Sống thử trước hôn nhân : nên hay không ?

Tình cờ lướt mạng, chúng tôi đọc được tâm sự của các bạn trẻ về 1 vấn đề nóng bổng hiện nay Sống thử trước hôn nhân : nên hay không ?. Đa số các bạn nam đồng ý với việc sống thử trước hôn nhân và xem đó là bình thường. Tuy nhiên, các bạn nữ vẫn luôn e dè. 



Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Công Vinh chia sẻ : “Việc sống chung trước hôn nhân không quan trọng. Điều quan trọng là phải biết cách tổ chức đời sống hôn nhân cho tốt và hiểu biết về vấn đề này”.

Xin mời các bạn cùng đọc quan điểm của các bạn trẻ để từ đó rút ra kinh nghiệm hửu ích và thích hợp cho bản thân
 


************************************
Sống chung đâu phải là sống thử

* Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình Việt Nam truyền thống. Lại là con trưởng nên từ nhỏ tôi đi đâu làm gì cũng phải làm gương cho các em. Vấn đề học tập và nề nếp của tôi là niềm tự hào của ba mẹ tôi. Vì thế, khi bắt đầu một mối quan hệ với ai tôi đều cân nhắc thật kỹ lưỡng. Nhưng không vì thế mà tôi quá cứng nhắc với bản thân.

Tôi có cơ hội đi nhiều nước, được tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau cho nên trong tư tưởng của tôi tình yêu là điều gì đó rất thiêng liêng mà tạo hóa đã ban cho con người...

Tôi và người yêu quen nhau được hai năm. Cả hai chúng tôi đều đang ở Anh. Tôi chỉ mới sang du học được hai năm nhưng anh đã sống ở đây hơn bảy năm rồi nên tư tưởng và lối sống của anh ít nhiều  cũng bị ảnh hưởng lối sống phương Tây, nhưng không vì thế mà anh mất đi nét văn hóa Việt Nam.

Anh rất yêu tôi và nghiêm túc về vấn đề tình cảm với tôi. Anh muốn cùng tôi xây dựng tương lai và khi tôi học xong cả hai cùng quay về Việt Nam. Vì quá yêu anh nên trong hôm sinh nhật  tôi, cả anh và tôi đều uống một ít rượu và tôi đã trao cho anh tất cả.

Không phải vì tôi quá say mà mất đi lý trí. Tôi thấy thật hạnh phúc vì cả hai chúng tôi đều nghiêm túc yêu nhau. Anh là mối tình đầu của tôi và tôi nghĩ sẽ là duy nhất. Kỳ nghỉ hè này tôi không về Việt Nam mà dọn tới sống chung với anh. Tuy sống chung nhưng cả hai chúng tôi đều có những nội quy đặt ra cho từng người. Anh không bao giờ ép buộc tôi khi tôi không muốn.

Càng ở gần tôi thấy anh càng có trách nhiệm với tôi hơn, yêu tôi nhiều hơn. Tôi nghĩ nếu sau này chúng tôi có tiến đến hôn nhân thì anh sẽ là người chồng rẫt mẫu mực và trách nhiệm. Tôi rất hạnh phúc vì tôi đang sống chung với anh, vì tôi được chăm sóc anh và tôi nghĩ rằng dù sau này chúng tôi có chia tay thi tôi cũng không bao giờ hối hận vì đã yêu anh.

Tôi không bao giờ nghĩ chúng tôi đang sống thử vì tất cả mọi thứ đang diễn ra đều là thật. Chỉ thiếu một đám cưới linh đình và tờ hôn thú ràng buộc. Nhưng tôi tin nếu cả hai ràng buộc nhau bằng trái tim thì cho dù có hôn thú hay không thì đối với chúng tôi cũng không quan trọng.

SWEETDREAM


===============================
* Hiện tôi học ở Mỹ, một đất nước ai cũng biết vấn đề giới tính có phần thoáng, người ta yêu nhau và chia tay giống như... cơm bữa. Lối sống của nhiều bạn trẻ ở đây đã dẫn đến biết bao chuyện thương tâm xảy ra. Hằng năm có hàng ngàn ca phá thai, có quá nhiều bà mẹ trẻ trong độ tuổi đến trường...

Quan niệm "sống thử" của tôi chắc không giống với nhiều người khác khi nghĩ rằng đối tượng mình đang yêu phải chăng là một nửa đích thực của đời mình? Vì muốn làm chắc chắn hay làm sáng tỏ vấn đề, họ chuyển về sống với nhau, sinh hoạt với nhau như những cặp vợ chồng thông thường. Tất nhiên cũng không ngoại trừ khả năng quan hệ tình dục, có thai và những vấn đề khác nảy sinh.

Đối với tôi, cách sống thử cũng như thời gian đôi lứa tìm hiểu nhau, nếu có cơ hội sống gần nhau để chăm sóc, an ủi nhau những lúc buồn và cùng chia sẻ với nhau những niềm vui nho nhỏ cũng là điều tốt.

Tôi không muốn dùng chữ sống thử, nghe qua có cảm giác... rất kỳ, và nhiều người khi nghe nói tới sống thử thì thế nào cũng nghĩ ngay trước tiên là vấn đề tình dục! Tôi không kịch liệt phản đối nhưng tôi cũng không ngăn cản. Nếu cả hai người nam và nữ thật sự trưởng thành, thật sự vững vàng về mọi mặt, nhưng vì vài lý do nào đó người ta chưa thể tiến tới hôn nhân, tôi nghĩ rằng người ta cũng có thể sống với nhau.

Và nếu trường hợp có con với nhau thì cả hai cùng phải có trách nhiệm. Nói như thế có nghĩa nếu "anh, chị" nhắm chừng có thể đảm nhiệm được vai trò "vợ chồng trước hôn nhân" thì sống thử sẽ không còn là vấn đề lớn.

Michael Tran


***********************************
“Sống thử - tôi không muốn đánh cuộc”

* Chúng tôi quen nhau từ thời cấp 3, là đồng hương và hiểu nhau sâu sắc, yêu nhau 6 năm, chỉ đợi ổn định mọi thứ để cưới nhau nhưng chúng tôi không sống thử.

Tôi không hiểu tại sao phải "sống thử" trong khi chúng ta còn cả quãng thời gian dài phía trước để "sống thật"? Và tại sao chúng ta không sống đúng với tuổi của mình - lứa tuổi mà bạn sẽ hòa nhập cùng xã hội, giao lưu với bạn bè, dành thời gian cho riêng mình và khám phá những nhớ nhung, giận hờn, những cung bậc khác của tình yêu?

Nếu sống thử tôi sẽ không bao giờ biết được giây phút háo hức chờ người yêu tôi sang đón đi chơi, hay nôn nóng sốt ruột khi đứng đợi, hay một tin nhắn chúc ngủ ngon và thôi thúc mong chờ buổi sáng mai nhìn thấy nhau. Hay chỉ một ánh mắt tiếc nuối khi phải chia tay nhau trong một buổi tối để ai về nhà nấy.

Và hơn nữa, tôi biết không cha mẹ nào lại muốn con mình sống thử hay chấp nhận chuyện con mình sống thử. Nếu vừa phải giấu giếm gia đình, đối mặt với bạn bè, đối diện với những khó khăn của việc sống thử, tôi chọn cách chờ đợi để trân trọng hơn, gìn giữ hơn cái hạnh phúc mà mình đã ấp ủ.

Tôi biết cha mẹ tôi không phải vì cổ hũ, lạc hậu mà phản đối chuyện chúng tôi sống thử (nếu tôi xin phép mẹ) mà là sẽ lo lắng không biết dường nào nếu cuộc sống thử không như ý muốn. Tôi không muốn đánh cuộc sự lo lắng của bà lẫn cuộc sống của tôi cho việc sống thử ấy.

Minh Hằng


=======================================
* Quan điểm sống thử không có gì đáng lên án. Tuy nhiên, truyền thống đạo đức không phải tự dưng mà có. Chẳng lẽ ông cha ta không từng cân nhắc giữa lợi và hại trước khi biến một quan điểm trở thành thuần phong mỹ tục?

Cũng như các bạn, tôi không lên án việc sống thử, song phải chăng chúng ta chỉ đang tìm những lý lẽ để biện hộ cho việc chung sống trước hôn nhân?

Chúng ta cho rằng việc sống chung là để dễ dàng chăm sóc lẫn nhau, sống với nhau không chỉ vì tình dục mà để gần nhau hơn - hiểu nhau hơn, sống thử không phải là thử sống mà là sống để thử trải nghiệm - để dễ dàng hòa hợp trong đời sống hôn nhân về sau... Hãy thử nghĩ kỹ xem những lý do ấy có thật sự chính đáng không?

Chúng ta phải thừa nhận không cần sống thử chúng ta vẫn có rất nhiều cách khác để hiểu nhau, chăm sóc nhau, để hòa hợp nhau khi tiến đến hôn nhân. Nếu chúng ta có thể thu xếp để sống cùng nhau thì sao không đưa ra giải pháp sống gần nhau, ông cha ta chẳng đã có câu "hàng xóm làng giềng tối lửa tắt đèn có nhau" là gì?

Theo tôi, sống gần nhau hoàn toàn không có gì hạn chế việc chăm sóc nhau so với cùng chung sống. Chúng ta hùng hồn tuyên bố sống thử không vì sex, thế sao chúng ta lại chỉ nghĩ đến có quan hệ tình dục trong đó thì mới gọi là sống thử? Chúng ta bảo sống thử giúp hai người giải quyết mâu thuẫn tốt hơn, vậy lấy gì đảm bảo là chúng ta có thể vượt qua những bất đồng trong thời kỳ sống thử?

Tôi đồng ý rằng "cái ngàn vàng" không có nghĩa tầm thường là một cái màng mỏng hay một thứ gì đó vật chất hóa. Thế nhưng nếu bạn sống thử rồi nhận ra không hợp nhau, sau đó lại sống thử và lại nhầm lẫn... cứ như thế liệu bạn có thể còn là một cô gái trinh trắng, một cô gái tốt?

Ngọn _Cỏ


*****************************************

Chẳng lẽ cứ thử mãi sao!

Trong một dịp tham gia lớp học “Bảo vệ sự sống, chống phá thai”, tôi rất tâm đắc với câu nói của giảng viên “Chúng ta lên án tội phá thai chứ không lên án người mắc tội phá thai”. Tôi nghĩ từ “sống thử” cũng có thể hiểu tương tự.

Khi xã hội càng hiện đại, người ta thường cho phép bản thân mình sống thoáng hơn, sống theo những gì mình cho là đúng và không ảnh hưởng đến ai. Bản thân là một người trẻ, tôi không đồng tình với trào lưu sống thử trong giới trẻ bây giờ nhưng cũng không áp đặt suy nghĩ cấm đoán người khác không được sống thử.

Dù dư luận xã hội là một rào cản, có khi còn phi lý kìm hãm khao khát sống theo ý mình của nhiều người, nhưng điều gì cũng có nguyên nhân. Nếu sống thử nhưng không đủ bản lĩnh và nhận thức, bạn trẻ thường dễ rơi vào lối sống buông thả và dễ dãi, xem sex là chuyện bình thường hay thích thì sống chung với nhau, không thì chia tay.

Xã hội đặt ra những quy định ràng buộc để con người sống với nhau hài hòa và có trật tự. Nếu trật tự đó đảo lộn một cách vô tội vạ, những giá trị đích thực cũng sẽ giảm dần ý nghĩa của nó. Thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó chúng ta đi chợ, thử hết món ăn này đến món ăn khác nhưng vẫn phân vân không biết nên chọn món nào để mua thì sẽ ra sao ?

Quan hệ tình cảm được kết hợp hai yếu tố đan xen là tình yêu và sex. Có những người thử sex thấy được nhưng tình yêu thì không, có những người thử tình yêu được nhưng sex thì không. Người may mắn nhất là người tìm được sự đồng điệu của cả hai yếu tố, họ không thấy vấn đề gì vì biết không cứ nhất thiết buộc mình mắc kẹt giữa những quan điểm “có được phép như thế này hay như thế kia” mới là đúng chuẩn.

Tôi nghĩ vấn đề ở đây là chúng ta không nên đánh đồng nghiêng hết về một phía “một đúng, hai sai” cho một vấn đề, nhất là chuyện sống thử. Vấn đề nào cũng có hai mặt, cũng có những khuyết điểm và ưu điểm riêng. Nếu chọn cách sống cho mình, bạn nên cân nhắc giữa ưu và khuyết để quyết định đúng đắn. Có những người thử được nhưng chưa chắc đã chọn đi theo mãi những gì mình đã thử qua, nếu chẳng may họ luôn luôn muốn thử thì sao (!?).

Đó là chưa kể những hệ lụy không nhỏ trong quá trình thử mà chúng ta để lại : một vết thương trong tâm hồn hay ám ảnh cảm giác “phải chăng tình yêu chỉ là sự thỏa mãn hòa hợp về thể xác”, những đứa con vô tội ngoài kế hoạch phải điều hòa...

Tôi không muốn đề cập đến những thiệt thòi về chữ trinh của người con gái vì tôi thấy nếu cứ bám vào đó để bàn luận, sớm muộn gì ta cũng lạc đề sang chuyện phân biệt và bất bình đẳng giới. Đã sống thử thì phải quên khoảng cách đó mà tập trung vào việc người sống thử bị ảnh hưởng tốt hay xấu hoặc đến mức độ nào. Câu trả lời còn tùy vào mỗi người.

Riêng tôi, dù có thể bạn bảo tôi trẻ nhưng cổ hủ, tôi vẫn thích những gì danh chính ngôn thuận hay hợp thức hóa hơn. Bản thân tôi không được quyết đoán và cũng là dạng người hay phân vân nên tôi không muốn sau này giả dụ như mình sống thử nhưng không thành, khi bước ra ngoài thế giới tôi phải gặp những người mà tôi đã từng quan hệ. Cảm giác lúc đó sẽ thật lộn xộn và rối ren…

LIM

*********************************
Tại sao phải hái "trái xanh"?!

* Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt mẹ tôi ngày biết tôi có ý định "sống thử". Tôi và anh hoàn toàn nghiêm túc trong mối quan hệ này nên tôi về thưa chuyện với mẹ, tôi dùng mọi lý lẽ và hiểu biết của tôi để bảo vệ chính kiến của mình "tụi con muốn sống với nhau trước khi kết hôn, mẹ cũng thấy đó, khi người ta đã không còn yêu nhau thì có cưới rồi cũng bỏ nhau như thường, con muốn mình có thời gian tìm hiểu và hòa hợp với nhau trước...".

Mẹ tôi là người sống khá thoáng và bà chưa bao giờ ngăn cản tôi chuyện gì, nhưng lần đó bà không nói gì ngoài ánh mắt ngấn nước nhìn tôi rồi quay đi. Đến hôm sau bà gọi tôi vào và nói : "Không nhẫn, không hoa, không được gia đình và pháp luật bảo hộ, không được bạn bè đồng cảm mà còn có thể bị chỉ trích, con có vượt qua hết được những điều đó không khi cuộc sống thử của con thất bại? Có khó khăn lắm không nếu cả 2 đứa đợi đến chín muồi hơn một tí nữa, trái xanh hấp dẫn con hay con đang chưa chín chắn, con nói mẹ nghe?". Lần đâu tiên tôi bối rối hoàn toàn trước những lập luận của mẹ, bà đã đánh thức những lo sợ nơi tôi mà tôi đã gạt qua để háo hức bước vào giai đoạn mới: giai đoạn sống thử...

Nghe những gì bà nói tôi bàng hoàng, ôm chầm lấy bà và khóc ngất. Chúng tôi đã gạt qua ý định đó và một năm sau chúng tôi cưới nhau. Khi tôi ngồi gõ những dòng chữ này thì mẹ tôi đang bế đứa con đầu lòng của chúng tôi. Và tôi tin rằng quyết định không sống thử của tôi vào lúc đó là hoàn toàn đúng và làm vui lòng tất cả mọi người.

Tại sao phải làm phiền lòng phụ huynh để sống thử trong khi chúng ta có cả khoảng thời gian dài sau này để hòa hợp nhau, để sống thật cùng nhau?

Crescent


===================================
* “Sống thử” là một từ không đúng trong nhiều trường hợp. Như tôi và vợ tôi chẳng hạn. Khi yêu nhau, tôi 27 và vợ tôi 26, chúng tôi đã có công việc ổn định. Hai bên bố mẹ đều bảo “cưới đi”, nhưng vì chưa dành dụm đủ tiền làm đám cưới, lại không muốn nhờ vả bố mẹ nên chúng tôi quyết định để sau một năm.

Thời gian này tôi dọn đến nhà trọ của cô ấy ở. Chúng tôi đều phải giấu bố mẹ vì cả hai gia đình đều là gia đình trí thức và gia giáo. Lúc đầu cô ấy nhất định không chịu, nhưng tôi cứ dọn đến. Cô ấy sợ bố mẹ cố ấy đau lòng, xấu hổ, sợ gia đình tôi sẽ không còn tôn trọng cô ấy nữa. Cô ấy còn bảo: “Anh cứ thử sinh một đứa con gái, rồi để nó “ăn cơm trước kẻng” như thế xem, lúc đó anh có còn thấy hay ho như bây giờ không”; thậm chí còn dọa tôi : “Bố mẹ anh mà biết thì em sẽ chia tay anh luôn!”...

Thật ra tôi cũng hơi lo vì nhà tôi rất khó. Khi còn ở nhà với bố mẹ, tôi không được phép đi quá 22g, lý lẽ của các cụ là “những việc đàng hoàng người ta không làm sau 22g”. Nhưng tôi yêu cô ấy, tôi muốn được ở gần cô ấy mọi lúc, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với cô ấy, mà cô ấy thì chẳng thể đuổi tôi ra đường được. Thế là chúng tôi sống chung…

Nhưng sau đó cả nhà tôi đều biết. Tuy nhiên chẳng vì thế mà mọi người không còn yêu thương, trân trọng cô ấy nữa. Các cụ còn thấy yên tâm hơn ấy chứ! Tôi cũng thấy ngạc nhiên, hóa ra các cụ “tân tiến” nhỉ!... Một năm sau chúng tôi lấy nhau. Nhưng với bố mẹ cô ấy thì câu chuyện vẫn còn trong tầm bí mật. Tôi hiểu vì sao cô ấy làm thế!...

Nói như thế để các bạn trẻ hiểu rằng cho dù có trưởng thành, có tự lập đi chăng nữa thì việc chung sống trước hôn nhân vẫn cần phải cân nhắc kỹ càng. Vì bạn không phải chỉ sống cho mình mà còn có bố mẹ, gia đình và cả những người yêu thương, quan tâm đến bạn.

Nếu bạn quyết định không đúng, không phải chỉ bạn không hạnh phúc, mà họ cũng bị dằn vặt, tổn thương… Các bạn hãy đừng “sống thử”, mà hãy để cho hai bạn trưởng thành và quyết định chung sống với nhau. Chúc các bạn hạnh phúc!

MINH HIẾU


*************************************
Sống chung trước hôn nhân như một bước đệm?

Tôi xin mạn phép đổi từ "Sống thử" thành "Chung sống trước hôn nhân”. Bởi ở đây cuộc sống là thật, những chung đụng, khó khăn là những điều có thật mà bất kỳ người nào chung sống trước hôn nhân đều gặp phải. Hơn nữa, những khó khăn ấy còn gay gắt hơn so với những người được danh chính ngôn thuận - một đám cưới.

Việc chung sống trước hôn nhân (đám cưới nhiều khi chưa có giấy kết hôn vẫn được chấp nhận) có nhiều lý do. Tôi xin phép bỏ qua những nguyên nhân từ việc muốn trải nghiệm, tình dục hay sống nhờ. Tôi chỉ muốn nói đến việc những bạn thật sự yêu nhau nhưng chưa có điều kiện kết hôn.

Phần lớn những bạn sống trước hôn nhân tôi gặp đều là sinh viên hoặc nhân viên ở tỉnh lẻ lên TP lớn lập nghiệp. Họ thật sự yêu nhau, muốn gần gũi chia sẻ cuộc sống nhưng chưa có điều kiện hợp thức hóa việc đó. Do vậy, không thể nói rằng họ không có ý thức cho việc chung sống trước hôn nhân của mình vì họ đều nhận thức được mọi việc và hơn nữa họ tự nguyện làm việc này.

Những người trẻ ở TP lớn, ngoại trừ áp lực về kinh tế, họ còn dễ tổn thương về tinh thần khi phải một mình va chạm trong một cuộc sống phức tạp. Họ đứng giữa hai thái cực : một bên là sự thoáng và cảm thông về tiết hạnh của bạn nữ, một bên là nhu cầu được chia sẻ, gần gũi, tình cảm, thể hiện sự yêu thương, quan tâm.... Nhưng dù thế, các bạn trẻ ấy vẫn là người Á đông, với văn hóa, lề lối, quan niệm còn đậm nét truyền thống.

Họ có thể yêu nhau, có thể trao cho nhau tất cả, nhưng vẫn cần một sự “danh chính ngôn thuận”. Sống chung trước hôn nhân như là một bước đệm, để có thể gần gũi, che chở và chia sẻ nhiều thứ, nhưng chưa phải công khai những lo lắng của mình đối với bà con, họ hàng và nhất là gia đình.

“Cưới nhau thì dễ, sống chung mới là vấn đề”. Hơn hết như mọi gia đình khác, những bạn trẻ ấy chỉ mong muốn có một đám cưới chính thức để gia đình và họ hàng yên tâm, bản thân họ cũng yên tâm hơn cho cuộc sống ấy.

Phải chăng những người ngoài cuộc chỉ thấy được sự thiếu trách nhiệm của những bạn trẻ sống thử, chứ chưa bao giờ thật sự tìm hiểu xem tại sao họ lại lựa chọn cuộc sống khó khăn hơn bình thường ấy...

Với ý kiến cá nhân mình, tôi cảm thông và mong cho những bạn trẻ yêu nhau, mong muốn cưới được nhau, có đủ đầy sự kiên nhẫn, cảm thông và tình thương để có thể cưới được người mình đã - đang chung sống.

Kusano


*************************************
Sống thử khi đủ sức tự chịu trách nhiệm!

Gia đình tôi - một gia đình thuần Việt, ba mẹ luôn xem tôi là niềm tự hào vì tôi là chị lớn trong nhà, là đứa con thành đạt, là tấm gương của các em nhỏ trong xóm. Thế nên ba mẹ và mọi người không thể nào ngờ tôi đang sống cùng với người yêu (chúng tôi sắp tổ chức đám cưới).

Tôi tự lập từ rất sớm, một mình lên thành phố học tập, tôi rất chăm chỉ học để có việc làm, trong suốt thời gian ấy tôi không hề nghĩ đến chuyện yêu đương. Ra trường, tôi làm việc ở một chi nhánh của công ty, nơi hoàn toàn cách xa bạn bè. Và tôi đã gặp anh, chồng sắp cưới của tôi. Anh đã chuyển đến sống cùng tôi để chăm sóc nhau.

Cũng có lúc tôi thấy day dứt khi nghĩ đến ba mẹ, cũng buồn khi đọc những bài báo phê phán hiện tượng sống thử của giới trẻ. Nhưng tôi lại không nghĩ lối sống của chúng tôi nằm trong hiện tượng bị phê phán ấy :

- Thứ nhất : tôi và người yêu tôi là những người thật sự đã trưởng thành (tôi 26 tuổi, người yêu tôi hơn tôi 7 tuổi). Tôi dùng từ thật sự trưởng thành ở đây vì chúng tôi đều đã có việc làm ổn định. Chúng tôi có khả năng nuôi sống bản thân và gia đình.

- Thứ hai : Chúng tôi có đủ bản lĩnh và kỹ năng sống để không gây ra hậu quả ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

- Thứ ba : Chúng tôi yêu nhau và nghiêm túc nghĩ đến chuyện cưới trong tương lai. Gia đình hai bên đã gặp nhau để tính chuyện hôn nhân.

Xin đừng gán ghép hai từ sống thử cho những người yêu nhau chân thành và mong muốn sống cùng nhau đến hết cuộc đời. Đâu phải ai yêu nhau, sống chung mà chưa có hôn thú cũng là sống thử. Có lẽ các bạn sẽ cho rằng chúng tôi đang đánh mất chính mình và đánh mất thuần phong mỹ tục. Tôi không nghĩ vậy. Tôi luôn làm theo những gì con tim mách bảo một cách chân chính.

Tôi không áp dụng cứng nhắc những định kiến xã hội khắt khe vào cuộc sống cá nhân của mình. Không phải dư luận xã hội bao giờ cũng đúng. Không phải làm một cái gì đó khác với tập thể là sai, chỉ trừ khi việc làm đó gây hậu quả ảnh hưởng tới mọi người.

Tôi viết lên những dòng này để bày tỏ lòng mình và chia sẻ cùng những ai đang có hoàn cảnh sống như tôi và cũng mong nhận được những đồng cảm của mọi người.

My Thao


**************************************
Quá khứ có là tì vết...

1. Sống thử sẽ mang lại cho người ta kết cục : tốt đẹp hoặc bi kịch. Một kết cục tốt đẹp chỉ có thể khi hạnh phúc được đơm hoa kết trái; còn bi kịch, khi hai đối tượng đều trở nên chán nản, và sẽ có những con đường đến với đau khổ.

Nếu sống thử có thể mang đến một kết quả tốt đẹp thì còn có thể tạm chấp nhận, nếu sống thử chỉ mang lại những đau buồn và bất hạnh thử hỏi có nên không? Kết quả của sống thử như thế nào (là tốt đẹp hay bất hạnh) phụ thuộc vào tình yêu, hoàn cảnh sống (ở đây là tuổi tác, nghề nghiệp, điều kiện về kinh tế) của hai người, cách đối diện và bản lĩnh cũng như trách nhiệm của hai người trước việc “sống thử”.

Thế cho nên, tôi nghĩ nếu có sống thử phải xác định cho rõ và phải sẵn sàng đương đầu với những hệ lụy của nó.

2. Người con gái không phải khi không còn trinh tiết là cánh cửa hôn nhân đóng lại và không tìm được hạnh phúc nếu tình yêu ấy tan vỡ.

Sự thật nếu 100% các cô gái sống thử phải trả giá nghiệt ngã, tôi tin chẳng có thế hệ nào tiếp theo dám làm điều ấy. Hơn thế, trong xã hội hiện tại, việc sống thử không còn là điều kinh khủng.

Vì người ta đã và đang dần làm cho việc ấy trở nên phổ biến và hiển nhiên; bên cạnh đó sự nhân ái luôn rộng mở bởi quá khứ không quan trọng, hiện tại và tương lai mới quan trọng, sao chỉ có đàn bà hư hỏng mà lại không có người đàn ông hư hỏng? Và không phải hậu sống thử, người con gái nào cũng đau khổ, tuyệt vọng và rơi vào bước đường cùng mà bản thân người con trai lại rơi vào tình trạng ấy khi cuộc tình tan vỡ (điều tôi từng chứng kiến).

Thế nhưng liệu sau này bạn có chắc sẽ không mặc cảm với người sau trong trường hợp tình yêu hiện tại của bạn tan vỡ? Người yêu sau của bạn sẽ nhìn bạn như thế nào? Liệu quá khứ tì vết của bạn vẫn mang lại cuộc sống vẹn nguyên như một cô gái không tì vết?

3. Tôi chắc rằng trong quá trình sống thử, cảm giác không an toàn, bất an sẽ có lúc ập đến ngay cả khi người con gái tự tin vào mối quan hệ ấy. Và mối tình ấy nếu không thể đơm hoa kết trái thì người con gái khi tìm đến một hạnh phúc mới, ít hay nhiều sẽ có những ám ảnh, mặc cảm và mang cảm giác có lỗi với người sau.

Đây là điều tôi đã từng nghe từ người bạn của mình : coi sống thử là chuyện bình thường nhưng thời gian đầu luôn mặc cảm với chồng hiện tại khi không còn trinh trắng, khi đó cô bạn tôi nghĩ rằng nếu được bắt đầu lại, cô sẽ để thật chín chắn mới yêu và chỉ yêu một người.

4. Sống thử, nếu có thể mang đến kết quả tốt, như tôi đã nói, còn có thể chấp nhận nhưng sống thử chỉ mang lại những bất hạnh thì không nên. Tôi không có ác cảm với sống thử bởi tôi từng chứng kiến việc ấy quanh tôi và vì hiện tại người ta coi chuyện đó dường như không có gì đáng ngại và vì đó là chuyện của người ta, chuyện không liên quan đến tôi. Bản thân tôi không thích sống thử, không muốn sống thử.

Tôi rất thích ý kiến của bạn Minh Hằng. Tôi thích một tình yêu trong sáng trước hôn nhân hơn là sống thử với nhau. Cảm giác nếu phải sống thử với người mình yêu thế nào ấy. Có thể tôi là người cổ hủ, tôi cho đó là điều kinh khủng, tệ hại nhất của người con gái và vì tôi vốn vẫn thường không dám làm trái với lẽ thường.

THU TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét