Mỗi khó khăn chính là một cơ hội tiềm ẩn

“Cuộc đời tựa như một hòn đá, chính bạn là người quyết định để hòn đá ấy phủ rong rêu hay trở thành viên ngọc tỏa sáng”-Cavett Robert.

Buổi sáng hôm đó, chàng thanh niên kiên nhẫn đứng chờ cả buổi chỉ để gặp một vị tiến sĩ tâm lý - người vốn nổi tiếng là một chuyên gia tư vấn giúp giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. 



Vừa thấy bóng ông, chàng trai vội chạy ngay đến : 

- Thưa ông ! Xin hãy giúp tôi ! Tôi đang rất căng thẳng. Sao đời tôi luôn gặp phải những vất vả, rắc rối mà tôi không biết phải giải quyết thế nào bây giờ. Xin ông hãy giúp cho tôi một lời khuyên .

Nghe nói thế, vị tiến sĩ nhìn chàng trai, từ tốn đáp lời : 

- Tôi sẽ chỉ cho anh một nơi mà ở đó toàn là những người không bao giờ có vấn đề gì hay gặp phải bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống cả . 

- Ồ ! Nếu vậy thì hay quá, chúng ta đi ngay được không ? Được sống như vậy thì thật là thích. - Mắt anh sáng lên mừng rỡ. 

- Chúng ta đi nào, nơi ấy cũng gần đây thôi. Nhưng tôi e rằng khi đến nơi, anh có thể sẽ thay đổi ý định đấy. - Vừa nói, tiến sĩ vừa cùng chàng trai rảo bước. 

Họ đi bộ băng qua hai dãy phố. Một khu đất rộng tách biệt hẳn với phố xá sầm uất hiện ra. Vừa đến nơi, vị tiến sĩ quay sang phía chàng trai, chỉ tay và nói : 

- Đến nơi rồi, chính là ở chỗ này. Tôi khẳng định với anh 150.000 cư dân ở đây không một ai còn gặp bất cứ vấn đề hay rắc rối nào trong cuộc sống cả. 

Vừa ngạc nhiên vừa tò mò, chàng trai đưa mắt nhìn theo hướng tay của tiến sĩ, rồi ngước lên nhìn tấm biển nhỏ treo ngay phía trên cổng có dòng chữ : “Nghĩa trang thành phố”.

Cuộc sống là như thế đấy ! Nó không hề bằng phẳng mà luôn chứa đựng những vất vả, thách thức dành cho tất cả chúng ta. Và đời người là cuộc hành trình vượt qua những thử thách đó . 

Hãy hướng về phía trước. Bạn đừng vội nản chí, mỗi lần vượt qua một khó khăn, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn. Và cách tốt nhất để đánh giá năng lực của một người là nhìn vào cách người đó đã vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống. Sau cùng, khó khăn gian khổ sẽ đem lại cho mỗi người một tài sản vô giá - đó là sự trưởng thành và trải nghiệm.

Ai cũng muốn công việc của mình được suôn sẻ, không gặp rắc rối nào cả. Thế nhưng, khó khăn lại thường xảy ra vào những lúc không ngờ nhất. Trước khó khăn, nhiều người thường than thân trách phận sao mình bất hạnh đến vậy. Chỉ mới gặp chút rắc rối, họ đã thay đổi thái độ, thậm chí rơi vào bi quan, chán nản . 

Ngược lại, có những người lại xem khó khăn xảy đến là cơ hội , là thử thách , như lẽ thường của cuộc sống. Họ luôn có niềm tin vào một viễn cảnh tươi sáng và sẵn sàng đương đầu, thách thức với chúng và quyết tâm phải vượt qua. Đáng buồn thay, những người như vậy không nhiều vì có rất ít người nhận ra những cơ hội đang bị che lấp phía sau những khó khăn. Có những lĩnh vực hay phát sinh nhiều vấn đề rắc rối khiến người ta bận tâm nhiều : 

- Kinh doanh, thương trường

- Học hành, thi cử, việc làm

- Các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội

- Tình cảm cá nhân

- Tình trạng sức khỏe

Ở tuổi hai mười sáu, Mark Victor Hansen đã điều hành một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp mái lợp tại New York. Vào thời điểm này, sản phẩm của công ty Mark bán rất chạy. Doanh thu lên đến 2 triệu đô-la mỗi năm.

Nhưng chẳng bao lâu, công ty Mark gặp phải khó khăn khi xảy ra vụ cấm vận dầu mỏ của khối các nước Ả Rập, tiếp theo đó là sự ra đời của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC dẫn đến việc giá dầu tăng vọt. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá PVC (một sản phẩm hóa dầu) cũng chính là nguyên liệu sản xuất chính của công ty Mark . 

Nếu không có chuyện gì xảy ra thì có lẽ Mark sẽ vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp, vậy mà giờ  đây anh không còn con đường nào khác là buộc phải tuyên bố phá sản. Mọi việc diễn ra quá nhanh. Chán nản cùng cực và cảm thấy như bị cuộc đời hắt hủi, Mark nghĩ có lẽ anh sẽ không bao giờ thoát khỏi tình trạng này. Anh cố cách ly mình khỏi thế giới bên ngoài và gần như nằm  liệt ở nhà suốt ngày với tâm trạng vô cùng bế tắc. Điều làm anh sợ nhất là ý nghĩ mọi người đều biết anh bị phá sản. Trong suốt một thời gian dài, anh đã tự giam mình như thế. Đó là những năm tháng đen tối nhất trong cuộc đời của Mark . 

Chấp nhận khó khăn hay để khó khăn nhấn chìm

Khi bước ra khỏi tòa án, tài sản duy nhất còn lại của Mark là bộ quần áo trên người và một chiếc xe cũ. Sau đó anh cứ lang thang không mục đích khắp New York. Mark đã rơi xuống tận cùng của cuộc sống : làm phu bốc vác giấy vệ sinh ở nhà ga xe lửa dưới tiết trời mùa đông băng giá dù vẫn còn khoác trên người một chiếc áo choàng đi mưa, một bộ com lê đắt tiền và mang đôi giày da hợp thời trang chỉ để kiếm 2,14 đô-la cho mỗi giờ làm việc. 

Trước đây, khi còn trên thương trường kinh doanh mái lợp, anh là một ông chủ, một nhà kinh doanh lớn. Còn giờ thì Mark thường tự hỏi : “Mình là ai?” . 

Vào những ngày đó, Mark thường lái chiếc xe cũ nát của mình đến các trạm xăng và yêu cầu chỉ đổ hai mươi lăm xu tiền xăng mà thôi. Dù mọi người đoán được tình cảnh và thông cảm với anh, Mark vẫn không khỏi bối rối. Lòng tự trọng dường như đã không còn chút giá trị nào và cũng không giúp gì được anh. Mark như đang ở tận cùng của xã hội. Nhưng, đó cũng chính là bước ngoặt lớn của đời anh. Anh đã có cơ hội trải nghiệm và học được bằng xương máu những nguyên tắc vàng để thành công. 

Một trong những chìa khóa của thành công là không được bỏ cuộc dù hoàn cảnh có trở nên tồi tệ đến đâu chăng nữa - vì mọi vấn đề sau cùng luôn sẽ tìm được cách giải quyết. Đây là một thông điệp quan trọng chúng ta thường được nghe thấy, nhưng lại thiếu bản lĩnh khi áp dụng vào thực tế khi khó khăn xảy ra. Chúng ta hay xem thường và thương hại những người bị phá sản . 

Nhưng trên thực tế, đó chính là lúc cả thế giới đang mở rộng ra đối với họ. Không còn gì để mất cũng có nghĩa là không có gì ràng buộc, giam hãm - họ là người tự do. Họ không cần phải bám mãi một công việc hay theo đuổi bất kỳ chuyện kinh doanh nào không thích hợp. Thế giới bỗng dưng trải rộng trước mắt họ hơn bình thường. Mọi thứ đều mới mẻ, bình đẳng, tất cả đều ẩn chứa những cơ hội tiềm ẩn. 

Với Mark, mọi việc đã đi xuống tận cùng - không thể nào tồi tệ hơn được nữa mà bắt đầu đi lên theo một hướng mới. 

Khởi nghiệp - bắt đầu từ nơi kết thúc 

Từ chỗ bị phá sản, Mark quyết tâm làm lại từ đầu. Nhưng lần này anh đã học đưc những điều tối quan trọng và dựa vào các nguyên tắc đó để bước tiếp về sau. Một người bạn đã bảo anh :
 
“Mark ạ, cậu đã phá hết đường lui rồi, cậu phải tiến lên và thành công thôi”. Sau một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, giờ đây Mark có một người vợ đáng yêu, hai đứa con xinh xắn và một cơ ngơi ở miền Nam California. Anh là chủ của ba doanh nghiệp lớn và có vai trò lãnh đạo trong hơn nửa chục doanh nghiệp khác. Hàng năm anh đi đây đi đó trên 250.000 dặm, mang những  thông điệp về tình yêu, về niềm hy vọng, lòng can đảm, sự hỗ trợ để truyền cảm hứng và chia sẻ đến hàng triệu người. 

Không phải chúng tôi nói thế để ca ngợi Mark mà để cho các bạn thấy rằng anh có thể đạt được điều đó từ hai bàn tay trắng, đảo ngược được tình thế, từ thất bại nghèo khó trở nên thành đạt và giàu có. Chỉ xét riêng về sự nghiệp thì chính cái đáy mà anh rơi xuống lại là điểm khởi đầu cho chuỗi thành công rực rỡ của anh trong tương lai. 

Anh từng nghĩ những khó khăn đó mới thực sự là cơ hội. Bị phá sản là kinh nghiệm tồi tệ nhất nhưng cũng tuyệt vời nhất mà anh đã từng trải qua. Chúng tôi bảo kinh nghiệm ấy là “tuyệt vời” nhất bởi vì từ đó, anh đã có được một sự giác ngộ về cuộc sống và một sự thấu hiểu thời cuộc sắc bén. Với những hành trang vô giá ấy, anh đã bước ra khỏi ngành kinh doanh mái lợp để dấn thân vào con đường diễn thuyết, viết lách, thầu khoán chuyên nghiệp và trở nên bậc thầy danh tiếng trong lĩnh vực khuyến khích và động viên con người . 

Nếu bạn đang gặp phải những thất bại trên con đường sự nghiệp, hãy xem xét lại nguyên nhân và các triển vọng của chúng ta và tự rút ra những bài học cho mình. Mười năm sau, khi nhìn lại, bạn sẽ thấy chính thất bại đó thực sự là một cơ hội lớn đã làm thay đổi cả cuộc đời bạn. Hãy tin rằng chỉ cần một niềm tin tuyệt đối rằng bạn sẽ làm được - thì cơ hội ấy CHÍNH LÀ CƠ HỘI  DÀNH CHO BẠN.

Thành công không nhất thiết phải có ngoại hình đẹp

Nếu nói những khó khăn về tài chính là gay go thì không hẳn như vậy vì thực tế chúng ta vẫn có thể giải quyết đơn giản bằng việc huy động thêm vốn. Có một loại khó khăn khác, nan giải hơn rất nhiều, chẳng hạn như có diện mạo xấu hay khiếm khuyết về ngoại hình. Đây gần như là mối bận tâm chung của nhiều người. Người ta thường lo lắng về ngoại hình nhiều hơn bất cứ điều gì khác của bản thân. Họ xem đó là vấn đề lớn nhất của mình. 

Có bao giờ bạn bận tâm về ngoại hình của mình chưa ? Có bao giờ bạn cảm thấy rằng bạn không được ấn tượng hay xinh đẹp như mong muốn ? Có bao giờ những quyết định giúp bạn đạt được những thành tựu như hôm nay đã từng dựa trên cách bạn cảm nhận về ngoại hình của mình không ? Những quyết định ấy có khi nào ngăn cản bước tiến của bạn, dù chỉ một chút thôi ?

Theo chúng tôi thì quan niệm của mỗi người về vẻ bề ngoài của mình đối với người khác có thể gây khó khăn cho chính bản thân họ, và đó thật sự là một điều đáng tiếc bởi vì ngoại hình chẳng liên quan gì đến phong cách sống cả. Để chứng minh, chúng tôi xin kể câu chuyện có thật về ông Malcolm người Canada. 

Cách đây vài năm, Mark đến diễn thuyết tại thành phố Vancouver của Canada. Anh tình cờ để ý một người đàn ông ngồi hàng ghế đầu có khuôn mặt dường như là nhiều sẹo nhất mà anh từng gặp. Khắp trên khuôn mặt ông ấy đan ngang dọc nhiều đường khâu. Một bên mí mắt bị khâu kín. Thậm chí miệng của ông ta cũng bị khâu kín đến ba phần tư. 

Mark còn nhớ lúc đó anh đang thuyết giảng về tầm quan trọng của việc ôm hôn, và khi nghỉ giải lao, Malcolm đã tiến đến ôm hôn anh. Ông ta nói bằng một giọng the thé khó nghe : “Chào anh! Tôi là Malcolm”. Mark nhận thấy giọng điệu của ông ta có vẻ thân tình như hai người đã từng quen nhau, nhưng Mark không tài nào nhớ được là đã gặp ông ta khi nào và ở đâu. 

“Tôi là người đã viết cho anh bức thư ấy”, ông ta bảo.

Rồi ông ta nhắc lại chuyện bức thư và Mark nhớ ra ngay. Đó là bức thư cách đó gần mười năm, kể về chuyện Malcolm và vị hôn thê của ông gặp tai nạn trong một khu rừng phía bắc vùng British Columbia vào một dịp cuối tuần. Khi hai người đang say đắm bên nhau thì đột nhiên họ chạm trán một con gấu mẹ dữ dằn và bầy gấu con. Con gấu mẹ, vì muốn bảo vệ cho đàn con, đã tấn công vị hôn thê của ông. Malcolm tuy chỉ cao 1,57m nhưng vẫn thu hết can đảm xông tới tìm cách giải thoát cho vị hôn thê trước con gấu to. Con gấu mẹ giận dữ liền vồ lấy ông và dường như đã bóp gãy hết xương cốt ông. Sau cùng, tưởng ông đã chết, trước khi bỏ đi, nó còn dùng vuốt cào nát khuôn mặt ông. 

Nhưng, thật đáng kinh ngạc là Malcolm vẫn còn sống. Trong suốt tám năm sau đó, ông đã được giải phẫu thẩm mỹ nhiều lần, mặc dù các bác sĩ lúc bấy giờ đã cố gắng vận dụng mọi kiến  thức chuyên môn để giúp ông nhưng vô ích. Và ông tự xem mình là một người xấu xí nên không muốn bước ra đường nữa. 

Một lần, trong tâm trạng vô cùng chán sống, ông ngồi xe lăn đi thang máy leo lên sân thượng của tòa nhà trung tâm phục hồi chức năng cao mười tầng và sắp sửa quăng mình qua lan can sân thượng xuống đất để tự sát thì bố ông, với linh cảm của một người cha, đã kịp thời xuất hiện ở cửa sân thượng. 

“Con ! Đợi đã con!”

Malcolm xoay xe lăn quay lại hỏi : “Gì vậy bố ?”

Bố ông chạy đến, ôm con vào lòng và xúc động nói trong nước mắt : “Malcolm ạ, người đời ai cũng có những vết sẹo ở đâu đó trên cơ thể hay trong tâm hồn. Ai cũng vui vẻ chấp nhận những vết sẹo ấy, che giấu chúng bằng mỹ phẩm, đồ trang sức, quần áo đẹp hay không nhắc đến điều đó. Còn con phải mang những vết sẹo ấy trên gương mặt, nơi không che giấu được. Nhưng thật ra cũng không có gì khác nhau đâu”.

Nghe vậy, Malcolm đã thôi không nghĩ đến chuyện dại dột đó nữa. 

Một thời gian ngắn sau đó, một người bạn mang đến cho ông những cuốn băng ghi âm của Mark nói về việc xuất hiện trước công chúng. Ông nghe thử, trong đó có câu chuyện Mark kể về Paul Jeffers, một người đã mất thính lực ở tuổi bốn mươi hai nhưng đã phấn đấu trở thành một trong những nhân viên bán hàng xuất sắc nhất thế giới. Mark trích dẫn một câu nói của Paul như sau :
 
“Những trở ngại trước mắt chính là động lực khiến cho những người bình thường trở nên phi thường”.

Malcolm tự nhủ : “Đó là trường hợp của mình, mình sẽ trở thành một người phi thường !”.

Ông ghi ra giấy những công việc định làm, mơ ước và tâm sự điều đó với mọi người . Ông mạnh dạn đi xin việc, làm nhân viên bán bảo hiểm. Công việc đòi hỏi ông hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều người. Ông in ảnh chân dung của mình lên danh thiếp, trao cho khách hàng và bảo họ : “Nhìn bề ngoài tôi xấu thật, nhưng trong lòng tôi không như thế, từ từ rồi anh sẽ thấy”.

Năm 1978, Malcolm trở thành đại lý bảo hiểm số một tại Vancouver. 

Số phận đã đặt ông vào hoàn cảnh bất lợi nhưng ông đã biến nó thành một cơ hội cho chính mình. 

Malcolm biết rằng ngoại hình không phải là vấn đề có thể cản trở ông trên con đường thành công. Chính cách ông nhìn nhận về bản thân mình như thế nào mới quan trọng.

Người xưa đã có câu : “Nhan sắc không ở trên đôi má người thiếu nữ mà trong đáy mắt kẻ si tình”.

Khi Malcolm đã nhận biết ưu điểm thật sự của mình thì những vết sẹo trở nên vô nghĩa. Ông đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân bằng cách mở lòng mình ra với mọi người và tiến lên phía trước, gặt hái nhiều thành tựu đáng kinh ngạc. Bạn cũng có thể làm được điều đó !

Có thể thất bại nhiều lần - nhưng không phải mãi mãi là thất bại

“Nếu bạn nghĩ rằng mình làm được thì bạn có thể làm được, nhưng nếu bạn cho rằng mình không làm được thì dù cố gắng đến đâu bạn cũng không thể làm được.” - Henry Ford.

Có nhiều người, có thể vì đã gặp khá nhiều thất bại trong một thời gian dài nên họ luôn tin rằng mình không thể thành công và số phận đã an bài, đã dành cho họ như vậy rồi. Với thái độ đó, chính họ đã loại trừ khả năng thành công của mình. 

Đã từng thất bại nhiều lần không phải là vấn đề lớn. Vấn đề là ở cách chúng ta nhìn nhận các thất bại của mình như thế nào. Một cách nhìn lạc quan luôn cho rằng chúng ta chưa thành công, chứ không phải chúng ta không thể thành công. 

Có lẽ ví dụ hay nhất minh họa cho nguyên tắc này chính là trường hợp của nhà khoa học nổi tiếng Thomas Edison, người Mỹ.

Được biết đến như một nhà phát minh lỗi lạc nhưng sinh thời không phải lúc nào ông cũng nhận được sự ca ngợi và tôn kính như vậy. Khi một phóng viên hỏi Edison : “Thưa ông, ông có lời giải thích nào về việc đã thất bại hàng nghìn lần trong khi cố  gắng phát minh ra bóng đèn điện không ?”. Edison đáp : “Xin ông hãy xem lại. Tôi không thất bại. Tôi đã thực hiện hàng nghìn thí nghiệm không mang lại kết quả nhưng đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm cho việc chế tạo ra chiếc bóng đèn điện vào lần sau cùng”. 

Điều quan trọng không phải chúng ta thất bại bao nhiêu lần mà quan trọng là chúng ta đã học hỏi đủ kinh nghiệm cần thiết để đạt được mục tiêu chưa ? Nếu chỉ một lần thử sức không mang lại kết quả tích cực đã vội buông xuôi, thôi không cố gắng thì đã đúng chưa ? Thái độ đó không khác gì chứng tỏ là mình sợ sẽ thất bại lần nữa. Và thế là chính chúng ta đã tạo rào cản cho bước tiến của mình. Nhưng nếu vượt qua được, chúng ta từng bước sẽ vươn lên đỉnh cao của thành công.

Câu chuyện có thật về Bill Sands là một minh chứng cho điều đó. Trước kia, ông đã từng phạm tội và bị giam tại nhà tù San Quentin. Ra tù, ông bắt đầu viết sách và cho ra đời cuốn My shadow Ran Fast (Tôi rượt đuổi bóng mình) nói về những kinh nghiệm của bản thân khi còn là tù nhân đến lúc trở thành nhà diễn thuyết trước công chúng. 

Một buổi tối, khi còn là sinh viên, Mark đã có dịp nghe ông diễn thuyết với khoảng một nghìn năm trăm sinh viên khác. Đám sinh viên đang học năm thứ hai vốn rất vô tư nghĩ mình đã hiểu biết và đầy kinh nghiệm sống. Bill nói : “Lúc ấy, bố mẹ tôi bắt hòa với nhau. Bố tôi là thẩm phán tòa án liên bang, mẹ tôi nghiện rượu và cách duy nhất để tôi gây được sự chú ý của bố mẹ   là quậy phá, chẳng hạn như ném gạch vào cửa kính nhà người ta … Rồi tôi bắt đầu trộm cướp, ngày càng lún sâu vào tội ác và cuối cùng bị tống vào nhà tù San Quentin”.

“Trong tù, các tù nhân yêu cầu tôi tham gia vào hoạt động tình dục đồi bại của chúng. Nếu từ chối thì tôi bị chúng đánh đến gãy mũi”. Lúc đó Bill ấn mũi ông bẹp xuống sát da mặt trước sự chứng kiến của hơn một nghìn năm trăm sinh viên. “Khi chúng cứ một mực đòi tôi phải tham gia, tôi kháng cự, chúng bẻ gãy hết các ngón tay của tôi”. Ông gập các ngón tay ngược ra phía  sau quá 90° cho mọi người xem. 

Bill Sands thu hút sự chú ý và xúc động của tất cả mọi sinh viên, họ dán chặt mắt vào ông. Ông tiếp tục kể về cảm giác thấy mình là người “bị đau khổ và thua thiệt nhất trên đời”. Mỗi người trong chúng ta đều đã từng có cảm giác hoặc suy nghĩ như thế vào một thời điểm nào đó trong đời. Đối với Bill lúc đó, nó quá hiển nhiên đối với ông đến nỗi ông không thể cảm nhận bất kì điều gì khác tồi tệ hơn thế nữa. 

Sau đó một thời gian, Clinton Duffy, một cai ngục chú ý đến ông. Người này đã xem hồ sơ của tất cả các tù nhân và nhận thấy ở Bill có điều gì đó đặc biệt. Ông ta cho Bill xem cuốn sách “Think and Grow Rich” (Cách nghĩ để thành công) của Napoleon Hill. Bill đã đọc, tiếp thu các nguyên tắc, ý tưởng của cuốn sách. Và Bill quyết định mình phải thành công - thành công bằng cách giúp đỡ các tù nhân khác. Ông ghi ra các mục tiêu của mình, kể về các mục tiêu ấy với người khác, thậm chí mơ về chúng. 

Mặc dù bị kết án tù chung thân, nhưng cuối cùng Bill cũng được tha sau khi đã cam kết không tái phạm, và ngay lập tức ông thành lập một quỹ giúp các cựu phạm nhân làm lại cuộc đời. Ông viết sách về cuộc sống trong tù của mình và đi diễn thuyết khắp nước Mỹ . Ông nhanh chóng được sự yêu thích của mọi người và trở nên thành công, giàu có. 

Trước đêm kết thúc buổi diễn thuyết, ông đã hoàn toàn thuyết phục các sinh viên quyết định thay đổi cuộc đời họ. (Chính ông cũng là người đã góp phần khiến Mark quyết định đi theo hẳn nghề diễn thuyết trước công chúng).

Cuối buổi diễn thuyết, Bill nói : “Tôi xin giới thiệu với các bạn vợ tôi, người phụ nữ đẹp nhất trong đời tôi”. Bức màn được kéo lên và một người phụ nữ nhỏ nhắn bước ra. Mark nín thở. 

Với sự ngạo mạn của tuổi trẻ, Mark nhận thấy bà chẳng đẹp chút nào. Nhưng khán giả, trước tiên là phụ nữ, đã đứng dậy hoan hô nhiệt liệt. Ai cũng chung một ý nghĩ rằng một người tuyệt vời như Bill Sands có thể nhìn thấy vẻ đẹp ở bà thì hẳn nhiên bà là người xinh đẹp . 

Bill Sands - người từng có cảm giác mình là người “bị đau khổ và thua thiệt nhất trên đời”, bằng sự nhìn nhận chính mình một cách tích cực - đã trở nên rất nhạy cảm, có một nhân cách đặc biệt và có ảnh hưởng mạnh đến nỗi ông có thể chạm được đến từng ngóc ngách của tâm hồn con người . Ông thấy rõ bản chất của vấn đề và bỏ qua cái cớ thất bại đã cản trở ông. Ông đã thay đổi thái độ từ tiêu cực sang tích cực, đã tìm thấy những hạt mầm của sự may mắn ẩn sâu trong khó khăn thử thách. Nó thôi thúc ông từ một phạm nhân trở thành một tác giả, nhà diễn thuyết, doanh nhân thành công.
           
Sức khỏe không phải là vấn đề lớn   

Bàn về sức khỏe kém, chúng tôi không nói đến những người bị “bệnh tưởng”, tin rằng mình bị đau ốm như một cách trốn tránh, thoát ly thực tế. Hầu hết chúng ta đều có một nền tảng sức khỏe cần phải gìn giữ thật tốt nhằm cân bằng cuộc sống và để theo đuổi các mục tiêu đã đề ra. 

Nhưng đôi lúc chúng ta vẫn gặp phải những vấn đề về sức khỏe, vậy buông xuôi hay cố gắng để vượt qua ?

Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một câu chuyện đã được dựng thành phim, kể về những nghị lực phi thường của Terry Fox, dù rằng bộ phim vẫn chưa thể hiện hết những điều ông đã đạt được trên thực tế. 

Khi còn học đại học, Terry đã là một vận động viên nổi tiếng người Canada, ông chơi rất giỏi một số môn thể thao và đã từng hy vọng trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Một ngày nọ, trước những cơn đau xuất hiện liên tục ở chân, ông phải đi gặp bác sĩ và phát giác mình bị ung thư. Bác sĩ bảo : “Chúng tôi biết là rất khó khăn để chấp nhận việc này, nhưng chúng tôi phải   cắt bỏ một chân của anh. Anh đã hai mươi mốt tuổi nên anh phải tự quyết định về việc này”. Và Terry đã cay đắng ký vào giấy chấp thuận cho phép cắt bỏ chân mình. 

Những ngày sau đó, khi nằm trên giường bệnh đợi hồi phục sức khỏe, có lẽ Terry đã gặm nhấm một cách chua xót về nỗi mất mát lớn nhất của đời mình. Có lẽ ông đã than khóc cho sự nghiệp thể thao đầy hứa hẹn phải chấm dứt ngay cả khi chưa kịp bắt đầu. Nhưng không, ông tập trung tất cả những suy nghĩ của mình vào những điều mà người thầy huấn luyện thời trung học của ông đã từng nói : “Con có thể làm được bất kỳ chuyện gì - nếu con quyết tâm thực hiện việc đó bằng tất cả trái tim” . 

Terry dự định sẽ chạy bộ xuyên Canada nhằm gây quỹ khoảng một trăm nghìn đô-la, tài trợ cho các cuộc nghiên cứu ung thư ở trẻ em để các em không phải chịu sự đau khổ và nỗi khó nhọc mà ông đã trải qua. Ông ghi ra giấy mục tiêu của mình và luôn suy nghĩ về nó. 

Khi xuất viện, Terry được lắp một chân giả. Ông tập đi trở lại và nói với bố mẹ, với mọi người về dự định tổ chức cuộc thi chạy marathon mang tên “Hy Vọng”. 

Bố ông bảo : “Con ạ, gia đình đã để dành tiền để con học đại học trở lại. Khi nào tốt nghiệp, con hãy tham gia hoạt động từ thiện” . Nhưng ngay hôm sau, Terry đến Hội Ung thư Canada trao đổi về dự định quyên tiền thông qua cuộc chạy đua marathon. Họ nói phải gác qua việc này vì đang bận rộn với nhiều hoạt động khác. Họ cũng cho rằng gia đình ông nói đúng và ông nên để sau này hãy tính. 

Ông quay trở về trường, thuyết phục người bạn thân đáp máy bay đi Newfoundland. Ở đó, Terry bắt đầu cuộc chạy bộ xuyên quốc gia. Là người thuộc cộng đồng nói tiếng Anh của Canada, nhưng nơi xuất phát là khu vực nói tiếng Pháp nên lúc đầu ông chưa được giới truyền thông chú ý. Sau 327 ngày ông mới đến được khu vực nói tiếng Anh. Chạy hơn ba mươi dặm một ngày, phần chân bị cụt của ông ngày càng cảm thấy cái chân giả mà nó phải mang là khá nặng. Terry vừa chạy vừa nhăn mặt, máu rướm ra, chảy nhỏ giọt nhưng ông đã bắt đầu trở thành nhân vật chính trong các tít báo đăng trên trang nhất !

Cuối cùng ông cũng được gặp Thủ tướng Trudeau. Họ bắt tay nhau và Thủ tướng hỏi ước mơ của ông là gì. Terry nói về mục tiêu muốn gây quỹ một trăm nghìn đô-la . “Nhưng với sự hỗ trợ ngài , thưa Thủ tướng, chúng tôi có thể mở rộng mục tiêu đến một triệu đô-la”. Tuy nhiên Thủ tướng vẫn chưa có ý định gì lúc ấy . 

Đó cũng là lúc Terry xuất hiện ở Mỹ. Chương trình truyền hình “Người thật việc thật” đã quay phim ông. Và Terry vẫn tiếp tục cuộc chạy bộ. Khi đến Thunder Bay ở Ontario, ông bắt đầu gặp khó khăn về hô hấp. Bác sĩ khuyên : “Anh phải ngừng chạy thôi, các khối ung thư đã lan ra dày đặc khắp ngực anh” . 

Terry cho rằng bác sĩ chưa hiểu ông : “Lúc đầu”, ông nói , “gia đình nói tôi không thể thực hiện cuộc chạy bộ, nhưng tôi vẫn tiến hành. Hiệp hội Ung thư bảo không được nhưng tôi vẫn tiếp tục.
 
. Chính quyền địa phương bảo tôi dừng lại vì tôi làm tắc nghẽn giao thông nhưng tôi vẫn tiến lên 

. Ngài Thủ tướng thực sự không muốn ủng hộ tôi sau khi tôi đã có một trăm nghìn đô-la, nhưng cuối cùng ngài cũng hỗ trợ và, chúng tôi đã quyên góp được một triệu đô-la. Khi rời văn phòng của ông, tôi dự kiến sẽ quyên góp một đô-la trên mỗi người Canada - tức là 24,1 triệu đô-la” . 

Bác sĩ đã thật lòng cầu chúc Terry thành công với dự định đó, rằng chính Terry đã khiến cả nước dỡ bỏ những rào cản về ngôn ngữ, xóa tan thói cục bộ địa phương giữa các tỉnh với nhau. 

Terry đã trở thành một người anh hùng dân tộc. Và có một chiếc máy bay phản lực của Không quân Canada đang chờ tại đường băng để đưa ông về Vancouver, nơi bố mẹ ông đang đợi đưa ông đi bệnh viện. Terry phải miễn cưỡng đồng ý. 

Chúng tôi nhớ đã xem chi tiết này trong bản tin buổi tối vài năm sau đó. Họ đưa ông vào phòng cấp cứu và một phóng viên trẻ vì muốn đưa tin sốt dẻo, gần như đã nhảy bổ vào bàn mổ của ông mà hỏi : “Thưa ông Terry, ông sẽ làm gì tiếp theo ?” . 

Terry, một vận động viên chuyên nghiệp, cho đến phút cuối vẫn dũng cảm nhìn thẳng vào camera thu hình, ông hỏi : “Phải chăng các ông sẽ giúp tôi hoàn thành cuộc chạy bộ này ?” . 

Ông qua đời không lâu sau đó. Và người Canada cũng đã quyên đủ số tiền 24,1 triệu đô-la cho quỹ của ông. 

Câu chuyện của Terry Fox, theo chúng tôi, là trường hợp cảm động nhất đáng để suy ngẫm đối với những người tin rằng họ có vấn đề về sức khỏe, và vấn đề ấy ngăn cản họ thành công. Điều mà Terry chứng tỏ với chúng ta là vẫn có cơ hội thành công dù bạn rơi vào tình huống tuyệt vọng nhất . 
Những người khác có thể nghĩ rằng nếu bị bệnh như Terry thì không thể di chuyển được. Nhưng ông đã chứng minh rằng, chúng ta đau ốm không phải có nghĩa là chúng ta mất đi những phẩm chất quý báu ở con người. Terry đã không viện cớ đau yếu hay đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe mà buông xuôi; thay vào đó ông đã mạnh dạn đột phá và dám thực hiện một sự việc thật sự phi thường . 

Có rất nhiều cơ hội trong cuộc sống

Bằng cách đưa ra những câu chuyện có thật, chúng tôi muốn chứng minh ngay cả trong những tình huống xấu nhất, thì những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu vẫn có thể đạt được những điều tưởng chừng không thể với kết quả đáng kinh ngạc. 

Trong những câu chuyện đó, mỗi nhân vật đều đã rơi xuống tới tận cùng của vực thẳm. Họ lâm vào tình cảnh khốn khó, khánh kiệt về tài chính, tổn thất về ngoại hình, tinh thần và sức khỏe . 

Họ đã nhiều lần thất bại thật sự. Nhưng họ đều không để cho những thất bại và sự khổ sở đó trở thành cái cớ để gục ngã, để đầu hàng nỗi sợ hãi của bản thân. Thay vào đó, họ quyết lấy lại niềm tin và lòng can đảm để vươn lên và thành công. 

Thật sự đối với những trường hợp đó, nếu không có những khó khăn bất lợi thì có lẽ họ vẫn đang theo đuổi những nghề nghiệp không đúng sở trường hay sống một cuộc sống bình thường  như bao người khác. Không phải chúng tôi muốn khó khăn xảy đến với bất cứ ai nhưng mỗi khó khăn đều ẩn chứa những hạt giống của cơ hội mới có thể làm thay đổi cả đời người. Khó khăn khiến chúng ta phải vận dụng mọi tiềm lực về trí tuệ, sức khỏe và tinh thần của bản thân mà bình thường chúng ta ít khi sử dụng, thậm chí không biết mình có những nội lực to lớn đó hay không .

Khi gặp khó khăn - mỗi người sẽ có một cách khác nhau

Bản thân bạn có làm được công việc tương tự như những người thành đạt đó không ? Khi gặp khó khăn, bạn có nhìn thấy những cơ hội tiềm ẩn như họ ? Bạn có vượt qua nỗi sợ hãi, sự mất lòng tin như họ đã từng làm, được không ?

Có lẽ bạn thường tự nhủ : “Tôi chỉ là một người bình thƣờng, tôi không giống những người đó !  Họ là những người đặc biệt, họ “quá thành công” và “quá phi thường”. Tôi cũng chẳng có một động lực hay sự cổ vũ tinh thần nào để vượt qua khó khăn trước mắt và hy vọng đạt được kết quả tốt đẹp sau này”. 

Phải thừa nhận đây chính là nguyên cớ lớn nhất khiến người ta đứng một chỗ, lùi lại hay không mạnh dạn vươn lên. Tự nhủ với bản thân rằng mình không thể làm được điều mà người khác đã làm chính là gieo một nỗi e dè vào suy nghĩ của chính mình. Tại sao bạn không tự hỏi mình thực sự e ngại điều gì ? Hãy nhớ rằng con đường duy nhất chắc chắn dẫn đến thất bại là không nỗ lực gì cả ! Vậy bạn chẳng có gì để mất ngoài nỗi sợ phải thử làm. 

Mỗi người đều có một khả năng và một hoàn cảnh riêng, nên con đường vượt qua nghịch cảnh để vươn đến thành công cũng không giống nhau - ngoại trừ sức mạnh của ý chí, niềm tin và lòng dũng cảm. Chắc chắn bạn cũng có cách của riêng mình để vươn tới thành công. Bạn có tất cả mọi thứ tiềm ẩn đó để có thể vượt lên số phận và thành công. Tại sao không thực hiện cho chính mình ?

Dù sao cũng nên thử một phen

Cách đây vài năm, một người bạn đã chỉ cho chúng tôi một phương pháp rất hiệu quả. Bất cứ khi nào bạn e ngại phải bắt tay vào việc để tìm kiếm thành công hay đang trong quá trình thuyết phục chính mình làm những điều phải làm thì hãy lặp đi lặp lại trong tâm trí mình câu nói : “Dù  sao cũng phải thử sức một phen!” rồi thực hiện những hành động thích hợp với quyết tâm cao để đạt được những kết quả thích hợp. Nếu bắt đầu mà vẫn cảm thấy ngần ngại hay chưa có động lực thì hãy mạnh dạn vượt qua cảm giác đó !
         
                 
Trích từ  "Dám thành công" - Jack Canfield & Mark Victor Hansen

1 nhận xét: