng ngực.
Nếu không còn di động là đã ngưng thở. Bắt mạch bẹn, hoặc nách hoặc cổ
nếu không có là ngưng tim.
Chỉ cần ngưng tim hoặc ngưng thở là tiến hành cấp cứu.
- Đặt bé nằm trên mặt phẳng.
- Ấn tim ngoài lồng ngực 15 lần, để gót bàn tay kia lên bàn tay này, đặt lên một điểm nằm giữa hai núm vú từ từ ấn sâu và mạnh, độ sâu 1/3 đến 1/2 chiều dài lồng ngực (trẻ sơ sinh dùng hai ngón tay cái hoặc ngón trỏ và ngón giữa).
- Hà hơi thổi ngạt: Một tay bịt mũi bé, một tay kéo hàm hít đầy hơi rồi thổi vào miệng, nhìn bụng thấy phồng lên là đúng. Để lồng ngực tự xẹp xuống rồi thổi tiếp hai hơi. Lặp lại liên tục 15 lần ấn tim/hai lần hà hơi đến khi bệnh nhân tự thở hoặc có xe cấp cứu.
BS Đinh Tấn Phương (BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) & BS Lê Thiện Anh Tuấn - Hội Y học TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét