6 quy tắc giữ gìn sức khỏe không cần thuốc



Bí quyết của sức khoẻ là tìm hiểu và tuân theo quy luật của thiên nhiên. Thiên nhiên là một quan toà rất chính trực và thanh liêm, chúng ta không ai có thể hối lộ tiền bạc để làm sai quy luật này mà vẫn được hưởng ân huệ.

Nếu đã nhận thấy sức khoẻ không thể dùng tiền bạc mua lấy, cũng không thể ỷ lại vào tài năng của người thầy thuốc để gìn giữ sức khoẻ cho mình, thì chúng ta hãy tự mình lo giúp mình trước...thầy thuốc sẽ giúp mình sau.

Không có một bí quyết nào để tìm sức khoẻ. Chỉ có những quy tắc giản dị, ai cũng có thể làm để giữ gìn sức khoẻ. Đó là:

1/- Biết ăn: Thân thể con người ví như một cái máy. Nó cần nguyên liệu: thức ăn, nước uống, không khí...để bồi bổ cơ thể và tạo ra năng lượng.

Lo làm để kiếm cái ăn, sợ thiếu ăn...nhưng ai cũng ít lo nghĩ đến việc ăn thế nào cho hợp lý và hợp vệ sinh. Nhiều người cho rằng ăn thế nào cũng được, miễn là đừng bị đói. Nhưng họ không biết những thức ăn " nhân tạo" do con người chế biến ra một cách hỗn tạp, mà họ cho là bổ dưỡng thật ra là những chất độc có thể gây nhiều bệnh tật.

Cứ nhìn vào thế giới động vật, những thú hoang ăn uống theo bản năng nhưng phù hợp với quy luật thiên nhiên không bao giờ đau ốm. Trái lại, con người và súc vật nhà, ăn uống theo lối "nhân tạo" lại thương bị nhiều bệnh tật. Cho nên, ta nên biết cơ thể cần dùng gì để chọn thức ăn vừa đúng và phù hợp với cơ thể của mình. Theo các nhà khoa học, các nhóm thức ăn chính mà cơ thể cần, đó là:

     - Thức ăn có đạm: có ở thịt, cá, trứng, sữa, vài thứ đậu.

     - Thức ăn chứa đường và tinh bột: có ở ngũ cốc, khoai, đậu, các loại trái cây có chất ngọt, đường.

     - Thức ăn chứa chất béo: có ở mỡ thịt, pho-mai, bơ, dầu phộng, dầu cá...

Ngoài ra còn có thể kể đến các loại thức ăn có khoáng chất như sắt, can- xi,sodium...có trong thịt, cá, rau cải, trái cây...Thức ăn chứa chất sinh tố- có trong các loại trái cây tươi như chuối, xoài, cam quýt...Nước trong sạch.

Vấn đề là còn phải hiểu quy tắc ăn uống như thế nào cho hợp lý. Nên nhớ: ăn nhiều quá củng có hại như thiếu ăn. Điều cốt yếu không phải là ăn nhiều mà ăn làm sao hoà đồng được các chất trong thức ăn. Nhai kỹ để dễ tiêu hoá. Hãy ngồi vào bàn ăn khi tinh thần thoải mái.Rượu mạnh có thể dùng làm thuốc chữa bệnh nhưng không thể dùng thay nước uống hàng ngày, rượu mạnh làm cơ thể yếu! Hạn chế dùng các thức ăn, uống có chứa chất kích thích như cà phê, trà...


2/- Biết thải chất độc:
Sau khi cơ thể đã hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn, nước uống, sẽ còn lại các chất cặn bã,  thường là những chất độc, cần phải thải ra khỏi cơ thể. Nếu không nó sẽ tích tụ lại và sinh độc. Mỗi cơ quan bài tiết trong cơ thể có một nhiệm vụ khác nhau như phổi bài tiết hơi cặn, da bài tiết mồ hôi... trong đó ruột và thận là 2 cơ quan làm việc nhiều nhất. Cho nên chúng ta không nên gây sức ép thêm cho nó bằng cách đem thêm nhiều chất độc vào mình như: rượu, bia...


3/- Biết thở: Hơi thở sạch là món thuốc bổ rất quý. Con người cần đến nó như cá cần nước. Hàng năm, không biết bao nhiêu người chết vì bệnh lao phổi, vì họ có cặp phổi yếu thiếu vận động, thiếu hô hấp.

Thường thì người ta chỉ thở ra hít vào cho khỏi phải chết ngạt chứ ít khi biết thở một cách đầy đủ, càng hiếm người biết luyện tập cho cặp phổi nở nang. Cặp phổi mạnh khoẻ mới có đủ sức mang lại hơi thở mạnh khoẻ, trong sạch.

Khi làm việc mệt, nếu biết hít vào thật sâu rồi thở ra thật mạnh nhiều lần, sẽ mang nhiều dưỡng khí vào phổi, ta sẽ thấy khoẻ ngay.

Nên tìm dịp dạo chơi ở nơi thoáng đãng, nhiều cây cối, bờ sông...; hoặc đi cắm trại, dã ngoại...; đừng giam mình trong những quán rượu đầy khói thuốc. Phòng làm việc, phòng ngủ nên mở rộng cửa để đón không khí trong lành.


4/- Biết tận dụng thuốc bổ thiên nhiên: ánh nắng- Nước và Không khí. Đó là những món thuốc ai cũng có thể dùng mà không mất tiền mua.

Ánh nắng mặt trời là phương thuốc sát trùng. Nên để ánh nắng tràn ngập vào nhà ở. " Ở đâu  ánh nắng mặt trời không lọt vào thì thầy thuốc sẽ đi vào". Nhiều người qua lo lắng vì sợ ánh nắng làm nám da, nên luôn bọc kín người trong lớp quần áo dày. Cần tập chịu đựng một chút gió sương để tạo môi trường sinh lý cho cơ thể có sức mạnh phòng ngừa sự tấn công của bệnh tật.


5/-Biết vận động: Muốn có sức khoẻ dẻo dai, nở nang, điều hoà- thân thể phải vận động hàng ngày. Nếu môi trường sống thiếu vận động thì phải tìm cách vận động theo lối nhân tạo, đó là tập thể dục. Có người cho rằng chơi một môn thể thao nào đó là đã vận động, nhưng theo tôi- thể thao là một cách vận động, nhưng suy cho cùng nó chỉ là một trò chơi tiêu khiển, không thể xem là một cách luyện tập thân thể hoàn chỉnh, đầy đủ. Vì nó chỉ có thể phát huy sở trường và sức mạnh ở một bộ phận nào đó của cơ thể như đôi tay, đôi chân... Muốn chơi được thể thao, trước hết ta phải là người khoẻ mạnh! Cho dù không thích tập thể dục, ta cũng phải cố gắng làm vì đó là bổn phận đối với thân thể của mình!


6/- Biết giữ vệ sinh tinh thần: Giữ vệ sinh về thể chất cũng chưa đủ mà còn phải biết giữ vệ sinh tinh thần. Vì tinh thần và thể chất luôn có liên quan mật thiết với nhau.

Vệ sinh tinh thần là phải biết tuân theo quy luật: cố gắng và nghỉ ngơi. Biết tập trung tinh thần để làm việc thì cũng phải biết nuôi dưỡng tinh thần cho nó nghỉ ngơi.  Phải biết cân bằng chế độ làm việc và chế độ nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động. Có vậy khi làm việc mới thấy hưng phấn và làm việc hiệu quả. Tránh những tư tưởng yếu hèn, tiêu cực mà xây dựng thái độ lạc quan, yêu đời, yêu người, thích ứng với mọi hoàn cảnh.


Muốn sống hạnh phúc, phải có cuộc sống khoẻ mạnh về thể chất lẫn tinh thần. 6 quy tắc tuy đơn giản nhưng đa phần chúng ta đều không chú ý hoặc có biết nhưng chủ quan, bỏ qua.

Thân thể ta không phải là của người khác. Vì thế, chúng ta nên biết yêu bản thân mình bằng cách quan tâm hơn đến việc giữ gìn sức khoẻ. Đó là phần thưởng vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho ta.



(*Các kiến thức về thực phẩm trong ăn uống được tham khảo từ các tài liệu thường thức khoa học)