Sống ở đời ai cũng muốn mình
được giàu sang, phú quý, nhưng không phải ai cũng hiểu được đầy đủ thế nào là
giàu, thế nào là sang. Bởi có nhiều người giàu mà không sang, nhưng có nhiều
người sang nhưng lại không giàu...
Giàu không phải chỉ có nhiều tiền của
Giàu về tiền bạc, của cải là cái giàu phổ biến nhất và dễ nhận thấy trong xã hội. Nhưng còn nhiều thứ giàu mà không phải ai cũng nhìn thấy được, đấy là giàu về trí tuệ, tâm hồn, giàu lòng nhân ái, lòng vị tha, giàu đức hy sinh, giàu tinh thần dũng cảm... Nếu một người nghèo về vật chất nhưng giàu nhiều thứ như vừa kể trên thì đã là vĩ nhân rồi.
Hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã bắt đầu giàu lên, nhiều gia đình đã có "bát ăn, bát để". Trong số vô vàn cách làm giàu, không ít người giàu do buôn gian bán lận, trốn thuế, tham nhũng, ăn chặn, lừa đảo chiếm đoạt của người khác. Lớp trẻ ngày nay đã có nhiều người "nôn nóng" làm giàu bằng mọi giá, bất chấp cả lương tâm, đạo đức : Buôn bán heroin, làm xi măng giả, phân bón giả, thậm chí cả thuốc chữa bệnh giả... Thế nên mới có câu : "Có rất nhiều phương tiện để làm giàu, nhưng rất ít phương tiện để làm nên sự lương thiện...".
Người làm giàu chính đáng hiểu rất rõ giá trị tài sản nên họ “làm chủ” được sự giàu có bằng việc chi tiêu đúng mục đích, hợp lý, cần kiệm... Người giàu có phi pháp thì coi tiền bạc như "từ trên trời rơi xuống" nên ăn tiêu bừa bãi kiểu “ném tiền qua cửa sổ”. Và cũng vì muốn thoả mãn những lạc thú do giàu có đem lại nên họ bị lôi cuốn vào các tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, mại dâm... Do đó, của cải duy trì được cuộc sống nhưng cũng là cái "mầm" của mọi tai hoạ!
“Phú quý sinh lễ nghĩa”
Muốn biết người giàu hãy nhìn vào khối tài sản, phương tiện mà người ấy đang sở hữu. Muốn thấy người sang hãy xem cách người ấy sống và quan hệ xã hội thế nào. Người giàu thì có nhiều “điều kiện” để học làm sang. Các cụ dạy : “Phú quý sinh lễ nghĩa” chính là như vậy. Nhưng học làm sang - nếu không biết cách thì trở thành một sự phô trương lố bịch và kệch cỡm.
Như câu chuyện về ông “sếp” của một công ty kinh doanh bất động sản có trụ sở rất bề thế trên một mặt phố lớn. Chỉ nhìn vào phòng khách công ty, người ta đã cảm thấy chủ nhân của nó giàu như thế nào rồi. Phòng khách kê bộ salon đắt tiền toàn gỗ cẩm lai. Một nửa phòng là hòn "non bộ" cây lá xanh tươi, nước chảy róc rách... Có 3- 4 “em” váy ngắn, chân dài trẻ trung tiếp khách, nói năng rất nhẹ nhàng yểu điệu. Khách đến, một em lịch sự pha trà mời khách, sau đó lên "bẩm" với “sếp” ngồi trên tầng 3. Để tỏ ra mình luôn "rất bận" nên cứ phải 20 phút sau “sếp” mới xuất hiện, trang phục chỉnh tề, nước hoa thơm phức. Vừa tiếp khách “sếp” vừa “chỉ đạo” khắp nơi bằng điện thoai di động. Rồi bất thần, “sếp” nổi giận, “ra oai” chửi một nhân viên nào đó như tát nước vào mặt, toàn những lời lẽ thô tục... Hàng chục khách hàng bỗng thấy “rát” cả mặt như chính mình bị xỉ vả và thấy xấu hổ thay cho cái “sân khấu” giả vờ sang trọng bày đặt trước mắt kia.
Kể câu chuyện trên để thấy một người “sang” trước hết phải là người có văn hoá - thứ văn hoá “phi vật thể” chứ không phải văn hoá bằng cấp hay là trang trí bằng của cải. Chỉ những hành vi ứng xử vô văn hoá như trên đã làm cho mọi sự “sang trọng” mà anh ta bày ra nơi phòng khách trở nên lố bịch.
Người sang trọng còn phải là người có danh dự, uy tín trong cộng đồng, được mọi người yêu mến, tôn trọng bởi người ấy sống lương thiện, có quan hệ rộng rãi, biết thông cảm và sẻ chia những buồn vui với người khác. Cánh cửa nhà người sang luôn rộng mở đón khách với tấm lòng hào hoa thì một chén rượu nhạt, bữa cơm rau muối vẫn thể hiện được cái văn hoá ứng xử sang trọng.
Người sang vốn không tham lam vì trọng danh dự, còn người giàu thường chỉ quan tâm đến tiền bạc, những thứ khác chỉ là thứ yếu.
Nhiều người giàu nhưng không phải ai cũng sang
Nếu như trong cuộc sống có thể học cách làm giàu thì muốn “làm sang” cũng phải học. Bởi vì sang thuộc về lĩnh vực văn hoá. Người bị “thiểu năng trí tuệ” thì khó mà trở nên sang...
Nhiều người giàu tự thấy thoả mãn với cơ sở vật chất của mình nên dễ kiêu căng không thấy cần học hỏi gì thêm nữa. Những người ấy hiểu "sang" là có nhiều đồ vật lạ, quý hiếm, đắt tiền bày biện trong nhà, ngoài sân... Nhưng “sang” không phải là như thế. “Sang” thuộc phạm vi đạo đức, trí tuệ, danh dự, uy tín và những ảnh hưởng đối với xã hội của một con người. Vì thế không nhất thiết phải “giàu” mới là “sang”.
Nhưng người giàu thì nên học “làm sang” vì nó giải phóng cho con người thoát khỏi sự u mê của tiền bạc để mở ra các mối quan hệ tốt đẹp, nâng cao tinh thần nhân văn và sự hiểu biết nhiều mặt cho bản thân và con cái. Sang là một vế không nên thiếu của người giàu, nhưng cũng phải làm “sang” cho đúng cách, phù hợp với thân thế, địa vị xã hội và môi trường sống của mình. Bởi sang thì hay “cao ngạo” mà đã cao ngạo thì không còn là sang nữa.
Tiến Văn
Giàu về tiền bạc, của cải là cái giàu phổ biến nhất và dễ nhận thấy trong xã hội. Nhưng còn nhiều thứ giàu mà không phải ai cũng nhìn thấy được, đấy là giàu về trí tuệ, tâm hồn, giàu lòng nhân ái, lòng vị tha, giàu đức hy sinh, giàu tinh thần dũng cảm... Nếu một người nghèo về vật chất nhưng giàu nhiều thứ như vừa kể trên thì đã là vĩ nhân rồi.
Hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã bắt đầu giàu lên, nhiều gia đình đã có "bát ăn, bát để". Trong số vô vàn cách làm giàu, không ít người giàu do buôn gian bán lận, trốn thuế, tham nhũng, ăn chặn, lừa đảo chiếm đoạt của người khác. Lớp trẻ ngày nay đã có nhiều người "nôn nóng" làm giàu bằng mọi giá, bất chấp cả lương tâm, đạo đức : Buôn bán heroin, làm xi măng giả, phân bón giả, thậm chí cả thuốc chữa bệnh giả... Thế nên mới có câu : "Có rất nhiều phương tiện để làm giàu, nhưng rất ít phương tiện để làm nên sự lương thiện...".
Người làm giàu chính đáng hiểu rất rõ giá trị tài sản nên họ “làm chủ” được sự giàu có bằng việc chi tiêu đúng mục đích, hợp lý, cần kiệm... Người giàu có phi pháp thì coi tiền bạc như "từ trên trời rơi xuống" nên ăn tiêu bừa bãi kiểu “ném tiền qua cửa sổ”. Và cũng vì muốn thoả mãn những lạc thú do giàu có đem lại nên họ bị lôi cuốn vào các tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, mại dâm... Do đó, của cải duy trì được cuộc sống nhưng cũng là cái "mầm" của mọi tai hoạ!
“Phú quý sinh lễ nghĩa”
Muốn biết người giàu hãy nhìn vào khối tài sản, phương tiện mà người ấy đang sở hữu. Muốn thấy người sang hãy xem cách người ấy sống và quan hệ xã hội thế nào. Người giàu thì có nhiều “điều kiện” để học làm sang. Các cụ dạy : “Phú quý sinh lễ nghĩa” chính là như vậy. Nhưng học làm sang - nếu không biết cách thì trở thành một sự phô trương lố bịch và kệch cỡm.
Như câu chuyện về ông “sếp” của một công ty kinh doanh bất động sản có trụ sở rất bề thế trên một mặt phố lớn. Chỉ nhìn vào phòng khách công ty, người ta đã cảm thấy chủ nhân của nó giàu như thế nào rồi. Phòng khách kê bộ salon đắt tiền toàn gỗ cẩm lai. Một nửa phòng là hòn "non bộ" cây lá xanh tươi, nước chảy róc rách... Có 3- 4 “em” váy ngắn, chân dài trẻ trung tiếp khách, nói năng rất nhẹ nhàng yểu điệu. Khách đến, một em lịch sự pha trà mời khách, sau đó lên "bẩm" với “sếp” ngồi trên tầng 3. Để tỏ ra mình luôn "rất bận" nên cứ phải 20 phút sau “sếp” mới xuất hiện, trang phục chỉnh tề, nước hoa thơm phức. Vừa tiếp khách “sếp” vừa “chỉ đạo” khắp nơi bằng điện thoai di động. Rồi bất thần, “sếp” nổi giận, “ra oai” chửi một nhân viên nào đó như tát nước vào mặt, toàn những lời lẽ thô tục... Hàng chục khách hàng bỗng thấy “rát” cả mặt như chính mình bị xỉ vả và thấy xấu hổ thay cho cái “sân khấu” giả vờ sang trọng bày đặt trước mắt kia.
Kể câu chuyện trên để thấy một người “sang” trước hết phải là người có văn hoá - thứ văn hoá “phi vật thể” chứ không phải văn hoá bằng cấp hay là trang trí bằng của cải. Chỉ những hành vi ứng xử vô văn hoá như trên đã làm cho mọi sự “sang trọng” mà anh ta bày ra nơi phòng khách trở nên lố bịch.
Người sang trọng còn phải là người có danh dự, uy tín trong cộng đồng, được mọi người yêu mến, tôn trọng bởi người ấy sống lương thiện, có quan hệ rộng rãi, biết thông cảm và sẻ chia những buồn vui với người khác. Cánh cửa nhà người sang luôn rộng mở đón khách với tấm lòng hào hoa thì một chén rượu nhạt, bữa cơm rau muối vẫn thể hiện được cái văn hoá ứng xử sang trọng.
Người sang vốn không tham lam vì trọng danh dự, còn người giàu thường chỉ quan tâm đến tiền bạc, những thứ khác chỉ là thứ yếu.
Nhiều người giàu nhưng không phải ai cũng sang
Nếu như trong cuộc sống có thể học cách làm giàu thì muốn “làm sang” cũng phải học. Bởi vì sang thuộc về lĩnh vực văn hoá. Người bị “thiểu năng trí tuệ” thì khó mà trở nên sang...
Nhiều người giàu tự thấy thoả mãn với cơ sở vật chất của mình nên dễ kiêu căng không thấy cần học hỏi gì thêm nữa. Những người ấy hiểu "sang" là có nhiều đồ vật lạ, quý hiếm, đắt tiền bày biện trong nhà, ngoài sân... Nhưng “sang” không phải là như thế. “Sang” thuộc phạm vi đạo đức, trí tuệ, danh dự, uy tín và những ảnh hưởng đối với xã hội của một con người. Vì thế không nhất thiết phải “giàu” mới là “sang”.
Nhưng người giàu thì nên học “làm sang” vì nó giải phóng cho con người thoát khỏi sự u mê của tiền bạc để mở ra các mối quan hệ tốt đẹp, nâng cao tinh thần nhân văn và sự hiểu biết nhiều mặt cho bản thân và con cái. Sang là một vế không nên thiếu của người giàu, nhưng cũng phải làm “sang” cho đúng cách, phù hợp với thân thế, địa vị xã hội và môi trường sống của mình. Bởi sang thì hay “cao ngạo” mà đã cao ngạo thì không còn là sang nữa.
Tiến Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét