Hãy can đảm nhận lỗi

Tâm trạng của kẻ phạm lỗi là sợ bị trừng phạt. Là con người, ai cũng yếu đuối và bất toàn, nên nhận lỗi không phải là hèn nhát mà là một hành vi can đảm. Che dấu tội lỗi sẽ kéo theo sự gian dối và tiếp tục sa lầy trong điều ác. Cái xấu không phải là nhận tội, mà là chối tội. Để được tha thứ, hãy can đảm nhận lỗi của mình. 

Mahatma Gandhi kể lại một câu chuyện trong đời ông :

"Thuở thiếu niên, tôi ăn xài phung phí. Mới mười mấy tuổi đầu mà tôi đã vướng phải nợ nần. Năm ấy tôi 15 tuổi, tôi có một quyết định vô cùng táo bạo, nhưng không thể làm gì khác hơn : đó là ăn cắp chiếc vòng bằng vàng của cha tôi để giải quyết số nợ và phần còn lại thì tiêu xài. Mọi việc lại không yên ổn như tôi nghĩ. Chẳng phải vì tôi bị phát hiện, bởi cha không hề nghi ngờ tôi là kẻ ăn cắp. Song chính lương tâm tôi bị dằn vặt mỗi ngày một mãnh liệt hơn.

Không thể nào chịu được sự ray rứt trong tâm hồn mà cũng không đủ can đảm trực tiếp nói ra sự thật với cha, tôi quyết định viết những lời thú tội trên một tờ giấy. Toàn thân tôi run rẩy khi cầm đưa cho cha, rồi lùi ra xa một chút đứng ở góc nhà.

Tôi đứng đó, im lặng và chờ đợi. Không khí trở nên ngột ngạt biết bao khi ánh mắt cha tôi đọc từng dòng chữ trên trang giấy nhỏ. Tôi chờ đợi một cơn thịnh nộ sẽ bùng lên, chờ đợi ánh mắt giận dữ của một người cha khi biết đứa con của mình là kẻ trộm cắp, lại là trộm của chính cha nó!

Thế rồi, tôi thấy cha tôi nhắm mắt lại một lúc. Ôi! Cái khoảnh khắc ấy sao mà dài đăng đẳng! Tôi vẫn chờ đợi.... Khi cha mở mắt ra, cha tôi xé nát miếng giấy. Người đứng lên và bước đến dang tay ra ôm lấy tôi, cho đầu tôi áp vào ngực cha, rồi khẽ nói : “Tốt lắm con! Tốt lắm...” Những giọt nước mắt tôi tuôn tràn làm mờ đôi mắt, nhưng vẫn còn đủ rõ để khi ngước lên, tôi nhìn thấy được : cha tôi cũng khóc!"


Trích từ  "Những câu chuyện bên ánh lửa" - NXB Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét