Thương con, mong muốn con được
bình an, sung sướng là ước nguyện của người làm cha mẹ. Vì vậy không ít phụ
huynh sẵn sàng chăm lo bảo bọc con, thậm chí dốc hết sức lực đầu tư cho con bất
kể con đang ở độ tuổi nào và chúng có thực sự cần đến hay không.
Khi úm con, cha mẹ đã vô tình không hiểu rằng các con của họ không hề an vui trong vòng tay bảo bọc khép kín của cha mẹ.
Lý luận của cha mẹ thường là “con còn nhỏ”, “ngoài đường phức tạp, con ra ngoài sẽ gặp nguy hiểm”, “con chơi với bạn sẽ tiêm nhiễm thói hư tật xấu”, “ở nhà ba mẹ lo cho con đủ hết, con không phải làm gì cả, vậy là sung sướng lắm, con biết không?”...
Quả thật là ở nhà cha mẹ lo cho con đủ thứ. Ngày nay rất ít cha mẹ yêu cầu con phải làm gì ngoài việc tập trung học hành. Con học mẫu giáo, tiểu học thì nghĩ rằng chúng nhỏ dại, non nớt, tay chân vụng về chưa thể làm việc nhà; con học trung học lại lo lắng bài vở của con nhiều, phải cho con học thêm, học kèm...; sợ con nhọc mệt nên cha mẹ làm hết việc nhà cho con nghỉ ngơi... Vì vậy mới xảy ra chuyện ở một trường tiểu học, nhà trường tổ chức cho các em ra hồ học bơi, đến khi thấy còn một số em chưa thay xong quần áo để xuống hồ, giáo viên vào trợ giúp thì phát hiện những học sinh lớp ba này không biết cởi nút áo, cũng không biết cách mặc quần bơi! Hỏi ra mới hay con ở tuổi này mà ở nhà mẹ còn giúp em thay áo quần, còn tắm cho em!
Khi còn bé bỏng, trẻ em thường ngoan ngoãn đón nhận sự chăm sóc của người lớn nên mọi việc diễn ra khá êm xuôi và cha mẹ không hề nhận ra sự bất ổn từ việc bảo bọc con quá mức. Chỉ đến khi con trẻ bắt đầu chuyển mình làm người lớn thì cha mẹ gặp rắc rối và cảm thấy phiền lòng từ sự thụ động, lười nhác của con hoặc từ phản ứng gay gắt của chính đứa con từng được họ ôm ấp bảo bọc lâu nay...
Trong một lần họp phụ huynh học sinh, khi nhắc đến các con, có cha mẹ kể lể rằng: “Tụi nó giống như gà công nghiệp vậy, chỉ biết ăn ngủ, học và chơi thôi. Con trai tôi lớp chín rồi mà không biết đặt nồi cơm nữa, trong khi nó đã ăn của tôi không biết bao nhiêu gạo rồi, chán thiệt!”. Một phụ huynh khác xen vào: “Con trai nói làm gì, con gái tôi đây cũng có biết làm đâu, nhờ nó đặt nồi cơm, nó hỏi tôi “có rửa gạo không mẹ”, mấy chị thấy có tức mình không?”. Trong thư gửi chuyên viên tư vấn, một nữ sinh đã than phiền: “Con năm nay 16 tuổi, nhưng ba mẹ vẫn coi con như một đứa trẻ, chăm sóc con kỹ đến mức làm cho con khó chịu. Ba mẹ không cho con ra ngoài chơi với bạn bè và cũng không cho con mời bạn về nhà chơi. Như vậy là ba mẹ không muốn cho con có nhiều bạn, phải không cô? Con có nói với ba mẹ nhưng ba mẹ vẫn không thay đổi. Con có mối quan hệ rất rộng và tốt ở trường. Bạn bè thường rủ con đi chơi nhưng ba mẹ lúc nào cũng cấm cản; ngay cả sinh nhật bạn, ba mẹ cũng chẳng cho con đi. Theo cô, con nên làm gì? Con không muốn bị giam ở nhà hoài, con có cảm giác như mình bị ở tù”…
Như vậy khi úm con, cha mẹ đã vô tình không hiểu rằng các con của họ không hề an vui trong vòng tay bảo bọc khép kín của cha mẹ. Trái lại, chúng sẽ cảm thấy bất an vì thiếu kỹ năng đối phó, đương đầu trước những thách thức trong cuộc sống và dễ dàng suy sụp hơn là phấn đấu để vượt qua. Hậu quả của việc úm con có thể còn kéo dài, khiến các con chỉ lớn dần về thể xác mà không kịp trưởng thành, ngay cả khi chúng vào đời, lập gia đình riêng. Từ đó dẫn đến nhiều hệ luỵ từ sự yếu kém của những đứa con “chậm phát triển” đó đến người bạn đời và gia đình riêng của chúng sau này. Đã có không ít người vợ than phiền về những anh chồng, chị vợ “trẻ con”, đã quen chờ ý kiến quyết định của mẹ ruột, ngay cả với chuyện chăn gối, sinh con, chi tiêu trong gia đình riêng của họ…
Cần dạy con tự lập từ nhỏ bởi cha mẹ không sống mãi với các con để che chắn, dắt dìu. Mỗi đứa con có cuộc đời riêng của mình nên cần cho con trải nghiệm những thử thách trong cuộc sống, cần hình thành cho con khả năng tự chủ, tự quyết và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Cha mẹ không làm thay cho con và nên hiểu rằng thành công hay thất bại đều là bài học quý giá giúp con vững bước vào đời.
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét