5 sai lầm tồi tệ cần phải tránh trong sự nghiệp

Sai lầm trong công việc luôn xảy ra, nhất là khi bạn phải chạy như con thoi giữa những deadline và nhiệm vụ mới. Thỉnh thoảng dừng lại đôi chút và nhìn xem mình có mắc phải 1 trong những sai lầm sau đây không? Chúng có thể là những quả bom nổ chậm hủy hoại cả sự nghiệp của bạn đấy! 



Những chuyện vớ vẩn không ngờ
Khi có ai đó vô tình hỏi “ngày hôm nay của anh thế nào?”, lập tức bạn bắt đầu một tràng dài những lời nói xấu, ca cẩm, phàn nàn, bực dọc về đồng nghiệp hoặc các ông sếp. Sếp nói luôn mồm về deadline, ông ta không thấy mệt hả? Gã đồng nghiệp lười nhác, không biết làm gì, lại mồm mép nịnh bợ. Nói xấu đồng nghiệp hoặc buôn dưa chuyện vớ vẩn xung quanh hành lang công ty là biểu hiện đầu tiên cho thấy bạn đã không còn chú tâm vào công việc nữa.


Tác hại: Những lời nói xấu có vẻ vô thưởng vô phạt có thể kết thúc bằng việc rất nguy hiểm là chúng sẽ đến tai những đồng nghiệp của bạn, sếp của bạn và khiến cho tất cả những giá trị công việc mà bạn đang tạo ra mỗi ngày tiêu tùng vì một cơn bực tức của kẻ khác.
Ngoài ra, người ngồi trước mặt bạn sẽ nghĩ gì nếu họ phải nghe bạn nói toàn những chuyện xấu xa về những người xung quanh? – Đó là lúc bạn đang đánh mất uy tín và hình ảnh của mình trong mắt những cộng sự, đồng nghiệp và cả những đối tác tương lai.

Cách phòng tránh: Tránh lê la cafe buôn chuyện với những người có “sở thích” nói xấu sếp, đồng nghiệp một cách quá thường xuyên. Hãy tập trung thời gian vào làm việc, làm việc, và bạn sẽ thấy được thành quả mỗi ngày.

Kẻ thù ghét team-building 

Nếu như cuộc team-building lần gần nhất mà bạn có thể nghĩ đến là ... 3 năm về trước thì đã đến lúc bạn bị báo động rồi đấy. Một anh chàng thành công thực sự không bao giờ lấy lí do “tôi phải đưa mẹ về quê” hay “Tôi có họp lớp ngày xưa” để trốn những chuyến team-building của công ty.



Tác hại: Bạn chẳng học được thêm những triết lí mới của công ty, chẳng biết thêm gì về khả năng hợp tác của mình với các đồng nghiệp khác. Đơn giản là bạn đang ở quá xa so với cái “vùng trời” thành công và định hướng công việc mà tất cả mọi người đang lao tới.

Việc không tham dự các hoạt động tập thể của doanh nghiệp cũng khiến bạn đánh mất dần những kĩ năng rất kool của anh chàng thành công như khả năng làm diễn giả, khả năng thuyết phục người khác, làm việc theo nhóm, đàm phán.... bạn sẽ cụt mòn dần chính mình và trở thành một gương mặt xa lạ với những hoạt động quan trọng của công ty.

Cách khắc phục: Hãy twist lại bản thân bằng những cuộc gặp nhỏ với nhóm đồng nghiệp gần nhất, những cuộc thảo luận cuối tuần hay đơn giản là một buổi đi thăm nhà xưởng với những sếp mới đến. Không bao giờ thừa cho những cái bắt tay mới, những cơ hội mới và khả năng khiến bạn trở nên mạnh hơn bao giờ hết trong sự nghiệp của mình.

Nhiệm vụ đặc biệt

Nếu sếp hỏi bạn có muốn tham gia vào một “nhiệm vụ đặc biệt” mới ko, đừng bắt đầu câu trả lời theo kiểu: “Tại sao lại là tôi? Nghĩa là đợt này tôi lại phải đi làm khuya suốt cả tháng à?” - Nếu bạn đam mê thành công và muốn trở thành kẻ bứt phá các mức sự nghiệp và cả vị trí của mình trong công ty, bạn phải là người luôn sẵn sàng, bất kể những nhiệm vụ đặc biệt có khó đến mức nào. Hãy thử đi, rồi mới biết sức mạnh! Đừng vội vàng từ chối và đánh mất cơ hội của mình.



Hơn nữa, ai mà biết được trong những nhiệm vụ đặc biệt ấy, bạn sẽ là anh chàng “ghi bàn” với những thành công bất ngờ thì sao?


Đừng bao giờ lùi lại và đo đếm hơn thiệt với những người khác, hãy bứt phá! 

Không quen một ai mới suốt cả 2 tháng trời

Lần cuối cùng bạn gặp một người quen mới trong network của mình là 2 tháng trước. Bạn chỉ quanh quẩn với những đồng nghiệp cũ, đối tác cũ, gặp gỡ những anh bạn cũ, bia bọt với những tay trong đội bóng cũ. Bạn thậm chí còn chẳng gọi điện thoại hỏi thăm đối tác xa gần nữa.



Tác hại: Thành công không đến hoàn toàn nhờ quan hệ. Nhưng khi làm cụt mòn dần những mối quan hệ cũng đồng nghĩa với việc bạn vứt bỏ rất nhiều cơ hội có thể vô tình xuất hiện trong những cuộc làm quen mới và tình bạn bất ngờ.

Cách khắc phục:  Hãy bắt đầu lại bằng cách mua một quyển sổ ghi contact mới, ăn mặc đẹp, làm mới kiểu tóc, thử trang phục mới và bắt đầu đến các buổi gặp gỡ dân trong nghề hoặc những đối tác bạn chưa từng quen trước đó. Chỉ là làm quen thôi mà, có hại gì đâu? Hãy để sự quảng giao nâng sức mạnh cho con đường sự nghiệp của bạn.

Sếp không hề biết bạn đang làm gì

Sếp không hề biết bạn đang làm gì, đang ở giai đoạn nào của công việc, cũng không hề nhớ ra bạn đang phải hợp tác với ai trong nhiệm vụ của mình. Thậm chí, ông đã quên cả việc giao nhiệm vụ cho bạn.

Tác hại: Đừng tưởng như thế là bạn sẽ nhàn hạ. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn không còn là anh chàng quan trọng trong bất cứ khâu nào của công ty nữa. Bạn làm gì không ai cần biết. Công việc của bạn có ra sao cũng chẳng ảnh hưởng tới ai. Bạn là mắt xích nào trong công ty vậy? Chắc chắn khi cần sa thải hay dọn dẹp bộ máy, bạn sẽ là kẻ bị người ta nhớ ra đầu tiên đấy!
 

Cách khắc phục: hãy rời khỏi “vùng trời nhàn hạ” mà bạn đang tận hưởng đi. Hãy đi hỏi thẳng sếp: “Em chưa có việc trong các buổi chiều tuần này, anh có gì cần giải quyết ko?”, hãy hỏi đồng nghiệp cần bạn giúp gì. Hãy bắt đầu bằng việc cho tất cả mọi người xung quanh biết bạn đang thể hiện bản thân, đang có ích và đang chinh phục những phần việc khó khăn mới.
Khi sếp chú ý đến bạn và đồng nghiệp biết bạn đang nỗ lực, đó là khi bạn đang quay lại cuộc đua sự nghiệp của mình với tất cả mọi người.

Hãy chạy thật nhanh để trở thành kẻ mạnh nhất!

                                               Thế Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét