Đừng để cuộc đời chết theo nỗi buồn

Không chỉ người trẻ mới có những phút nản lòng. Xin mời các bạn cùng đọc tâm sự của bạn vong niên Trần Quang Duy kể lại trải nghiệm của đời mình để khuyên giới trẻ: “Đừng bao giờ tìm đến con đường mà mình không thể nào biết được phía sau nó là gì. Con đường đó mang cái tên rùng rợn và vô nghĩa: tự tử!”.

Không chỉ giới trẻ mới vấp ngã và gặp bế tắc. Đời tôi từng rơi vào tình cảnh gần như mất tất cả khi bước vào tuổi trung niên: gia đình đổ vỡ, anh chị em ruột thịt khước từ, xa lánh, hai đứa con thân yêu theo mẹ về sống bên ngoại. 

Vốn là một người đầy tự tin, kinh qua nhiều vị trí suốt 20 năm ở các cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế, có thời gian lương xấp xỉ 1.000 USD mỗi tháng, vậy mà bỗng chốc tôi trở thành kẻ không nhà, không việc làm (nói đúng hơn là bỏ mặc, không tìm việc làm), không biết nhập hộ khẩu ở đâu và mắc bệnh trầm cảm nặng nề.

Vì sao tôi thất bại?

Tất cả lỗi tại tôi! Vốn liếng không nhiều lắm, kinh nghiệm thương trường không có mà quá ham mê làm giàu, chẳng chịu nghe ai khuyên nhủ, cũng chẳng dành thời gian suy nghĩ để hàn gắn những rạn nứt gia đình.

Nói trắng ra, tôi làm ăn theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”, kể cả vay nóng để kinh doanh các loại nhớt. Bị khách hàng trả chậm, quỵt nợ, tôi lấy đầu này đắp đầu kia. Trong khi đó, tôi vẫn đi làm ở một công ty liên doanh nên không có thời gian theo dõi cơ sở kinh doanh của mình. Tôi giao cho em vợ của một người bạn thân từ thời tiểu học lo việc quản lý sổ sách, thu nợ khách hàng. Lúc đó vợ tôi, bằng óc quan sát và linh cảm của phụ nữ, cản ngăn hết lời là đừng thuê người quản lý có những vấn đề không minh bạch này. Ba tôi khuyên nên giao quyền quản lý cho vợ tôi, tôi cũng không nghe. Vợ tôi thất vọng, mâu thuẫn xảy ra, không khí đầm ấm gia đình tiêu tan.

Thật ra tôi từng thọ ơn người bạn của mình, nhưng trả ơn theo cách “nuôi ong tay áo”, thất bại là đương nhiên. Thất bại rồi mới thấy tiếng nói của những thành viên trong gia đình hết sức quan trọng.

Nếu biết chấp nhận đi làm, lĩnh lương và kiếm thêm thu nhập bằng cái nghề của mình là dạy tiếng Anh và dịch thuật, không những tôi đảm bảo được cuộc sống gia đình, lo cho con cái học hành đàng hoàng mà còn xây dựng và vun đắp được hạnh phúc trong đời thực. Tôi đã chạy theo ảo ảnh và mất hút trong ảo ảnh.

Phải đương đầu với sự thật

Bạn biết không, thời gian đầu không còn chung mái nhà với hai đứa con thơ dại, tôi luôn có cảm giác thân thể mình như đang bị thương, quặn đau đến mức tôi cố quên và không dám nghĩ đó là sự thật. Tôi ngồi quán cà phê một mình 7-8 giờ, thuốc lá đốt liền tay, sau đó lại ghé quán khác, đến nỗi có người bảo trông tôi chẳng khác gì “người cõi trên”. Tôi cũng tìm cách giải sầu bằng men rượu, từng độc ẩm cả một chai “Nàng Hương” không mồi. Cuối cùng là không được gì ngoài dáng vẻ tiều tụy, tinh thần suy sụp trong một con người vô tích sự.

Nhưng làm sao thay đổi sự thật được, tôi phải tự thích nghi với nó. Tôi từng được dạy là phải có nghị lực mới vượt qua được sóng gió cuộc đời. Nhưng theo tôi, trước khi hình thành khí phách, nghị lực thì phải có cách nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều. Thực tế, con người không thể tách rời xã hội, không thể ngồi lì một chỗ và chết theo nỗi buồn.

Trong cuộc sống, ai không có đôi lần thất bại, chẳng lẽ mỗi khi thất bại là chấm hết mọi ước vọng. Mình không làm được những việc lớn lao cho cộng đồng thì hãy làm theo khả năng của mình. Ở góc độ khác, một người không ăn bám ai cả, tự bươn chải kiếm sống luôn được xã hội quý trọng. Nghĩ vậy nên tôi quyết định bắt đầu lại từ con số không.

Tôi thường xuyên ghé thăm con, kèm con học, đưa đón con ở trường. So với mấy ông bạn sống cảnh ly hôn, tôi thấy mình may mắn hơn, dù có gặp sự cố nhưng nói chung ghé thăm con không bị sốc nặng. Có ông cứ sau mỗi lần ghé thăm con là say bí tỉ vì bực bội với cách hành xử của vợ cũ, người thân của vợ cũ. Tôi hay đùa với bạn bè đồng cảnh ngộ: “Ban đêm không được ghé nhà vợ cũ... để thăm con thì có sao đâu, cứ nghĩ mình bận đi trực”. Nói chuyện khôi hài, dí dỏm giúp người ta giảm stress đó bạn. Trong công việc, tôi tự nhủ trước mắt phải biết chấp nhận công việc lương thấp, kiên nhẫn chờ đợi cơ hội khác tốt hơn.

Người không bỏ ta đâu!

Trong lúc muốn buông xuôi chuyện đăng ký hộ khẩu, tình cờ tôi gặp lại một người học trò cũ, em bày tỏ sẵn sàng lo chuyện hộ khẩu cho tôi. Em “bán chịu” cho tôi một lô đất ở nông thôn thuộc quyền sở hữu của em để tôi làm hộ khẩu đàng hoàng. Tình trò quá cao đẹp đã tiếp thêm nghị lực cho thầy. Từ đó, tôi xóa đi mặc cảm bị người đời chối bỏ.

Hơn một năm, tôi dạy tiếng Anh cho các nhóm học viên (hầu hết là nhân viên marketing) tại một quán cà phê, giờ học linh động trong ngày. Có kẻ gièm pha: “Thầy tiếng Anh gì mà không dạy ở trung tâm ngoại ngữ”. Tôi để ngoài tai tất cả những lời không hay về mình và tự nhủ đây là cơ hội cho tôi thể hiện bản lĩnh.

Thấy tôi dạy nhiệt tình, ông bà chủ quán nhờ tôi dạy riêng cho hai cô con gái của họ. Số lượng các nhóm học viên ngày càng tăng. Rồi tôi đi phỏng vấn và được chọn làm phiên dịch cho một dự án có vốn tài trợ nước ngoài. Chừng vài tháng, tôi được mời dạy luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh cho một trường học tại địa phương vào các buổi tối trong tuần.

Dần dần tôi hồi phục tinh thần, có tiền thuê nhà trọ dài hạn (nơi làm việc của tôi không thuộc phạm vi tỉnh đăng ký hộ khẩu thường trú như nói trên) và miệt mài với khối lượng công việc khá lớn hằng ngày. Nỗi buồn mất mát của tôi bị cắt từng đoạn, từng đoạn theo thời gian.

Cái được của đời tôi

Cái được thứ nhất là không bao giờ tôi làm mất tinh thần bạn bè, đồng nghiệp. Chính vì điều này, có lần tôi đã cãi gay gắt với một ông bạn về thái độ sống và trách nhiệm với người xung quanh. Ông bạn có tật hay “khủng bố” tinh thần anh em bè bạn. Ai thổ lộ khó khăn, bế tắc đều nghe ông ta “phán” những câu: “Thua! Hết đường rồi” hoặc “Bó tay! Chỉ có trời cứu”...

Tôi từng nói thẳng với ông ta: “Ai sắp chết mà gặp ông là chết sớm. Sao ông không bao giờ mở lối lạc quan cho người khác?”. Triết lý của tôi với những ai đang thất vọng là “cửa đóng được, cửa mở được”, “ai rồi cũng tìm được một con đường rộng mở”. Lối triết lý “ba xu” của tôi ấy vậy mà có tác dụng tích cực với một số bạn bè bị đổ vỡ gia đình, làm ăn thua lỗ, mất việc...

Cái được thứ hai, cũng là cái được nhất. Dù có lúc đầy ắp chán chường, đau khổ tột cùng, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kết thúc kiếp người bằng cách tự tử. Mình tự tử mà cha mẹ bị hành hạ về tinh thần, xót xa khôn nguôi, con cái mất thăng bằng, không dám ngẩng cao đầu trong xã hội, phải chăng mình chỉ biết bản thân, vô trách nhiệm và quá nhẫn tâm?

Cuối cùng, tôi xin kể nốt câu chuyện tự thích nghi với từng hoàn cảnh. Năm đứa con gái 20 tuổi và cậu em 15 tuổi của nó đi xa, tôi thấm thía vô cùng khái niệm “nửa vòng trái đất”. Không thể nào gặp được con, tôi dành thời gian trong tuần gửi e-mail, điện thoại cho con. Cha động viên con ở xứ người học cho thật giỏi, nhắc nhở con đừng quên quê hương, đừng quên tiếng mẹ đẻ.

Con an ủi cha chờ ngày con về thăm, nhớ giữ gìn sức khỏe. Cha con liên lạc khá thường xuyên, trao đổi được nhiều vấn đề, nghe được giọng nói của nhau nên cả ba không đến nỗi hụt hẫng vì khoảng cách địa lý quá xa xôi. Biết tự thích nghi với hoàn cảnh có lẽ cũng là một cách giải tỏa bế tắc trong cuộc sống.

Nguồn : Tuổi Trẻ Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét