Tôi là kẻ khát thèm tự do!

Tôi đang đứng trước một bế tắc bạn ạ, một bế tắc mà dù trao đổi với nhiều người và nhận được những lời khuyên khác nhau nhưng tôi vẫn chưa tìm ra lối thoát cho mình. Nhưng, trong hành trình đi tìm lối thoát ấy, tôi đã đúc kết được những bài học mà có lẽ sẽ chẳng thể nào nhận ra nếu không gặp phải bế tắc như lúc này!

Hoàng Yến Anh

(Cho tôi và cho tất cả những ai đang khát thèm tự do)

Khi sếp không đồng ý cho tôi rút ngắn thời gian học và làm từ 3 năm xuống 2 năm (dù tôi thừa tiêu chuẩn), tôi đã thấy mình như một kẻ bị lừa dối, vì ông không thực hiện những gì ông đã hứa với tôi hơn một năm về trước.

 

Ông muốn giữ tôi ở lại công ty, chính vì thế nên ông không cho rút ngắn thời gian học và làm với một cái lý do và một cái cớ hết sức… buồn cười. Dù thất vọng nhưng tôi không thể bỏ công ty mà đi, tôi phải hoàn thành chương trình học của mình, dù mọi thứ có thế nào. Ngay lập tức, trong đầu tôi hình thành những ý tưởng mới.

 

Tôi sẽ không ở lại công ty làm việc khi kết thúc chương trình học, dù công ty ấy là một công ty lớn và tôi có thể có một công việc tốt và những đồng lương đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Sẽ có người nói tôi dại dột với những quyết định như vậy, nhưng tôi thì không nghĩ như vậy. Đơn giản, tôi cần sự tự do, tôi cần những thay đổi trong cuộc sống và công việc. Tôi muốn tìm thêm cho mình sự trải nghiệm và hoàn thiện trước khi tôi thấy mình già và không còn đủ khả năng nữa.

 


Tôi tâm đắc câu nói trong một cuốn sách của nhà văn Pháp Marc Levy: “Hãy chấp nhận những điều mà mình không thể thay đổi nhưng hãy dũng cảm chấp nhận những điều mà mình có thể thay đổi”. Tôi thấy mình cần có quá nhiều điều phải thay đổi, tôi cần phải thực hiện những đam mê của mình khi còn trẻ bởi tôi còn sức, còn cơ hội, còn niềm tin. Ai sẽ nói trước được với tôi rằng 10 năm hay 20 năm nữa cái nhiệt huyết ấy trong tôi vẫn còn nguyên?

 


Tôi bắt đầu lên kế hoạch cho mình, rằng tôi sẽ làm gì sau một năm rưỡi nữa, tức là sau khi kết thúc hợp đồng cùng công ty? Hoặc là tôi sống bằng những đồng tiền trợ cấp thất nghiệp của nhà nước, hoặc là tôi tự tìm một con đường, một lối đi cho riêng mình. Tôi chỉ có hai sự lựa chọn đó và tôi không cần mất quá 2 giây để quyết định mình sẽ sống như thế nào.

 


Có một câu nói của nhà văn Trang Hạ tôi đọc được trên một trang web, chị nói rằng: “Thật ra người ta không chiến thắng bởi khoẻ hơn, giỏi hơn, nhiều bằng cấp hơn mà chiến thắng bởi quan niệm sống và năng lực làm việc”. Tôi thừa nhận rằng tôi không giỏi, thậm chí tôi chưa có trong tay cái bằng cử nhân. Tốt nghiệp phổ thông ở một trường trung học Đức, tôi không chọn con đường vào Đại học như giới trẻ Việt Nam vẫn thường làm, mà nộp hồ sơ vào một công ty của Đức, vừa đi học vừa đi làm – đó là một sư kết hợp giữa lý thuyết và thực tế.



So với nhiều người, tôi thua kém họ rất nhiều. Ở Việt Nam người ta đua nhau học cao học, tiến sĩ, bởi xã hội Việt Nam dù đã văn minh hơn rất nhiều nhưng vẫn là một xã hội bằng cấp. Có người học cao hơn vì họ yêu nghề và muốn tiến xa hơn, có người khác như bạn tôi thì nói: “Đôi khi thấy người ta học cao học thì mình cũng học theo dù công việc mình đang làm không đòi hỏi đến những kiến thức như thế, nhưng nếu mình không học thì mình sẽ bị sa thải”.

 


Một bạn khác lại nói: “Chỉ đơn giản, cái bằng thạc sĩ sẽ giúp mình nhiều hơn khi chuyển việc”. Tôi nhìn lại mình và tự hỏi: ” Nếu trở về Việt Nam lúc này, mình sẽ làm được gì? Và có thể lắm chứ, tôi cũng dễ dàng bị sa thải!”. Những kinh nghiệm học hỏi và những quan niệm sống tôi học được ở nước ngoài liệu có giúp cho tôi được gì lúc đó? Ở Đức, ngoài thời gian đi học và đi làm ở công ty, tôi cũng làm những công việc vặt hết sức đời thường xuất phát từ niềm đam mê như đi phiên dịch hộ, viết báo, viết phóng sự cho các tờ báo ở Việt Nam, đồng thời tôi đảm luôn chức “Thư ký toà soạn” của tờ Tạp chí Hương Việt – một tờ tạo chí nhỏ do những người Việt trẻ chủ trì ở Đức với ước mơ “níu quê hương trở lại thêm gần”. Những công việc đó tôi không kiếm ra tiền, nhưng nó cho tôi thêm vô vàn kinh nghiệm sống ở đời. Có lẽ đó là điều mà một số người vẫn nghĩ về tôi, rằng với những suy nghĩ như thế tôi hẳn phải là người phụ nữ ngoài 30. Tôi chưa đạt đến ngưỡng cửa ấy, tôi còn thiếu rất nhiều năm nữa.

 


Mẹ thường nói với tôi bà muốn tôi chú tâm học một ngành học nào đó, ví như Thương Mại, một ngành học mà tôi đang học lúc này. Một người bạn trai cũ thì nói tôi hãy học xong bên này đi rồi về Việt Nam, cơ hội để làm giàu không khó, chỉ sợ tôi không đủ sức và anh ấy nói rằng: “Hãy nghĩ mình là một người phụ nữ, có một công việc ổn định và chăm sóc cho gia đình của mình. Chỉ cần như thế thôi thì mọi thứ sẽ cuốn em vào cuộc sống!”. Nhưng tôi thì lại không như thế, tôi đầu tư quá nhiều thời gian cho những việc mà người khác nhìn vào sẽ nói “chẳng đâu vào đâu”. Có thể rồi sau này tôi sẽ là một người giàu kinh nghiệm nhưng cái giá tôi phải trả cho cuộc sống tự do ấy là tôi không biết vị trí của mình trong xã hội.

 


Tôi từng mất nhiều đêm để đắn đo, suy nghĩ, lập những kế hoạch cho tương lai của mình. Tôi nhận thấy mình cần phải thay đổi, tôi muốn về Việt Nam đi làm tình nguyện, tôi muốn qua Anh vài tháng để học thêm tiếng Anh, tôi muốn qua Thuỵ Sĩ học đào tạo về du lịch, tôi muốn tiếp tục làm báo, được viết lách… Có lúc một ý nghĩ lo sợ cũng thoáng bay qua đầu tôi, rằng hay là mình nên yên phận thì tốt hơn, rằng hay là mình nên xin vào làm ở một công ty có thể làm ở đó đến cuối đời, rồi lập gia đình, rồi có con… nhưng có lẽ tôi sẽ không như thế. Tôi là kẻ khát thèm tự do để rồi nhiều lúc bần thần tôi lại không biết mình nên làm gì.

 


Một người bạn trai trong một cuộc trao đổi, đã “chọc ngoáy” tôi bằng câu đùa: “Vâng! Cô ấy không có sự lựa chọn nào vì cô ấy có quá nhiều sự lựa chọn”. Có lẽ người bạn trai đó nói đúng, tôi cũng còn trẻ mà, tôi còn những cơ hội để dấn thân và chấp nhận thay đổi những gì tôi có thể thay đổi.

 


Tôi sợ một cuộc sống phải đắm chìm trong một nhiệm sở và cùng già với nó. Một ông thầy người Đức của tôi từng nói: “Ở đời không mấy ai làm những công việc mà họ đã theo học chuyên môn đâu, vì một lý do nào đó dù là chủ quan hay khách quan mà họ vẫn làm trái nghề đó thôi. Một người học sư phạm có thể sau này sẽ là một nhà kinh doanh, một người học xây dựng có thể sau này sẽ làm về viễn thông và một người học về du lịch vẫn có thể đi làm ở ngân hàng!”. Và đúng là tôi đã gặp nhiều, rất nhiều những trường hợp như thế thật.

 


Vậy thì với một người chẳng có chút chuyên môn gì như tôi thì có thể làm được gì nhỉ? Tôi chưa làm được gì đâu, nhưng tôi đang bắt đầu thực hiện những ước mơ và những thay đổi của mình đấy. Không ai nói cho tôi biết được ngày mai trên con đường tôi đi sẽ trải thảm thành công hay những giọt nước mắt thất bại, nhưng nếu có khóc tôi vẫn sẽ khóc trong tự hào vì tôi là người chủ động, dám làm và dám thay đổi. Đó chẳng phải là một điều quí báu trong cuộc đời đó sao? Và vì “thực ra người ta không chiến thắng bởi khoẻ hơn, giỏi hơn, nhiều bằng cấp hơn mà chiến thắng bởi quan niệm sống và năng lực hành động!”.

 


Tôi tin vào những quan niệm sống và năng lực của mình. Hãy cùng chúc cho tôi sự thành công, bạn nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét