Cùng với sự phát
triển của xã hội, nhiều gia đình Việt Nam đã chuyển từ mô hình "nhà một cột"
sang "nhà hai cột" với "nền" kinh tế gia đình tập hợp từ hai nguồn thu nhập của
chồng và vợ.
Cũng từ yêu cầu xã hội, cả hai vợ chồng đều có ý thức phát triển bản thân. Tuy nhiên, giữ được nhau, giữ được gia đình là một thử thách mà nhiều người đã không thể vượt qua.
Cũng từ yêu cầu xã hội, cả hai vợ chồng đều có ý thức phát triển bản thân. Tuy nhiên, giữ được nhau, giữ được gia đình là một thử thách mà nhiều người đã không thể vượt qua.
Lạc nhau
Thảo Nguyên là một chuyên viên hóa mỹ phẩm, khá duyên dáng, sành điệu. Trước khi lên xe hoa, Nguyên "đề xuất" với chồng tương lai : "Có một con rồi, em sẽ đi học thạc sĩ, xong mới sinh đứa thứ hai". Chồng Nguyên cũng thuộc loại đàn ông "hiện đại", đã có bằng thạc sĩ ở Úc, tự "xét nghiệm" không có máu gia trưởng, đã ủng hộ nhu cầu hết sức chính đáng của vợ. Tuy nhiên, anh nghĩ "phụ nữ vốn mê con, nói thế thôi chắc gì đã thực hiện". Thế nhưng, sau khi đám cưới, chưa kịp có con, Nguyên được cơ quan cử đi học nước ngoài.
Cơ hội chỉ có một lần, không chớp ngay cũng đồng nghĩa với an phận, Nguyên lùi lại ngày có con. Mẹ chồng phản ứng mạnh, tác động đến chồng Nguyên: "Anh cưới một bà vợ hay một ông vợ?". Nguyên giữ vững lập trường: "Mẹ có ba cô con dâu, có cô nào học cao như con đâu". Học xong Nguyên về nước, công tác một năm vài tháng ở Hà Nội. Cô không chỉ tiến bộ trong chuyên môn, mà còn phát triển khả năng hùng biện, khiêu vũ, giao thiệp rộng... Nhưng đối với ông chồng Nguyên, đó chỉ là những "khiếm khuyết" vì chẳng mang lại lợi ích gì cho gia đình.
Sống chung được bảy năm, đến lúc chồng muốn có con, vợ lại "tịt ngòi". Sự hiếm muộn không phải "thủ phạm" gây ra sự xa cách vợ chồng, nhưng lại là cái cớ khiến hai người có cuộc sống ngày càng... riêng.
Vợ chồng Hoài Như lại yêu nhau suốt thời sinh viên. Từ căn nhà trọ, cả hai hân hoan chào đón thằng cu kháu khỉnh. Vợ cất tấm bằng đại học, ở nhà lo cho con. Chồng ủng hộ: “Con nhỏ đang cần mẹ. Em ở nhà là hoàn toàn hợp lý. Khi con đi nhà trẻ rồi, mẹ sẽ đi làm, học thêm...”. Thỉnh thoảng mấy cô bạn độc thân đến thăm, Hoài Như luôn trầm trồ trước những thành đạt của bạn: người thì lên chức, người thì bằng cấp cao. Còn cô, chẳng có gì để khoe, ngoài thằng con trai.
Con hơn bốn tuổi, đi học mẫu giáo, bớt bận bịu với con nhỏ, Như mới nhận ra, xin được công việc phù hợp, thu nhập ổn định là chuyện không dễ. Hơn nữa, ở nhà một thời gian, chuyên môn của cô ít nhiều cũng “hụt” đi. Vì thế, có tiệm cắt tóc gần nhà, Như xin vào làm thợ. Không ngờ, cô phát hiện mình cũng có nhiều năng khiếu trong việc làm đẹp. Cô nhanh chóng được nhiều khách hàng yêu mến, thu nhập cao chủ yếu nhờ tiền boa. Thừa thắng xông lên, Như mở tiệm nhỏ, rồi chuyển sang tiệm lớn. Quang, chồng Như yên tâm từ thạc sĩ, thẳng tiến tới tấm bằng tiến sĩ. Vợ thì thừa thắng xông lên làm giàu. Trong ngôi nhà khá tiện nghi của họ, chỉ thường xuyên có mặt bà giúp việc, thay hai vợ chồng lo cho thằng con trai. Những lúc chồng về nhà, cũng chỉ thấy bà giúp việc. Quang không trách được vợ vì không thể bác bỏ lời giải thích của Như: “Làm ăn phát đạt chỉ có một thời, hơn nữa khách hàng chỉ luôn muốn gặp chủ tiệm khi đưa ra yêu cầu”. Tất nhiên, Như cũng không than phiền khi ông chồng đi công tác liên tục.
"Cùng tiến" an toàn
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học VN) cho rằng, nhu cầu học lên cao sau đại học đang là đích nhắm của giới trẻ. Bằng cấp cao, địa vị, chuyện làm giàu... là những bước đi đúng với nhịp điệu của cuộc sống hiện đại, trong một quốc gia đang phát triển. Vì thế, không thể cho rằng sự tiến bộ của bản thân sẽ tạo ra nguy cơ đổ vỡ gia đình. Nói cách khác, đừng “đổ vạ” cho những điều đó khi những người trong cuộc không giữ được mái ấm.
Theo tiến sĩ Bình, “thủ phạm” của chuyện hai người lạc nhau là do hệ thống nhu cầu của mỗi người khác nhau quá xa. Hành vi “gây nên tội” ở các cặp vợ chồng thành đạt là người này gián tiếp, hoặc trực tiếp, cho người kia biết “nhu cầu của tôi” là quan trọng hơn, cần thiết hơn. Nhưng, sự cần thiết đó gần như chỉ cho chính bản thân người đang cố gắng, chứ không hẳn cho gia đình. Vì thế, hai vợ chồng cùng “thu lượm” được khá nhiều lời khen, sự tôn trọng qua địa vị, bằng cấp, thu nhập mà họ đạt được, nhưng lại không đủ thời gian, kiên nhẫn để cùng vun vén tình nghĩa vợ chồng.
Trong quá trình phấn đấu, “cái tôi” của vợ chồng cũng lớn dần lên và điều tệ hại xảy ra khi hai "đại bản ngã" kia không còn chấp nhận được nhau.
Ông Bình minh họa: “Có một ông tiến sĩ, chỉ chuyên nghiên cứu, viết sách, không quan tâm nhiều đến thu nhập nhưng ông luôn cảm thấy mình đầy giá trị, uyên bác... Vợ ông, sau một thời gian phấn đấu, lên ghế trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất khẩu, "ho ra bạc, khạc ra tiền", cũng nhận thấy sự tiến bộ của mình mới thật sự làm cho gia đình nở mày, nở mặt. Nghe vợ ăn nói với mình bằng giọng ỷ có tiền, ông chồng tự ái chứng minh ngay cho bà biết “có cả đàn nữ sinh viên trẻ đẹp mê tôi”. Họ cãi nhau suốt, tìm điểm xấu để dè bỉu, chê bai nhau. Thông điệp của họ trao cho nhau là “ta chẳng cần người”. Cuối cùng, giải pháp chỉ có thể là chia tay".
Trong một buổi tọa đàm chủ đề Bình đẳng giới tại Tổng công ty Điện lực miền Nam, bà Nguyễn Thu Hiên - chuyên viên tư vấn của Hội LH Thanh niên VN, đã giúp các cặp vợ chồng hiểu rõ thêm về khái niệm “cùng tiến”. Không thể hiểu đơn giản theo kiểu “anh thạc sĩ, em cũng thạc sĩ, anh giám đốc, em cũng giám đốc”. Vào thời điểm của gia đình cần người phụ nữ ở nhà sinh nở, nuôi con, bà vợ cũng hoàn toàn có khả năng tiến lên, trong việc gia tăng sự hiểu biết để nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Mỗi người tiến lên, theo năng lực của mình và không cần phải “dòm ngó” ganh đua với nhau. Từ thời xưa, người phụ nữ phụ trách việc nội trợ nhưng không có nghĩa là họ bị đẩy sang bên lề.
Sự tiến bộ của ông chồng, bà vợ phải tăng tỷ lệ thuận với trách nhiệm đối với gia đình. Tình yêu chỉ là người dẫn đường đến hôn nhân, nhưng hai vợ chồng phải biết sống có trách nhiệm với nhau, mới có sự gắn bó, đậm đà tình nghĩa. Vì thế, sự phát triển của người này phải luôn có sự hỗ trợ, ủng hộ của người kia. Và kết quả thành đạt là của cả hai, chứ không phải của ông chồng hay bà vợ. Theo bà Hiên, nhiều bà vợ đã không xác định được mục tiêu của việc tiến lên, không rõ mình tiến lên vì cái gì. Người phụ nữ lập gia đình không thể trốn tránh nhiệm vụ xây tổ ấm. Có đạt được bằng cấp cao, địa vị, chức vụ, thu nhập... cũng chỉ để cái tổ của mình được tiện nghi, êm ấm hơn. Dù có bao nhiêu tiền, bà vợ cũng không thể thuê người xây tổ cho mình. Luôn nhớ đến trách nhiệm, sẽ giúp bà vợ tỉnh táo và chủ động hơn khi tính toán việc thăng tiến của mình. Để vợ chồng cùng tiến một cách an toàn, cần có ý thức và kế hoạch từ khi cả hai bắt đầu muốn chung sống với nhau. “Cưới nhau rồi mới tính” là quá trễ.
Cùng sống với nhau, cùng tiến lên và cùng... già đi bên nhau, là điều kỳ diệu mà hôn nhân ban tặng cho những người biết nâng niu giá trị gia đình. Đó là trải nghiệm của ông Huỳnh Thanh, cán bộ hưu trí ở P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ông chia sẻ : “Tôi là bác sĩ, vì thế đi học, đi hội thảo nước ngoài suốt. Vợ tôi là y tá nên về nhà chăm lo con cái, bố mẹ một cách rất chu đáo, tôi hoàn toàn yên tâm. Khi sắp về hưu, vợ tôi bỗng nhiên đi học, không phải học tiếp ngành y mà học... vẽ. Vì thế, lúc tạm biệt bệnh viện, vợ tôi vui vẻ ngay với "nghề" mới, thường rủ tôi đi ngắm cảnh, vẽ tranh. Vợ chồng tôi không thể cùng tiến trong cùng một thời điểm nhưng cả hai cùng có ý thức phát triển bản thân khi có điều kiện, không ai có cảm giác phải hy sinh, chịu đựng. Và, sự tiến bộ không tùy thuộc vào tuổi tác. Thành công nhất của vợ chồng tôi là cùng cảm nhận được hạnh phúc”.
Trường Sơn (Phụ Nữ Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét