Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín
cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp chảy của chính con tim
mình, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua… Chậm
lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.
Giữa guồng quay vô tận của thời gian, áp lực của cuộc sống, của công việc,
người ta bắt đầu thấy chóng mặt, ngột ngạt… Học thiền, tập Yoga, tĩnh tâm bằng
trà đạo… là những giải pháp “sống chậm” của nhiều người thời nay.
Thuở trước thi sĩ Xuân Diệu đã từng “giục giã”: “Nhanh lên chứ, vội vàng lên
với chứ”. Ngày nay, nhiều người cho rằng phải “sống gấp”, “sống lướt”… Giữa lúc
đó, “sống chậm” dường như kéo ta bước chậm lại, đưa con người trở về với bề
sâu, bề xa, những góc khuất trong tâm hồn, chầm chậm lắng nghe và suy ngẫm.
Thử một lần thực sự thâm nhập vào thế giới riêng của tuổi teen, chắc hẳn ấn
tượng về một thế hệ @ với nhịp sống hối hả và hưởng thụ đã “mặc định” trong mỗi
người sẽ nhanh chóng qua đi. Nhiều người sẽ gặp một chút “tôi” trong những dòng
tâm sự hồn nhiên, chân thành, thậm chí là những suy nghĩ, tản mạn đôi lúc bâng
quơ của lứa tuổi ô mai…
Đó là những giây phút chúng ta “sống chậm lại”… Sống chậm! Chậm lại để không
hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống,
nhịp chảy của chính con tim mình, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều
gì chỉ là thoáng qua… Chậm lại không phải là để thụ động tận hưởng. Chậm lại để
nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.
…Bồi hồi khi nhớ đến đôi dòng tâm sự trong tản văn của Nguyễn Thanh Bình: “…tôi
sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê xứ nghèo, tập đi chậm để thấy
hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình
đời tình người lấp lóe bên tôi…”
Giản dị nhưng sâu sắc, chân thành nhưng thấm đẫm yêu thương, đôi khi xen cả
những “triết lí” hồn nhiên của tuổi mới lớn…...
(chiaseyeuthuong)