Đừng vội vã đưa ra
lời bình luận, bạn sẽ tránh được một màn đàm thoại tranh cãi không cần thiết,
đồng thời tiết kiệm được thời gian, năng lượng.
Nhiều người trong chúng ta có thói quen thích bình phẩm : về nhận xét ai đó vừa đưa ra, về một thói quen xử sự, một sai lầm, một chính sách, quy định... Đôi khi bạn nói ra chỉ để giải tỏa những điều đang chất chứa trong lòng, đôi khi do giận dữ, bất mãn khiến bạn chợt thốt ra. Có khi bạn phê phán, có khi ngợi khen. Thông qua những lời nhận xét, bạn thể hiện quan điểm, niềm tin, hay định kiến của mình.
Có những lúc, bình luận bạn đưa ra vô cùng hợp tình hợp lý. Hoặc do chủ động, hoặc do được hỏi, những ý kiến của bạn tỏ ra rất có giá trị - đôi khi là cả một giải pháp cho vấn đề nan giải.
Tuy nhiên có những lúc lời bình luận của bạn không những thừa mà còn phản tác dụng. Nó đơn thuần xuất phát từ thói quen, như một phản xạ vô điều kiện, dẫn đến tranh cãi, làm người khác phải bối rối, đau lòng. Đây chính là những bình luận bạn cần tránh bằng mọi giá.
Một hôm, có một phụ nữ chuẩn bị rời nhiệm sở sau một ngày làm việc vất vả. Cô tự nhủ về đến nhà, mình sẽ tắm nước nóng và sau đó chọn một quyển sách thật hay đọc trước khi ngủ.
Trong phòng, một nhóm cộng sự đang tụ tập bàn tán về một sự kiện nóng bỏng gì đó. Cô bước đến định nói lời chào tạm biệt, nhưng rồi trước câu chuyện của họ, dù chẳng liên quan gì đến mình, cô chợt muốn tham gia đôi chút và đưa ra bình luận : ”Trong trường hợp đó, chị biết nên làm sao không?”. Sau đó, chắc bạn cũng biết, cô bị cuốn vào màn đàm thoại bởi một khi là người đưa ra ý kiến, cô không thể bỏ lửng ngang chừng mà sẽ phải tiếp tục giải thích, bảo vệ cho quan điểm của mình đến cùng. Màn đàm thoại kết thúc, chẳng đem lại kết quả lợi lộc gì ngoài sự bất mãn, mệt mỏi, cô thậm chí không còn sức để nghĩ đến chuyện đọc sách trước khi ngủ.
Mỗi chúng ta đều có thể đưa ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các câu chuyện tương tự dù chi tiết có khác biệt đôi chút. Người phụ nữ trong ví dụ này chẳng làm gì sai. Ý định ban đầu của cô là tỏ ra thân thiện, vui vẻ và xem mình liệu có giúp ích được gì. Dĩ nhiên sự tham gia của cô là rất chính đáng nếu như ngày hôm đó, cô không có ý định sẽ nghỉ ngơi và tận hưởng một buổi tối thật thanh thản.
Bản thân tôi cũng có nhiều tình huống như thế. Thay vì kết thúc mẫu đàm thoại trên điện thoại, tôi chợt nhớ ra điều gì đó và buột miệng : “Còn chuyện đó sao rồi?”. Câu hỏi của tôi vô tình đã mở ra cả một màn đối thoại mới kéo dài thêm ít nhất 20 phút, trong khi rất có thể ai đó đang chờ tôi gọi điện thoại cho họ. Như vậy, chính tôi đã tự chuốc lấy sự căng thẳng cho mình.
Thỉnh thoảng, chúng ta còn thốt ra những điều mà dư âm của nó kéo dài âm ỉ rất lâu sau đó. Có lần trong một văn phòng, tôi chứng kiến một phụ nữ chợt la lên với người đồng sự :”Tôi chưa từng thấy ai không hề biết lắng nghe như chị”. Giá như cô đừng quá vội vàng, ngẫm nghĩ chỉ vài giây trước khi thốt ra điều đó, chắc chắn cô sẽ chọn một câu nói khác nhẹ nhàng mà hiệu quả hơn.
Nếu có thể kiềm chế được mình trong những tình huống như thế, bạn sẽ tránh được biết bao căng thẳng. Rất nhiều người thổ lộ với tôi là cuộc sống của họ trở nên thanh thản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều chỉ nhờ vào sự thay đổi trong thói quen nho nhỏ này. Giờ đây, họ rất ít khi nói ra những điều làm mình phải hối hận về sau. Tất cả chỉ nhờ vào một vài giây bạn dành ra để nghĩ trước khi nói. Một vài giây rất ngắn ngủi nhưng đủ để trí khôn của bạn mách bảo cho bạn biết liệu đó đã phải là câu nói thích hợp nhất chưa. Hãy thử xem, bạn sẽ thấy mình bớt được rất nhiều phiền muộn trong cuộc sống.
Trích từ “Thăng tiến trong sự nghiệp” – Richard Carlson
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét