Có người cho rằng từ “thích” đi tới “yêu” là một bước tiến.
Lại có người cho rằng “yêu” là cấp độ cao hơn của “quý”.
“Thích” và “quý” có giống nhau không?
“Thích” là một cảm xúc đẹp
Khi chúng ta thích điều gì, ta chỉ đơn giản công nhận rằng sự hiện
diện của điều đó là vừa ý ta; chừng nào điều đó còn làm vừa lòng ta thì
ta còn thích, tới khi điều đó thay đổi, không còn làm vừa lòng ta nữa
thì ta hết thích. Sự hài lòng này rất nông cạn, không có sự chuẩn bị bên
trong ta, nó xuất hiện và tan biến đều rất dễ dàng. Tình cảm này hoàn
toàn là “cho mình” và chỉ là tạm bợ.
Đây dù sao cũng là một cảm xúc đáng quý, vì nó là biểu hiện của khả
năng cảm kích của chúng ta trước cái đẹp, nó như một mồi lửa nhỏ, tuy
rất nhỏ và tạm bợ nhưng có thể nhờ nó mà những ngọn đuốc lớn sẽ được
thắp lên. Chúng ta nên trân trọng cảm xúc này, chỉ cần không đặt niềm
tin lớn vào đó để tránh tự khiến mình rơi vào sự thất vọng khi nó qua
đi, bởi chắc chắn nó sẽ qua đi.
“Quý mến” là một tình cảm đẹp
Quý mến một người hay một vật, tình cảm ấy không chỉ làm thỏa mãn sự
cảm nhận trong ta. Quý mến nghĩa là ta không chỉ có thiện cảm với điều
ta gặp, mà còn có lòng trân trọng đối với điều đó, mong muốn điều đó sẽ
duy trì được vẻ đẹp mà ta đang tiếp xúc. Nhờ có sự trân trọng này mà ta
không dễ gì từ bỏ điều ta quý, cho dù điều đó đang có xu hướng chuyển
biến và các nét đẹp đang phai tàn. Bởi trân trọng điều mình quý mến, ta
mong những nét đẹp ở điều ấy sẽ luôn tồn tại chứ không bị hủy hoại, tình
cảm này không chỉ còn là “cho mình” mà còn là cho người, cho vật, cho
cảnh mà ta quý.
Tuy nhiên, mặc dù có lòng trân trọng và mong muốn cái đẹp được tiếp
diễn, tình cảm quý mến vẫn chỉ dừng lại ở sự cảm nhận và mong đợi ở phía
chúng ta. Nếu con người, sự vật hay sự việc mà ta quý mến đã không còn
giữ được vẻ đẹp như ta mong đợi nữa, tình cảm ta vốn dành cho những
người ấy, những điều ấy cũng sẽ khó được giữ lại. Ta quý mến bởi trân
trọng những vẻ đẹp của nhau, nhưng khi người kia đã thay đổi hoặc chỉ do
cái nhìn của ta về họ đã thay đổi, ta cảm thấy chẳng thể quý mến được
nữa.
Đó là lí do tại sao “thích” và “quý” tuy có thể mang lại cảm giác
thỏa mãn cho chúng ta, nhưng lại không có khả năng bảo hộ cho những vẻ
đẹp còn mãi, để chúng ta mãi giữ được thiện cảm của mình.
Yêu thương là hiểu biết
Cũng bắt đầu từ sự nhận biết về những vẻ đẹp, tình yêu thương được
hình thành từ chất liệu của sự “thích” và “quý”. Nhưng yêu thương không
dừng lại ở sự mong đợi ở đối tượng mà mình có thiện cảm, tình yêu thương
chân thật thì sâu sắc và trọn vẹn hơn tình cảm quý mến.
Bởi không chỉ nhận ra vẻ đẹp của đối tượng (thích), trân trọng những
vẻ đẹp ấy và mong muốn chúng được tồn tại dài lâu (quý mến), chúng ta
còn có nguyện vọng chính mình tham gia vào việc bảo tồn và phát huy
những vẻ đẹp ở con người, cảnh vật hay sự việc mà mình yêu mến… điều đó
khiến cho tình yêu thương chân thật trở thành một thứ keo dính bền chắc
trong mọi mối quan hệ.
Chúng ta biết rằng mọi thứ trên đời này đều tiến tới theo dòng chảy
của thời gian, đều đi theo xu hướng phai tàn, hư hoại. Tình cảm “thích”
và “quý” chỉ giúp chúng ta nhận thức được vẻ đẹp trong từng thời điểm,
nhưng không giúp ta chống lại được sự tàn hoại của những vẻ đẹp đó theo
thời gian. Thế nhưng tình thương lại có thể giúp chúng ta nhận ra rằng,
ngay trên dòng chảy vô thường ấy, những vẻ đẹp vẫn không hề mất đi.
Chúng chỉ đơn giản thay đổi hình hài, chuyển hóa từ dạng này sang dạng
khác và tiếp tục biểu hiện trong muôn vàn hình thái. Có được cái nhìn
như thế, tình thương của chúng ta trở nên thật sự sâu sắc và bền bỉ.
Ta
sẽ không vì sự chuyển biến của một điều gì đó mà không còn thích điều
mình đã thích, ta sẽ không vì sự suy tổn ở một người nào đó mà không còn
quý mến họ, bởi ta biết đằng sau mọi sự thay đổi ấy là bản chất thật
luôn luôn đẹp đẽ. Có thể người mà ta quý mến không nhận ra rằng họ vẫn
rất đẹp ngay cả khi tâm hồn của họ đang bị tổn thương, vì thế mà ta càng
nên yêu thương họ và giúp họ nhận ra rằng vẻ đẹp của họ chỉ đang tạm
thời ẩn tàng chứ không hề biến mất, vẻ đẹp đó chỉ biểu hiện ra dưới
những hình thái khác mà bản thân người đó không tự nhận thấy được thôi.
Yêu thương là chất liệu của sự sống
Nếu không có sự tiềm ẩn sâu thẳm của sự sống trong mùa đông, chúng ta
đâu thấy được vẻ đẹp lộng lẫy của mùa xuân. Và cũng nhờ có sự biểu hiện
huy hoàng ấy của mùa xuân mà ta sẽ được chứng kiến sự chuyển biến diệu
kì vào mùa hạ và chiêm ngưỡng cái đẹp mỹ lệ của mùa thu. Nếu chúng ta có
thể tiếp xúc với bốn mùa theo cách nhìn ấy, chúng ta đang thật sự biết
yêu thương và có thể mang tình thương của mình đi nuôi dưỡng mọi vẻ đẹp
trên đời.
Cùng một cách nhìn như thế, chúng ta có thể áp dụng vào mọi mối quan
hệ trong cuộc sống để trân trọng và nuôi dưỡng những người, những vật mà
ta thương yêu.
Yêu thương là một chất liệu của sự sống. Sự sống này có ở trong mọi
người ta gặp, mọi điều ta tiếp xúc. Khi ta làm điều gì mang lại cho
người khác niềm vui, ta đang nuôi dưỡng sự sống của họ. Nếu ta làm một
việc gây tổn hại cho họ, ta đang làm suy tàn sự sống và đưa họ tới sự
hủy hoại.
Khi thật sự yêu thương, chúng ta không còn lo cho sự thỏa mãn của
chính mình nữa. Khi ấy ta không còn bàn tới cảm giác “thích” hay “không
thích”, không còn bị vướng vào tình cảm “quý” hay “không quý”. Khi ta đã
nhìn thấu vẻ đẹp ở mọi người, ta biết rằng mỗi người là một thế giới,
mỗi người có những “mùa” riêng. Một người có thể đang sống trong mùa
xuân của họ, vô cùng phấn chấn và hào sảng. Người khác có thể đang sống
trong mùa thu của họ, những ý tưởng và cảm xúc đang thu về để chuẩn bị
ẩn tàng trong mùa đông… Bởi những điều đó ta đều thấy rất rõ, nên không
những không có phản ứng chống đối, mà ngược lại, ta càng tôn trọng và
mong muốn bảo vệ nhịp độ của sự sống trong họ. Ta cũng mong khiến cho họ
tự nhận ra các mùa trong họ, để không cảm thấy lạc lõng khi không sống
cùng nhịp độ với thế giới xung quanh.
Chúng ta quan sát hàng năm thì sẽ thấy được rằng bốn mùa không nhất
thiết phải bắt đầu và kết thúc vào một ngày nào nhất định. Thiên nhiên
rất linh hoạt, chỉ có con người chúng ta đặt ra những quy ước về ngày
tháng và quy định khi nào xuân sang, khi nào thu tới…
Những người biết yêu thương chính là những người biết nuôi dưỡng mùa
xuân của mình thật lâu dài và cũng biết trân trọng, nuôi dưỡng tất cả
những mùa khác.
Đất trời có thể thì chúng ta cũng có thể, phải không?
Khi chúng ta nuôi dưỡng sự sống trong người khác và vật khác, ta cũng đang nuôi dưỡng sự sống trong chính mình!
Yêu thương là hòa hợp
Thật đẹp khi chúng ta có cử chỉ cho đi mà không mong cầu nhận lại.
Nhưng vẫn có bao nhiêu người cho đi, ở thời điểm ấy không mong nhận lại,
mà một thời gian sau thì buồn giận và hối tiếc. Vậy thì “cho đi mà
không mong nhận lại” có thể chỉ là một sự thỏa hiệp tạm thời chăng?
Nếu chúng ta có thể yêu thương trong sự hiểu biết sâu sắc về vẻ đẹp ở
đối tượng ta yêu, vẻ đẹp ấy bỗng trở thành chiếc cầu nối giữa ta và họ.
Ta hạnh phúc bởi sống với vẻ đẹp mà ta thấy ở người ấy, đồng thời ta
cũng nuôi dưỡng sự sống trong họ bằng cách trân quý và bảo hộ cho vẻ đẹp
của họ. Vẻ đẹp của người ta yêu thương cũng trở thành một phần của
chính ta. Ta và họ không còn là hai mà đã hòa làm một, bởi cùng gìn giữ
những vẻ đẹp chung.
Qua cái nhìn về vẻ đẹp chung ấy, những mong muốn mà chúng ta phát
khởi nhằm duy trì và nuôi dưỡng vẻ đẹp chung không còn mang tính chất
“cho-nhận”. Ta và họ đã hòa vào nhau như chi phần trên một thân thể thì
sự cống hiến của ta dù lớn lao tới đâu cũng đều chính là đang nuôi dưỡng
chính mình thôi.
Những ai may mắn có được tuổi thơ và tuổi trẻ êm đềm trong tình
thương yêu của bố mẹ thì sẽ nhanh chóng nhận ra được điều này. Khi gia
đình hòa hợp với nhau, cuộc sống của con không khác gì cuộc sống của bố
mẹ. Bố mẹ dù tận tụy bao nhiêu vì con thì cũng không cảm thấy là mình
đang hi sinh cuộc sống riêng, đang chịu đựng sự hao mòn để chăm cho con
mình hạnh phúc. Bởi hạnh phúc của con cũng chính là hạnh phúc của bố mẹ.
Đó chính là tình yêu thương hòa hợp, trong đó không có sự “nhận” và sự
“cho”.
Yêu thương là đáp đền ân nghĩa
Tuy nói rằng trong tình thương hòa hợp không có “nhận” và “cho”,
nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể sống vô tư không màng tình
nghĩa.
Chúng ta có được cuộc sống ngày hôm nay là nhờ có muôn vàn nhân
duyên, trong đó ta cần kể đến công sức của gia đình, thầy cô, bạn bè và
rất nhiều những người khác đã có mặt và làm nên cuộc sống của ta, cần
biết ơn thiên nhiên đất trời đã cung ứng những gì ta cần để ta sống được
tới ngày hôm nay…
Trong lòng biết ơn ấy, chúng ta không quên rằng những điều tốt đẹp mà
mình được thụ hưởng trong cuộc đời này đều không thuộc về riêng mình,
mà là những vẻ đẹp chung của mình với tất cả những người, những vật đã
góp phần tạo nên.
Thì ra, công ơn sinh thành và dưỡng dục không chỉ có ở gia đình và cụ
thể là bố mẹ ta. Công ơn ấy có ở muôn người, muôn vật. Bởi nếu thiếu
những gì mà gia đình, thầy cô, bè bạn đã mang tới để nuôi dưỡng cho ta,
làm sao hôm nay ta có được thân thể này, tâm hồn này!
Mẹ ta là người đã mua rau về nấu cho ta ăn ngày bé, ta biết ơn mẹ
thật nhiều. Nhưng nếu mẹ đi mua rau mà không có người bán rau, người
trồng rau, người vận chuyển rau, người tổ chức chợ… thì mẹ sẽ chẳng có
rau để mua, nếu mua rau về mà nhà không có nước, không có dụng cụ để nấu
ăn, thì rau đó cũng không trở thành đồ ăn cho ta thưởng thức. Vậy thì
chỉ trong một món rau đơn giản và ngon lành ấy, ta đã có thể nhìn thấy
công lao của biết bao nhiêu người: mẹ – người đã đi mua rau về nấu cho
ta ăn, người trồng rau, người bán rau, người vận chuyển rau, người làm
nước sạch, người làm đường ống, người xây nhà, người làm điện, người chế
tạo dụng cụ nấu ăn, người bán dụng cụ nấu ăn, v.v… Chúng ta có thể kể
ra thật nhiều, nhiều lắm, những người đã góp công sức để ta được ăn một
món ăn ngon. Tất nhiên chúng ta không thể tự nhớ hết những người ấy,
nhưng mỗi khi ta tiếp xúc với một người trong xã hội, chỉ cần dừng lại
đôi chút, ta hoàn toàn có thể nhận ra vai trò của họ trong cuộc sống của
mình. Mỗi người xuất hiện trong cuộc đời ta đều là để mang tới cho ta
một điều gì đó. Có thể họ trao cho ta điều gì đó chỉ bởi vô tình thôi,
nhưng một khi đã có sự đón nhận, ta nên biết ơn họ.
Người trồng rau hẳn sẽ vui lắm, khi biết rau họ trồng đã được mang đi
bán. Người bán rau chắc sẽ vui lắm, nếu biết rau họ bán rất bổ và tươi
ngon. Người nấu ăn chắc chắn sẽ rất vui khi biết là món rau họ nấu đã
được ăn một cách ngon lành… Nếu chúng ta hạnh phúc khi ăn một món rau
ngon, ta nên biết rằng hạnh phúc đó không phải của riêng ta, đó là hạnh
phúc chung của tất cả những ai đã cùng hiện diện với món rau đó.
Chỉ là một món rau rất thanh đạm thôi, đã mang bên trong bao nhiêu ơn
nghĩa. Nếu chúng ta nhìn lại tất cả những gì tạo nên cuộc sống của
mình, làm sao có thể không nhận ra là hạnh phúc luôn có mặt quanh ta?!
Yêu thương là hạnh phúc
Cho đi hay nhận lại, chúng ta đều có thể có niềm vui. Nhưng niềm vui
của sự cho-nhận chỉ có tính tạm thời. Khi chúng ta nhìn sâu vào bản chất
của sự cho-nhận ấy, thấy được bao nhiêu nhân duyên đã khiến chúng ta
nhận được điều ta được nhận hoặc khiến chúng ta cho đi điều mình muốn
cho, hai khái niệm ấy sẽ dần trở nên mờ nhạt và tan biến.
Nếu chúng ta vẽ lên tờ giấy một sơ đồ thể hiện sự cho-nhận giữa mình
và người khác, giống như ta vừa thử nghiệm với ví dụ về một món rau mà
mẹ đã mua và nấu cho ta ăn, thì chắc chắn chỉ sau một khoảng thời gian
ngắn chúng ta sẽ có một tờ giấy đặc kín màu mực, không còn phân biệt nổi
các đường “cho” và nét “nhận” nữa. Đó là vì tất cả chúng ta đều nương
tựa vào nhau mà sống, không ai làm một việc gì cho riêng ai.
Chúng ta yêu thương theo cái nhìn hiểu biết ấy thì hạnh phúc là một
điều tất yếu. Bởi khi biết rằng có bao nhiêu người đã góp phần bảo hộ
cho sự sống của mỗi chúng ta, thì làm sao ta có thể cảm thấy cô đơn? Khi
biết rằng những gì mình làm ra trong cuộc sống không chỉ phục vụ riêng
một ai mà luôn đóng góp cho vẻ đẹp chung của tất cả mọi người, mọi loài
trong xã hội, làm sao ta có thể cảm thấy công lao của mình là phí phạm?
Biết yêu thương theo cách ấy, cuộc sống của chúng ta sẽ chỉ còn toàn
những niềm vui, không cần phải oán giận, trách móc. Chúng ta sống bên
nhau, sống cho nhau, hạnh phúc là của chung và do chính mỗi người chúng
ta tạo tác.
Hãy cùng nhìn sâu hơn, hiểu rõ hơn để có thể yêu thương nhau nhiều
hơn và khiến hạnh phúc chung được rộng lớn hơn, bạn có đồng ý không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét