Lá ổi có chứa tinh dầu, trong đó có alpha-limonen, bêta-sitosterol, acid
maslinic, acid guajavalic. Trong lá ổi non và búp non còn có 7-10%
tanin pyrogalic, khoảng 3% nhựa là những hoạt chất có tính kháng khuẩn.
Theo lương y Đinh Công Bảy, lá ổi thường được dùng làm thuốc chữa tiêu chảy do có chứa nhiều tanin, giúp làm se niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch, giảm nhu động ruột và có tác dụng kháng khuẩn. Sau đây là một số cách dùng ổi chữa bệnh:
Chữa tiêu chảy: Nếu tiêu chảy do lạnh, dùng búp ổi hoặc lá ổi non 12-20g (sao sơ), gừng nướng 10g hoặc củ riềng khô 10-12g, vỏ quýt khô 10-12g. Nấu các loại trên với 500 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Nếu tiêu chảy do nhiệt, dùng búp ổi, lá ổi non hoặc vỏ rộp cây ổi 12-20g, củ sắn dây khô 20g, lá chè tươi 12g, lá mã đề hoặc rau diếp cá 12g. Sắc uống như trên. Trong cả hai trường hợp, có thể thêm ít đường cho dễ uống.
Chữa viêm dạ dày-ruột cấp tính: Lá ổi non 30g cắt nhỏ, sao chung với một nắm gạo (gạo lứt càng tốt), sau đó cho 500 ml nước vào, sắc còn 200 ml, lọc lấy nước chia 2 lần uống vào lúc đói bụng.
Chữa giời leo (zona): Dùng búp ổi non 100g, rửa sạch, phèn chua 10g, muối 1g. Cho tất cả vào cối sạch giã nhỏ, thêm ít nước sạch vào trộn đều. Dùng nước thuốc này để bôi lên chỗ đau.
Chữa vết thương chảy máu, vết loét, bầm giập do chấn thương: Lá ổi tươi rửa thật sạch với nước muối, giã nát nhuyễn, đắp lên chỗ đau.
An Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét