Cách nhận biết trẻ tự kỷ

Tự kỷ là một dạng rối loạn thần kinh não, gây nên các vấn đề bất thường về nhận thức, giao tiếp và các hành vi cư xử của trẻ. 

Hiện chưa có phương thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng nếu được phát hiện sớm và có những can thiệp hữu dụng, bạn vẫn có thể giúp trẻ tự kỷ phát triển chức năng tốt hơn và cải thiện được cuộc sống của trẻ về sau.


Dưới đây là những cách nhận biết sớm dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ:

1. Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ được vài tháng tuổi và đi chập chững

- Đôi mắt không biểu lộ cảm xúc hoặc không nhìn thẳng khi tiếp xúc với những người xung quanh.

- Không cười khi những người xung quanh cười với bé.

- Không có hành động đáp trả khi được gọi tên hoặc khi nghe những âm thanh quen thuộc khác.

- Không làm theo những yêu cầu diễn ra xung quanh.

- Không có những cử chỉ thể hiện sự giao tiếp với môi trường xung quanh.

- Không tạo ra tiếng động để thu hút sự chú ý của bố mẹ hay của người khác.

- Không thích được âu yếm.

- Không bắt chước theo các hành động cũng như nét mặt mà người khác tạo ra.

- Không sẵn sàng dang rộng vòng tay để được bế.

- Không thích chơi với người khác cũng như chia sẽ các trò chơi mà bé yêu thích với người khác.

- Không cần đến sự giúp đỡ của người khác.

2. Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ lớn tuổi hơn

- Hay khó chịu và không nhận thức được những gì đang diễn ra ở xung quanh trẻ.

- Không biết cách làm quen, vui chơi cũng như hòa đồng cùng với người khác.

- Không thích được vuốt ve, ôm ấp hay người khác chạm vào trẻ.

- Không thích tham gia vào các trò chơi tập thể, không thich bắt chước người khác hay sử dụng đồ chơi theo cách sáng tạo.

- Gặp rắc rối về vấn đề hiểu biết và diễn đạt những cảm nghĩ của trẻ.

- Dường như tỏ vẻ không nghe thấy những gì mà người khác đang nói với trẻ.

- Không muốn chia sẻ các sở thích và đồ chơi yêu thích với những người khác.

3. Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ qua cách phát âm và diễn đạt ngôn ngữ một cách khó khăn

- Chậm trễ trong việc phát triển khả năng nói, diễn đạt lời nói với chất giọng đều đều mà không có sự chuyển giọng hay chuyển nhịp điệu, phản hồi trong giao tiếp chậm hoặc rất hạn chế.

- Lặp đi lặp lại nhiều lần một từ hay một câu nào đó.

- Trả lời câu hỏi bằng cách lập lại những câu hỏi ấy nhiều hơn là trả lời chúng.

- Sử dụng ngôn ngữ không chính xác (sai trật tự ngữ pháp hay từ ngữ).

- Khó khăn trong việc giao tiếp để nói lên những nhu cầu và mong muốn của trẻ.

- Không hiểu những lời hướng dẫn đơn giản hay những câu hỏi và câu nói bình thường nhất.

4. Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ qua giao tiếp phi ngôn ngữ

- Tránh nhìn thẳng vào mắt của người khác.

- Sử dụng điệu bộ của nét mặt không phù hợp với những gì trẻ đang nói.

- Không có bất cứ phản ứng nào đối với điệu bộ, nét mặt, giọng nói và hành động của người xung quanh.

- Có xu hướng nhìn chằm chằm vào một đối tượng yêu thích, hoặc chăm chú một phần của một đối tượng mà không thèm để ý tới những người xung quanh, kể cả có đứa các trẻ khác đứng bên cạnh.

- Nhạy cảm với tiếng ồn, âm thanh lớn và ghét ôm ấp hoặc bị chạm vào người.

- Dáng đi bất thường, vụng về và lập dị.

5. Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ qua các hành động thiếu linh hoạt

- Lặp đi lặp lại một động tác nào đó chẳng hạn như vỗ tay, xoay người…

- Khó khăn trong việc thích nghi theo các lịch trình sinh hoạt bị thay đổi.

- Sắp xếp các đồ vật theo những cách riêng, thường thể hiện sức phản kháng mạnh mẽ với những thay đổi các thói quen của trẻ, không thích thay đổi những “trật tự” riêng của mình.

NGUYỄN ĐÌNH (Theo helpguide.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét