Chữ " Nhân" của Khổng Tử

Khổng tử đã chỉ ra lòng “Nhân” là một loại lý tưởng chính trị của xã hội, và cũng là một loại nguyên tắc về đạo đức luân lý. Nội dung của “Nhân” nhấn mạnh đến sự quan tâm và yêu thương người khác. Từ đạo lý về tư tưởng “Nhân ái”, ông đã đề xướng lòng trung thành và tha thứ. 


Tư tưởng “trung-thứ” của Khổng Tử đã hình thành những đức tính đẹp đẽ truyền thống của dân tộc Trung Hoa như tính thành thật, không dối trá, nhẫn nại, khoan dung, và dùng Thiện tâm đối với người. Nó có ảnh hưởng sâu rộng, và vẫn còn mang một ý nghĩa giáo dục rất thâm sâu trong xã hội ngày nay.
 
Dùng lòng chân thành làm căn bản
 

Có một lần, Khổng Tử và các học trò của ông bàn luận về cách đối xử với người.
 

Tử Lộ nói: “Nếu người khác dùng thiện ý đối xử với con, con cũng đối xử tốt với họ; nếu họ đối xử không tốt với con, con cũng sẽ không tốt với họ.”
 

Khổng Tử phê bình cách này: “Đây là cách làm của những người không có đạo đức lễ nghĩa.”
 

Tử Cống nói: “Nếu người khác dùng thiện ý đối xử với con, con sẽ đáp lại tốt với họ; Nếu họ không đối xử tốt với con, con sẽ chỉ dẫn cho họ theo hướng thiện.”
 

Khổng Tử bình luận cách này: “Đây là cách nên làm giữa những người bạn”.
 

Nhan Tử nói: “Nếu người khác dùng thiện ý đối xử với con, con cũng đối xử tốt với họ; Nếu người khác không đối xử tốt với con, con vẫn dùng thiện ý đối tốt với họ, và chỉ dẫn họ theo hướng thiện.”
 

Khổng Tử bình luận cách này: “Đây là cách nên làm giữa thân nhân. Nếu các con có thể mở rộng tư tưởng và đối xử với tất cả mọi người trong thiên hạ bằng lòng chân thành, thì mới thực sự là dùng thiện tâm để đối xử với người!”

Dùng nhân nghĩa để đối xử với người

 

Nhan Tử đã hỏi thầy Khổng Tử rằng: “Thưa, con muốn đối xử với người bằng lòng “nhân từ”, thì phải làm thế nào mới có thể đạt được như vậy? Con hy vọng chính mình có thể đối xử với mọi người đồng đều cho dù họ nghèo nàn hay giàu có; bản thân không có ý biểu lộ mình dũng cảm đến mấy nhưng lại có sự uy nghiêm; chỉ giao du với những nhân sĩ có chí hướng, và suốt đời không có hoạn nạn, thưa Thầy, như vậy có được không?”
 

Khổng Tử trả lời: “Muốn đạt đến mức đối xử với người bằng lòng nhân từ, trước hết phải làm được chuyện tu sửa bản thân mình, không ngừng nâng cao sự tu dưỡng đạo đức của chính mình đồng thời nâng cao cả cảnh giới tư tưởng. Những lời nói vừa qua của con cũng khá tốt, lúc nghèo nàn hay giàu có cũng như nhau, thì con có thể biết được mình đầy đủ mà không chạy theo những thứ ham muốn dục vọng. Khi ở chỗ cao quý hay thấp hèn cũng như nhau, thì con có thể luôn luôn khiêm nhường mà lại có lễ nghĩa. Không có ý biểu lộ bản thân dũng cảm đến mấy mà lại có sự uy nghiêm, thì con có thể cung kính đối xử với người mà không bị sai lầm đối với họ. Giao thiệp với những nhân sĩ có chí hướng, suốt đời không có hoạn nạn, thì con có thể cẩn thận lựa chọn bạn bè, lựa chọn những lời cần nói và những việc cần làm. Đây là chí hướng rất to lớn!”
 
Đạo lý chính trị
 

Tề Cao Đình đến hỏi Khổng Tử rằng: “Thưa Ngài, tôi không quản ngại núi cao xa xôi cách trở, áo quần sờn rách mà mang lễ vật đến bái kiến Ngài, trong lòng thật sự có thành ý, kính mong Ngài chỉ dạy cho cách giúp vua cai trị quốc gia.”
 

Khổng Tử nói: “Hãy giữ vững những nguyên tắc về đạo lý chân chánh, cho dù có phải mạo phạm đến quân vương, cũng không thể buông bỏ những nguyên tắc về chánh đạo. Bầy tôi thờ vua, kỳ thực không phải vì vua mà làm, mà chỉ vì quốc gia và dân chúng ở dưới vua mà làm, làm vì nước vì dân. Rốt cuộc là vì thực hành sự nhân nghĩa, mà phụ trợ quân vương thi hành nền chính trị nhân từ. Khi đối xử với bất cứ người nào, không nên có lòng chán chường, mà phải dùng lòng chân thành đối xử với nhau. Lời nói và hành vi của bản thân, trước tiên, phải kiên trì tuân theo đạo nghĩa; khi biết được người quân tử, nên cố gắng tiến cử họ; hễ phát hiện kẻ tiểu nhân thì nên làm cho họ rời xa quân vương; bỏ đi lòng tà ác của mình mà chân thành dựa theo lễ nghĩa đối xử với vua. Làm việc cần phải bén nhạy và cẩn thận trong lời nói lẫn hành động, chiếu theo lễ nghĩa mà tu dưỡng bản thân mình, và làm cho thiên hạ cũng theo hướng lễ nghĩa. Được như vậy, thì sẽ giống như anh em của hoàng thượng cho dù bản thân có ngàn dặm cách xa vua. Nếu chỉ nói mà không làm, hay hành vi không cần mẫn, lại không dựa theo lễ nghĩa đối xử với mọi người thì cho dù ở cạnh bên vua cũng e rằng không làm nên chuyện gì cả.”
 

Khổng Tử còn nói, khi đối xử với mọi người phải từ cái đạo lý làm người mà nói. Mục đích không phải là đối xử với mọi người cho tốt, mà chính là để nâng cao cảnh giới của chính bản thân mình. Khổng Tử xem Lễ, Nghĩa, Tốn (khiêm tốn), và Tín là những phẩm chất mà người quân tử phải mang theo. Người quân tử thông qua việc kiểm điểm bản thân mà có thể nhận thức được lòng nhân từ, rồi giữ nhân từ trong lòng mình mà đối xử với người khác bằng sự khoan dung, và thực hành điều nhân nghĩa. Bất cứ lúc nào cũng nêu cao tiêu chuẩn đạo đức mà làm thành những nguyên tắc đối xử ở đời của con người; giữ vững tấm lòng trong sạch mà thiện hoá người khác, và trân quý sinh mệnh, phú quý không thể làm mê loạn tư tưởng của họ, nghèo nàn cũng không thể sửa đổi hành vi phẩm chất thường ngày của họ, uy vũ cũng không thể khuất phục ý chí của họ, như vậy mới làm một người chính nhân quân tử. 

                                                        (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét